Ngày hội của họa sĩ “nhí”

15/04/2009 14:56 GMT+7

Cả ngàn họa sĩ “nhí” cùng với thầy cô và phụ huynh ngồi chật cả khoảng sân rộng của trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM vào sáng 12.4. Các em đến từ nhiều trường học ở các quận nội thành đang chuẩn bị bước vào vòng chung khảo cuộc thi Nét vẽ xanh lần thứ 12.

Cái nhìn và cảm nhận trẻ thơ

Ông Bùi Xuân Đức, Trưởng ban tổ chức cho biết bắt đầu từ năm nay, Nét vẽ xanh được nâng cấp thành một chương trình xã hội với các hoạt động như: triển lãm tranh, bán đấu giá tranh gây quỹ, tặng quà cho các em thiếu nhi nghèo... Tham gia ban tổ chức, ngoài Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM là hai đơn vị khởi xướng cuộc thi, còn có nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Quỹ Saigon Times (Saigon Times Foundation), Công ty Xây dựng và thương mại TTT, Công ty Minh Long 1, Công ty Thương mại và dịch vụ Sĩ Hoàng.

“Trẻ vẽ hoặc nặn là tạo ra sản phẩm, ý tưởng thay cho lời nói. Có những em chưa biết chữ nhưng đã biết vẽ, biết nặn theo bản năng tự nhiên để bộc lộ những gì đã quan sát, tích lũy được”, nhận xét này của họa sĩ Nguyễn Toàn Thi, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, thật đúng với các họa sĩ bé tí này.

 

Bé Tuần Châu, lớp lá trường Mầm non 9, sắp hoàn thành bức tranh “Chúng em đi câu, thả diều” - Ảnh: Trần Huy

Hai chị em Tuần Châu và Phương Nga, học lớp lá và lớp chồi trường Mầm non 9 (Q.3) chẳng hạn, từ lúc bắt đầu cuộc thi các em đã vẽ một mạch hai bức tranh phong cảnh có nhiều chi tiết sống động. Tuần Châu vẽ cảnh hai bé đang câu cá và thả diều; còn Phương Nga vẽ cảnh biển với chiếc tàu thủy nhả khói, lũ cá nhiều màu sắc tung tăng và có cả một... mỹ nhân ngư có đuôi uốn lượn mềm mại.

Ở một phòng thi khác, bé Tuyết Trâm, học lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) đang vẽ cảnh làng quê. Dưới bàn tay của bé, những mái nhà tranh, ụ rơm, con gà, câu dừ, em bé thả diều... hiện ra thật ngộ nghĩnh. “Cháu thường thấy cảnh này trên ti vi. Cháu thích lắm” - Tuyết Trâm giải thích và khoe năm rồi em cũng dự thi và đoạt giải khuyến khích.

 

Các em thi vẽ trên máy tính - Ảnh: Trần Huy

Cách Trâm vài dãy bàn là Mỹ Hạnh, học lớp 7 trường PTCS Hai Bà Trưng (Q.1). Cô bé cao gầy, đeo kính cận này đang tô màu bức tranh vẽ cảnh vịnh Hạ Long với những hòn đảo lô nhô và những chiếc thuyền buồm. Mỹ Hạnh không vẽ theo sách hoặc ti vi mà từ trí nhớ của em.

“Hai cái đều...bằng nhau”

Cũng như mấy năm trước, kỳ thi Nét vẽ xanh lần này còn có loại hình vẽ trên máy tính với gần 1.000 em dự thi tại trường PTTH chuyên Trần Đại Nghĩa. Cô Thảo, giáo viên tin học của trường Trần Đại Nghĩa cho biết: “Các em đều đã học tin học ở trường hoặc do cha mẹ chỉ dạy ở nhà và đều biết sử dụng chương trình paint để vẽ”. Máy tính giúp các em vẽ và tô màu nhanh hơn, đặc biệt là các đường nét hình học, các mảng màu. Với các em đã quen sử dụng, vẽ trên máy tính cũng chẳng khác nào một trò chơi thú vị.

Trước cuộc thi vẽ cá nhân, đã diễn ra cuộc thi vẽ tập thể (gần 100 nhóm dự thi) và cuộc thi vẽ dành cho các em khiếm thị (30 em) tại Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng (Thủ Đức, TP.HCM). Theo kế hoạch, ngày 19.4 sẽ diễn ra cuộc thi vẽ trên áo dài tại Công viên Tao Đàn và ngày 10.5 là cuộc thi vẽ trên bình gốm tại Công ty Minh Long 1 với khoảng 4.000 em dự thi. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức vào ngày 31.5.2009 tại Câu lạc bộ TDTT Phan Đình Phùng (TP.HCM).

Sau gần một giờ cặm cụi với máy tính, cậu bé Tuấn Thành, học lớp 1, trường Tiểu học Khởi Nghĩa, đã vẽ xong bức tranh “Em đang xem phim”. Bức tranh có rất nhiều đường thẳng và hình khối: cái tủ, ti vi và cậu bé ngồi xem có thân vuông với hai tay hai chân hình ống dài.

Cũng có những đường nét hình học như vậy khi vẽ căn nhà, những ô cửa sổ, nhưng bé Nhật Vi, học lớp 3 cùng trường với Thành, còn thể hiện sự khéo léo khi vẽ hình một cô bé mặc áo đầm với những nét khá mềm mại. Vi cho biết, ở nhà ba em bày cho em sử dụng máy tính và em thường đặt những con thú nhồi bông lên bàn để vẽ. “Vẽ trên giấy thì dùng bút chì dễ hơn, còn vẽ bằng máy tính thì nhanh hơn nhưng khó điều khiển con chuột. Hai cái đều... bằng nhau”. Ý của Vi là mỗi loại hình đều có cái dễ, cái khó riêng của nó.

Trần Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.