Đà Nẵng: Loạn tin đồn “nước thần” chữa bệnh

11/04/2009 15:29 GMT+7

(TNO) Trước tin đồn uống nước giếng ở miếu ông Hổ (thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có thể chữa bách bệnh, hàng nghìn lượt người đã kéo về khu vực này suốt tuần qua gây nên cảnh tượng ồn ào, mất an ninh trật tự trong khu vực.

Nước lã chữa ung thư (!?)

Trưa nay 11.4, khi chúng tôi có mặt tại miếu ông Hổ đã thấy hàng trăm người dân Đà Nẵng và không ít người đến từ Thừa Thiên - Huế tụ tập tại đây. Bà Trương Thị Lê (61 tuổi), nhà ở bên cạnh miếu ông Hổ, cho biết bà vừa mở quán nước chỉ từ một tuần qua để bán cho dòng người lũ lượt kéo về. “Một tuần trước, nghe đồn có ngư dân ở đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế lấy nước giếng ở gốc cây sanh miếu ông Hổ uống vào khỏi bệnh ung thư, vậy là hàng trăm người dân đầm Cầu Hai kéo vào đây xin nước”, bà Lê cho biết.

Chị Đàm Thị Thu (44 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết chị bị hen suyễn lâu nay, khi nghe người dân đồn thổi về việc uống nước ở giếng dưới gốc cây sanh miếu ông Hổ thì sẽ bớt bệnh nên đến uống thử.

Trong khi đó, người dân địa phương (thôn Trường Định) thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì về "mạch nước thần" này.


Tập trung quanh gốc cây sanh để chờ xin “nước thần”


Mất hơn nửa tiếng mới gom đủ thùng nước 20 lít như thế này...


...và uống “nóng” ngay tại chỗ

Trưởng thôn Trường Định, ông Võ Văn Thành cho biết: “Giếng "nước thần” trước đây chỉ là một hục nước dưới gốc cây sanh nằm cạnh bờ sông Cu Đê. Nhưng trong khi nước sông Cu Đê có vị lợ, hơi mặn không uống được, thì nước trong hục đá này lại ngọt, chính vì vậy mà gia đình bà Trương Thị Lê mới xây dựng 3 bờ gạch để tạo thành giếng nước phục vụ sinh hoạt gia đình”.

Ông Nguyễn Thu - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên khẳng định: “Miếu ông Hổ đã hư hại qua 2 cuộc chiến tranh, trước đây được người dân dựng lại để tưởng nhớ công đức của người khai hoang mở đất, chứ không hề có chuyện nước giếng thần chữa bệnh”.

Tuy nhiên, người dân vẫn đổ về ngày một đông, mặc cho chính quyền địa phương ra sức giải thích. Còn cánh xe ôm thì được dịp hét giá đến 40 ngàn đồng/đi - về cho đoạn đường 3km đất đá lởm chởm. Từ cầu Nam Ô, người ta cũng chen chúc nhau thuê ghe ngược sông Cu Đê với giá 200 ngàn đồng/chuyến để đến đây.

Không có căn cứ khoa học

Sau khi thắp hương khấn vái ở am thờ nằm trên gò đất cao và thắp hương quanh cây sanh già, người ta xúm lại quanh miệng giếng nhỏ hẹp, chờ khi bọt khí nổi lên để múc nước. Bà Hồ Thị Bảy, 53 tuổi, người thôn Trường Định cho biết: “Không biết ai đồn về việc phải chờ mặt nước giếng nổi bọt khí lên thì múc nước ngay chỗ đó về uống mới hết bệnh. Chúng tôi sống cả đời ở đây rồi, làm gì có nghe tới việc uống nước giếng mà hết bệnh”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết đã mời Phòng Y tế huyện Hòa Vang về lấy mẫu nước đi xét nghiệm để làm cơ sở khoa học thông báo rộng rãi cho người dân.

Hiện nay tình hình trật tự ở khu vực này đã có dấu hiệu bất ổn. Theo Công an xã Hòa Liên, chiều 10.4, có một nhóm thanh niên từ địa phương khác đến miếu ông Hổ, đòi chặn đường thu tiền những người dân đổ về đây để xin nước. Ngày 11.4, tại khu vực miếu ông Hổ tiếp tục xảy ra tình trạng lộn xộn do hàng trăm người tập trung chờ lấy nước.

Thạc sĩ - bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết: “Mỗi loại bệnh có những dấu hiệu, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh khác nhau, không thể có chuyện có một loại thuốc mà có thể chữa được bách bệnh được, cho nên tin đồn nước lã chữa bá bệnh là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Hơn nữa, nước lã chưa được đun sôi và chưa được xét nghiệm, nên không loại trừ khả năng có thể có vi khuẩn trong nước, có thể gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là nguy cơ tiêu chảy cấp trong mùa nắng nóng. Tốt nhất là không nên uống trực tiếp nước lã như thế”.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.