Cha mẹ tôi hay câu chuyện của sự trở về?

05/04/2009 11:23 GMT+7

16 tuổi làm quen và say mê nhiếp ảnh, Mỹ Lê đã nghe mẹ dặn: “Con hãy kiếm một ngành học khác vì mẹ không có khả năng kinh tế để con đi theo con đường này”.

Chọn ngành điều dưỡng, tốt nghiệp, đi làm rồi trở về VN gặp mặt người cha đã không còn hình dung được kể từ năm ba tuổi rưỡi, Mỹ Lê không ngờ rốt cuộc nhiếp ảnh vẫn là bạn đồng hành lặng lẽ của cô - người đã giúp cô tìm thấy mình ngày một rõ hơn trong những cuộc trở về.

1- Là một phần trong triển lãm chung của ba nghệ sĩ Đà Nẵng mang tên “Những góc lặng” tại Hà Nội (21 đến 26-3), chùm ảnh Cha mẹ tôi cùng với một video art ghi hình những nhịp đạp của thai nhi của Mỹ Lê - cô gái sinh năm 1980 mang quốc tịch Canada, đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ khán giả trẻ. Cha mẹ tôi gồm 9 hình ảnh liên tục, cùng một góc độ, chụp tấm lưng của một phụ nữ lớn tuổi đối diện với màn hình tivi, trong đó có những gương mặt đàn ông khác nhau ở nhiều lứa tuổi.

 Riêng Mỹ Lê, Cha mẹ tôi đã phần nào hóa giải trong cô ẩn ức về một người đàn ông cô vẫn kiếm tìm. Khi Cha mẹ tôi được hoàn thành, Mỹ Lê nói cô có cảm giác một gánh nặng vừa được trút bỏ khỏi vai. Và cùng với câu chuyện ấy, cũng như với những chuyến trở về Việt Nam, cô đã nhìn thấy mình một cách rõ ràng hơn, cảm thấy mình gắn bó hơn, thân thuộc hơn với mảnh đất này, nhất là những giây phút ngồi trên bãi biển Mỹ Khê nghe những con sóng xô đuổi nhau mãi mãi không ngừng…

Với thiết bị chỉ là một máy chụp hình kỹ thuật số thông dụng, chùm ảnh tưởng đơn giản này lại gợi ra không gian liên tưởng rộng lớn. 20 năm không được gặp mặt cha, hình ảnh người cha với một đứa trẻ chỉ hơn ba tuổi không có bất kỳ dấu ấn nào. Và câu chuyện Cha mẹ tôi được hoài thai từ nỗi đau đáu ấy của cô gái đã đến tuổi trưởng thành.

Để thực hiện chùm hình ảnh này, hơn hai tháng trời ngày nào Mỹ Lê cũng ngồi sau lưng mẹ với chiếc camera. Đôi khi người mẹ hỏi cô đang làm gì vì biết tính con gái hay nghịch ngợm, hiếu động, đôi lúc cũng không quan tâm. Mỹ Lê chọn chương trình tivi mẹ hay coi là một show nói về công việc điều tra của cảnh sát. Nhân vật chính trong chương trình này thường là nam giới, phần lớn là những người da trắng, họ có thể là người trẻ, trung niên... với những dung mạo khác nhau, như những hình dung khác nhau dưới đôi mắt ngơ ngác của một cô bé đang tìm cha mình.

Người cha ấy là ai, ở đâu, có phải cũng chỉ là những gì không thật, như những người đàn ông xuất hiện trên tivi kia, biết bao giờ và biết khi nào cô mới có dịp gặp và nói chuyện cùng? Ẩn dụ về việc sử dụng hình ảnh những người đàn ông bất kỳ xuất hiện trên tivi là một ý tưởng đắt. Trong khi đó mẹ vẫn thế, lúc nào cũng là mẹ ở ngay đó, đập ngay vào mắt là tấm lưng của mẹ, là sự gần gũi, thân thiết, là thực tại không hề màu mè, trong bộ đồ ngủ đơn giản, quen thuộc, ngay cạnh đây.

Kết thúc chùm ảnh là hình ảnh tấm lưng của mẹ đối diện với màn hình tivi vụt tắt. Tất cả đã kết thúc. Giống như một sự ảo tưởng, một sự hình dung nào cũng đến lúc phải chạm tới đích. Cái đích đó có thể đã tìm thấy, cũng có thể đã trở nên bít bùng.

2- Câu chuyện có thể được kết thúc ở đó, nhưng Mỹ Lê có cách gợi mở riêng của cô. Khán giả tới xem triển lãm được mời vào căn phòng rèm tối, sống với không gian câu chuyện của cô. Khi đã xem xong chùm ảnh, họ bất ngờ nhận thấy phía sau lưng là một video art quay hình ảnh những giọt nước nhỏ xuống một bụng bầu lớn cận kề ngày sinh nở. Những giọt nước rơi xuống, nhịp đạp của thai nhi để lại những vết nhún nhảy trên bề mặt chiếc bụng bầu. Có ai đó muốn hỏi sự liên quan giữa chúng và với vốn tiếng Việt hạn chế, Mỹ Lê chỉ biết nói rằng cô cảm nhận có một sự nối kết giữa chùm ảnh và video art này.

Nhưng người xem có thể nhìn ra điều mà nữ nghệ sĩ trẻ này đã cảm mà chưa diễn tả được thành lời. Đó có thể là niềm mong ước của cô gái về một sự tái sinh khác, tốt đẹp hơn, được có một số phận bình thường hơn. Đó là được sinh ra là một đứa trẻ, bắt đầu lại từ đầu để có cả cha và cả mẹ như lẽ thông thường phải thế.

Chùm ảnh được thực hiện tại Canada nhưng video art được Mỹ Lê thực hiện ngay trong những ngày đầu khi cô về VN năm 2009. Canada là một nước dân số già, người mang bầu quá hiếm để cô tìm kiếm mẫu. Tình cờ trong lúc tìm khách sạn khi về Đà Nẵng, cô bắt gặp người phụ nữ Argentina đang mang bầu ngồi ở sảnh, cảm giác người phụ nữ này sẽ đồng ý tham gia dự án của mình, cô chọn khách sạn đó để ở lại. Đã sắp tới ngày sinh nở, đi lại khó khăn và mệt mỏi bởi cái nắng nóng của miền Trung, nhưng người phụ nữ không lộ mặt trong video art kia vẫn cố gắng giúp Mỹ Lê và đã đóng góp không nhỏ vào sự hoàn thành của toàn bộ ý tưởng câu chuyện Cha mẹ tôi.

Mong muốn cha có mặt tại lần triển lãm ở Hà Nội vừa rồi, nhưng vì một vài lý do ông không tới được. Tới giờ phút này, Mỹ Lê vẫn không hiểu cha mình sẽ nghĩ gì khi xem câu chuyện được cô dựng lên. Nhưng hơn tất cả, điều cô mong muốn nhất vẫn là sự bộc lộ những suy nghĩ, trải nghiệm về mặt cảm xúc của cô trong cuộc hành trình đi tìm hình dong, tính cách và những gì thân thuộc của người đàn ông được cô yêu thương gọi là “ba”.

Theo Điệp Giang (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.