Hành trình tìm em - Kỳ 1: Bi kịch từ những chiếc nấm

06/04/2009 11:50 GMT+7

Cô gái người Mường Bùi Thị Kim Oanh ở làng Khào, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã trải qua mười năm đi tìm hai người em trai bị thất lạc, đưa sang làm con nuôi của một gia đình bên Mỹ sau khi bố mẹ cô chết trong một vụ ngộ độc nấm. Trong hành trình này, cô phải làm thuê làm mướn để kiếm sống, học tiếng Anh và tin học để có thể tìm được em mình.

Bằng nghị lực của mình, cô đã đưa một trong hai người em trở về làng Mường trình diện trước mộ bố mẹ. Sau đó, cô tiếp tục lập ra dự án thiện nguyện để kết nối những đứa trẻ con nuôi ở xứ người.

Nhà tôi ở xóm Sào, tiếng Mường gọi là làng Khào. Đó là một làng nằm trong một thung lũng giữa bốn bề là núi cao nghìn trùng. Tôi sinh ra ở bản Mường nên cực như bao nhiêu người khác. 8 tuổi tôi biết theo mẹ gánh lúa, chưa bao giờ mua được kẹp tóc hoặc dây đeo.

Bố tôi làm ở kho lương thực huyện Lạc Sơn, dành dụm vay mượn mãi ông dời được ngôi nhà nằm trên con dốc bên kia đồi về giữa làng Khào. Nhà mới vừa làm xong một tháng, nợ chưa kịp trả, chúng tôi nằm trên sàn còn nghe mùi gỗ thơm nức thì biến cố xảy ra.

Ba mạng người

Đó là những ngày rơi vào mùa đói năm 1994 khi tôi 11 tuổi. Chiều ấy là một chiều cuối tháng tư, mẹ tôi lên rừng lấy thêm một đạy nấm về nhà. Hai ngày rồi cả nhà đã phải ăn nấm thay cơm. Hôm qua, mẹ nấu nồi nấm và mọi người, kể cả tôi, ăn hết. Hôm nay vẫn là những chiếc nấm ấy, mẹ lại nấu một nồi to. Tôi chăn bò về, nhức đầu nên vào sàn trong nằm ngủ, mọi người kêu mấy lần tôi không ăn. Một người nữa không ăn là thằng út mới ba tháng tuổi.

Tôi ngủ vùi đến khuya thì nghe chộn rộn trong nhà, giật mình tỉnh giấc thấy bố đang bị đau. Những cơn đau dần nhiều lên, bố nằm oằn oại trên sàn nhà. Mẹ tôi lấy lá cây ngoài rừng cho bố uống. Đến khoảng 8g sáng đến lượt mẹ bị đau bụng. Rồi cả hai thằng em kế tôi đều bị ói mửa. Mọi người trong làng xao xác. Người tìm thuốc, người tìm võng và chốc sau cả đoàn gồng gánh võng bố mẹ và mấy đứa em tôi cuốc bộ 4-5km lên trạm xá. Trong ký ức, tôi chưa bao giờ quên được hình ảnh một đoàn người gồng gánh lần từng bước chân đi cấp cứu người bị ngộ độc. Có những giấc mơ tôi thấy cả đoàn người ấy phải bay lên cho kịp với thời khắc cuối cùng.

Ấy là chuyện ước mơ, còn chuyện có thật là mẹ và em tôi nằm trạm xá, bố phải chuyển lên tỉnh. Nghe một cô là hộ lý trong bệnh viện kể khi tỉnh lại, bố có kêu mọi người hỏi: “Vợ và con tôi ra sao rồi?”. Mọi người bảo vợ con anh đã khỏi, đã xuất viện. Bố tôi lại lịm đi tới lúc mất. Và có lẽ ông không hề biết lúc ấy tại làng Khào, một đám tang đã diễn ra trên chính ngôi nhà sàn mà ông mới cất hơn một tháng. Vợ ông phải nằm trong một quan tài mượn của nhà hàng xóm, còn đứa con trai nhỏ, theo phong tục của người Mường, nó không được hưởng đám ma như người lớn. Đó là đứa em kế thằng Lương. Có lẽ chiều hôm ấy nó đói nên ăn nhiều nấm và qua đời ngay sau khi mẹ tôi vừa chết.

