Nước ngầm kêu cứu

02/04/2009 22:19 GMT+7

ĐBSCL được thiên nhiêu ưu đãi cho lượng nước ngầm khổng lồ, nhưng với cách khai thác vô tội vạ, những “dòng sông ngầm” này đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Bơm nước ngầm để... nuôi tôm

Ven biển Bạc Liêu chạy dài những đầm nuôi tôm rộng lớn. Người dân ở đây từ lâu có một cách làm khá phổ biến: bơm nước ngầm pha với nước biển để ổn định độ mặn. “Phong trào” khoan cây nước (giếng nước ngầm) trở nên rầm rộ. Phần lớn khu vực nuôi tôm công nghiệp tập trung người dân đều khoan cây nước, có hộ nuôi tôm quy mô diện tích lớn khoan từ 3 - 5 cây nước ngầm. Ông Khưu Lễ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bạc Liêu cho biết toàn tỉnh này có trên 98.000 cây nước. Chưa có số liệu thống kê cụ thể bao nhiêu cây nước dùng để sinh hoạt, bao nhiêu sử dụng cho sản xuất tưới tiêu, rau màu, lúa và nuôi tôm.

Có một thực tế là nhiều địa phương ven biển ở khu vực ĐBSCL tình trạng khan hiếm nước ngọt đang là mối bận tâm lớn. Thậm chí cả tỉnh Cà Mau không hề có nguồn nước mặt nào có thể sử dụng được cho sinh hoạt, ngoài nước mưa. Hai tỉnh kế cận Cà Mau là Sóc Trăng, Bạc Liêu có khá hơn, nhưng cũng hơn nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn. Các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh... nguồn nước ngọt không ổn định và đủ chất lượng cho sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, nước ngầm được xem như là “của quý trời cho”. Chỉ tiếc “của quý” đang bị sử dụng hết sức phí phạm!

Báo động nước ngầm nhiễm độc

Theo kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh - Y tế công cộng (Bộ Y tế) tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy mức độ nhiễm thạch tín (asen) trong nước ngầm cao đến mức báo động. Tại An Giang, có tới 40% trong số 2.966 mẫu được kiểm tra bị nhiễm thạch tín. Có 253/260 mẫu nước giếng khoan tại các xã Khánh An, Vĩnh Lộc, Phước Hưng, Quốc Thái, Khánh Bình (H.An Phú) bị nhiễm thạch tín vượt giới hạn an toàn từ 12 - 83 lần. Tình trạng này cũng diễn ra ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang... Tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) có tới 66,39% số mẫu được khảo sát bị nhiễm thạch tín. Tại các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) có trên 50% số mẫu được khảo sát bị nhiễm... Tại Cà Mau, các mẫu nước ngầm gần trạm y tế xã bị nhiễm khuẩn coli vượt 180 lần mức thông thường...

Nhiều năm làm tư vấn kỹ thuật nuôi tôm vùng ven biển Bạc Liêu, kỹ sư Nguyễn Quốc Cường (khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, TX Bạc Liêu) ước tính chỉ riêng khóm Kinh Tế đã có khoảng 500 cây nước ngầm bị hư hỏng hoàn toàn, ngoài ra còn có nhiều cây nước bị... hụt hơi, do mực nước ngầm cạn kiệt, bơm không lên giọt nước nào. Ông Cường cho hay, nhà ông cũng có hai cây nước khoan để nuôi tôm đang bị hư. Nhiều người dân trong vùng cho rằng do có quá nhiều người sử dụng nước ngầm để nuôi tôm nên nước ngầm càng khan hiếm, bởi từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm, tất cả các cây nước bơm tay đều không bơm lên nước, người dân phải sử dụng máy bơm, mô-tơ điện, có người còn mua ống nhựa dài hơn 100 mét dẫn xuống cây nước để bơm nước.

Ô nhiễm do khai thác bừa bãi

Ông Lý Nhạn, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan này vừa hợp tác với Trung tâm điều tra, quy hoạch môi trường miền Nam điều tra, khảo sát tình hình sử dụng nước ngầm trong tỉnh. Số liệu thu thập được không khỏi giật mình: toàn tỉnh có đến 178 ngàn giếng nước ngầm, tăng gấp 3 lần năm 2000. Cũng theo nguồn này, nhiều giếng nước bỏ không chưa được trám, lấp dẫn đến nguy cơ sụp, lún ở tầng khai thác ở độ sâu từ 75 - 110m. Ngoài ra, hiện tượng xâm nhập của nước mặn cũng xảy ra ở các giếng nước, đặc biệt là ở tầng nông (50m).

