Thừa phát lại thẩm quyền hơn cả Thi hành án

09/04/2009 22:38 GMT+7

Ngày 9.4, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị góp ý kiến triển khai thực hiện thí điểm đề án Thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng hoàn chỉnh hành lang pháp lý cho thừa phát lại hoạt động trong năm nay.

TP.HCM sẽ có 3 - 5 văn phòng TPL

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, dự thảo đề án thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP.HCM đã mở ra một mô hình Thi hành án (THA) mới song hành tồn tại cùng các cơ quan THA hiện nay. Văn phòng TPL đi vào hoạt động sẽ giảm tải công việc cho cơ quan THA, tòa án; đồng thời nó cũng là tổ chức dịch vụ công giúp người dân trong quá trình thực hiện và giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế và THA... TPL sẽ thực hiện 5 loại công việc: Tống đạt các văn bản của tòa án, cơ quan THA dân sự; Lập vi bằng (văn bản ghi nhận một sự kiện, hành vi có thể được xem là chứng cứ trong xét xử); Xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự; Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự và các công việc khác. “Với phạm vi công việc này, chức năng của TPL mở rộng hơn so với THA hiện nay (THA chỉ xác minh, tổ chức THA). Từ quý 3/2009 đến 2010 sẽ thành lập từ 3 đến 5 văn phòng TPL trên địa bàn TP.HCM”, ông Chính nói.

Cũng theo đề án dự thảo này, TPL hành nghề thông qua văn phòng TPL được thành lập hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh (nếu có từ hai TPL trở lên). Có nhiều điều kiện ràng buộc để mở văn phòng TPL, quan trọng nhất là phải ký quỹ 100 triệu đồng hoặc phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Văn phòng TPL sẽ hoạt động theo địa bàn, địa hạt quận huyện như THA hiện nay.

Về phí TPL, nghị định dự thảo của Chính phủ về tổ chức hoạt động TPL quy định: “Đối với việc lập vi bằng, xác minh điều kiện THA mức phí sẽ do người yêu cầu và TPL thỏa thuận, tối đa không quá 200 ngàn đồng/giờ. TPL có thể thỏa thuận thêm các khoản chi phí thực tế phát sinh: chi phí đi lại, phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin, tiền bồi dưỡng người làm chứng... Đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định, TPL được thu phí theo mức cơ quan THA dân sự thu khi THA (hiện nay là 2,5%/số tiền THA). Đối với những vụ việc phức tạp, đôi bên có thể thỏa thuận mức phí...”.

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Xung quanh hành lang pháp lý, mô hình, chức năng, cơ chế cho TPL hoạt động vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nguyên nhân do nền tảng pháp lý chưa phát triển đồng bộ. Chẳng hạn, dự thảo đề án quy định khi trực tiếp THA, TPL được quyền yêu cầu cơ quan công an hỗ trợ, bảo vệ cưỡng chế. TPL phải chịu chi phí cho việc hỗ trợ của công an kể cả thù lao cho những người trực tiếp tham gia. Có đại biểu đặt vấn đề, lực lượng công an là lực lượng công vụ lại đi ký hợp đồng cưỡng chế liệu có ổn? Nên chăng, quy định thuê lực lượng vệ sĩ làm. Nhưng cũng có đại biểu lo ngại: thuê vệ sĩ liệu có hình thành lực lượng đòi nợ thuê? Liên quan đến vấn đề cưỡng chế, dự thảo đề án quy định, trong trường hợp cưỡng chế, THA có huy động lực lượng thì trưởng văn phòng TPL phải có văn bản đề nghị thủ trưởng cơ quan THA dân sự TP.HCM phê duyệt quyết định cưỡng chế. Nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng quy định này sẽ không khả thi bởi khi TPL ra đời sẽ là đơn vị cạnh tranh với THA. Ngoài ra, quy định này làm TPL trở thành đơn vị “con” của THA.

Ông Vũ Quốc Doanh, Phó trưởng THA dân sự TP.HCM bức xúc: “Khối lượng công việc THA của THA dân sự TP.HCM chiếm 1/5 khối lượng vụ việc trong cả nước. Trong tình hình quá tải, thủ trưởng cơ quan THA dân sự không thể kiêm nhiệm thêm việc “phê duyệt cưỡng chế” của TPL. Cơ quan THA không phải là cấp trên của TPL, không liên quan đến hoạt động của TPL. Phí thì TPL thu, nhưng lại bắt THA chịu trách nhiệm phê duyệt việc cưỡng chế là không phù hợp. TPL có ăn có chịu, nên giao hết công việc của TPL cho TPL”.

Về quản lý nhà nước đối với TPL, có ý kiến đề xuất giao cho sở tư pháp quản lý, có ý kiến giao cho THA dân sự TP.HCM quản lý nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần xây dựng mô hình TPL hoạt động độc lập. “Xây dựng hệ thống TPL từ dưới lên trên. TPL là một đơn vị độc lập, tiến tới mô hình Hiệp hội TPL toàn quốc. Nhà nước chỉ nên tham gia, quản lý một mức độ nào đó thôi. Tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL phải quy định giới hạn độ tuổi để tránh trường hợp những ông già chống gậy đi cưỡng chế THA”, ông Chu Hải Thanh, Phó giám đốc Học viện Tư pháp nói.

Góp ý thêm, lãnh đạo Phòng Công chứng số 4 cho rằng, không nên phân địa bàn, địa hạt đối với TPL. Cả TP.HCM mới cho thí điểm 3 - 5 văn phòng TPL, nên để cho các đơn vị này hoạt động rộng khắp thành phố như thế sau quá trình thí điểm mới đánh giá toàn diện hơn xem có nên xã hội hóa công tác THA.

Ngoài ra, về mức phí của TPL, đa số các đại biểu cho rằng nên để TPL và cá nhân, tổ chức yêu cầu tự thỏa thuận với nhau. Luật nếu có quy định cũng chỉ nên quy định mức trần...

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.