 
Kim Oanh trong một lần thăm trại mồ côi ở TP.HCM

Ly tán

Khi người ta khênh chiếc võng đưa mẹ tôi trở lại làng, tôi tưởng mẹ ngủ. Lay gọi mãi, mẹ không trả lời. Ai đó ôm chặt lấy tôi bảo mẹ cháu mất rồi. Chỉ cảm nhận một điều gì đó rất kinh khủng đến với ngôi nhà mình. Rồi trưa, tin từ đâu đó bay về: bố và em tôi cũng đã chết. Bố tôi thì cơ quan làm tang trên huyện, mẹ làm tang ở nhà, em trai chôn trong bệnh viện.

Mãi cho đến bây giờ, hơn 20 năm sau vẫn chưa ai biết nguyên nhân cả nhà tôi ngộ độc. Bởi cũng chính loại nấm đó, ngày hôm trước mẹ nấu cho cả nhà ăn rồi. Cũng giống như bao nhiêu người Mường khác, mẹ tôi nấu nồi nước sôi rồi đổ nấm vào. Có người đoán rằng hôm đó mẹ tôi đổ nấm vào và bắc xuống vội nên chất độc chưa tan ra hết, cũng có người nói chắc đã có một chiếc nấm độc lẫn lộn trong rổ nấm mà mẹ vừa hái xong…

Tất cả có thể đã được kết luận trong hồ sơ bệnh án. Nhưng tôi, một cô bé Mường từ làng Khào xa xôi, làm sao có thể xem được. Chỉ biết là xóm Mường rúng động, đầu trên đầu dưới người ta kháo nhau về một vụ ngộ độc chết gần hết một gia đình. Thầy giáo có nói rằng vụ đó được đăng trên báo. Chao ôi, tới bây giờ thỉnh thoảng đọc những dòng tin như vậy tôi luôn thấy rùng mình: dòng tin ngắn ngủn ấy sẽ là những số phận bị thay đổi, cũng như phía sau những chiếc nấm nhỏ xíu lại là những số phận đầy luân lạc của chị em tôi.

Bố mẹ mất được ba ngày thì một đại diện của Trung tâm trẻ mồ côi Hòa Bình ngày đó đến định đưa cả ba chị em chúng tôi đi. Không biết tại sao trung tâm lại biết nhanh chóng như thế. Bác tôi cương quyết không cho mang đi cả ba chị em, chỉ có thằng út Thương đi trước. Bác tôi phải cho thằng Thương đi vì nó đói sữa, khóc rất ghê. Còn hai đứa tôi, dù trung tâm nài nỉ vẫn không được.

Đó là những ngày tôi phải mặc đồ tang trắng, quấn trên đầu một vòng rơm, còn tóc theo phong tục Mường, người ta sẽ cắt ngắn hết nhưng tôi thì khỏi bởi tóc tôi đã cắt ngắn như con trai từ lâu rồi. Cái vòng rơm trên đầu tôi những ngày ấy như nặng gấp nhiều người thường bởi chị em tôi phải gánh trên đầu đến những ba cái tang gây xáo động cả làng Mường.

Tôi và Lương vẫn tiếp tục ở lại ngôi nhà mới của mình tại làng Khào. Nơi đó, chúng tôi bắt đầu vật lộn với số phận của mình.

Theo Bùi Thị Kim Oanh / Tuổi Trẻ
(Nguyễn Văn Tiến Hùng ghi)

__________________________

Nhưng rồi đến lượt Lương cũng bị đưa đi. Tìm đâu là Lương và Thương để đưa về? Bóng dáng bố mẹ tôi hiện về, đứng xa xa trong làn sương khói mà khóc cho chị em tôi.

Kỳ tới: Sẽ tìm đến cùng trời cuối đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.