Phần lớn thợ khoan nước là dân “tay ngang”, cứ khoan theo cảm tính, khi không có nước thì rút dàn khoan để khoan chỗ khác, bỏ lại lỗ thủng, tạo nên hiện tượng thông tầng, ô nhiễm lây lan. Ông Nhạn nói tình trạng khai thác bừa bãi, khai thác “chui”, đang là mối đe dọa đến nguồn tài nguyên nước ngầm. Theo số liệu điều tra mới nhất, tỉnh Cà Mau có đến 3.125 giếng ngầm không sử dụng. Trong đó, Tân Duyệt (một xã vùng sâu của huyện Đầm Dơi) dẫn đầu với gần 500 cây nước bỏ không.

 

Các giếng khoan dọc vùng nuôi tôm trên cát ở Ninh Thuận - Ảnh: Thiện Nhân

Tình trạng nước ngầm bị cạn kiệt đã làm cho người dân ấp Đồng Tâm B (xã Tân Duyệt) khổ sở. Nước ngầm ở vùng này nếu không nhiễm mặn thì cũng bị bẩn, nên nhiều người xài không được phải bỏ. Mà khoan được một cây nước càng ngày càng khó. Trước đây chỉ cần khoan từ 120 - 150m là có nước xài, bây giờ phải khoan sâu gấp đôi, gấp ba lần như thế. Giá tiền để khoan một cây nước từ 2 triệu đồng trước đây, giờ 10 triệu cũng chưa chắc có nước. Mà có rồi cũng chưa chắc xài được lâu. Gặp “sự cố”, người dân lại bỏ, lại khoan mới, lại bỏ... Bên cạnh việc ô nhiễm do bị thông tầng, túi tiền của người dân ở đây cũng giựt theo.

Tại Bạc Liêu, tình trạng cũng không khá hơn với 1.700 cây nước ngầm bị hư hỏng không thể sử dụng được. Phần lớn các cây nước bị hư hỏng tập trung ở khu vực nuôi tôm sú ven biển của tỉnh. Ông Lê Hồng Bính - Giám đốc Trung tâm cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết nguồn nước ngầm ở trên địa bàn tỉnh hiện bị ô nhiễm rất nặng, chất lượng và trữ lượng nước ngầm bị suy thoái nghiêm trọng. Hiện tại ở khu vực các xã Định Thành, Tân Phong (H.Giá Rai); Hưng Phú, thị trấn Phước Long (H.Phước Long)... nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn rất nặng, nhiều chỉ tiêu về chất lượng nước không đảm bảo sức khỏe người sử dụng.

Nguy cơ sa mạc hóa

Năm 2002 ở Ninh Thuận có 200 ha đìa nuôi tôm trên cát, đến nay đã tăng gấp đôi. Nuôi tôm trên cát cần rất nhiều nước, cả nước biển lẫn nước ngọt. Trong khi nguồn nước mặn rất dồi dào, có thể bơm trực tiếp từ biển vào, thì vấn đề khó khăn nhất là nguồn nước ngọt.

 

Vùng đất có nguy cơ bị sa mạc hóa ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: Thiện Nhân

Theo số liệu khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Ninh Thuận: Hiện tại tổng lượng nguồn nước ngầm đang bị khai thác để nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực ven biển từ thôn Hòa Thạnh, xã An Hải đến phía bắc thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh là 2.328.700m3, tương đương 12.937 m3/ngày, chưa kể lượng nước dưới đất được hút lên để nuôi tôm vùng diện tích dự án nuôi tôm Sơn Hải (xã Phước Dinh). Nếu phát triển nuôi tôm hết phần diện tích hữu dụng của vùng nuôi tôm xã An Hải, Sơn Hải là 433,8 ha thì lượng nước dưới đất phải sử dụng hết 10.411.200m3, tương đương 57.840 m3/ngày. Đối chiếu với đề tài “Điều tra, đánh giá trữ lượng nước dưới đất các xã ven biển tỉnh Ninh Thuận” (do Liên đoàn Địa chất thủy văn - địa chất công trình miền Nam thực hiện năm 2005) thì trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất ở xã An Hải, Phước Dinh là 48.236 m3/ngày. Như vậy, mức độ sử dụng nguồn nước ngầm bơm lên để nuôi tôm ở khu vực An Hải, Phước Dinh đã bị khai thác quá mức cho phép.

Nhận định của Sở TN-MT Ninh Thuận nêu rõ: “Nếu tình trạng khai thác nguồn nước ngầm kéo dài, sẽ dẫn đến tầng nước ngầm vùng An Hải và Phước Dinh bị cạn kiệt, nước biển sẽ xâm nhập sâu vào đất liền và như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng và khả năng xảy ra hoang mạc hóa rất cao”.

Thiện Nhân

Tiến Trình - Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.