Cá tra lại được xuất sang Nga

29/03/2009 00:22 GMT+7

Trước những biến động kinh tế thế giới khiến sức mua ở nhiều thị trường xuất khẩu giảm sút, ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực cải thiện chất lượng để vượt qua khó khăn.

Phải có quy hoạch

Chỉ trong 10 năm (1998 - 2008), từ một loài cá bản địa, cá tra đã trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Sản lượng cá tra tăng gấp 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn mỗi năm; giá trị xuất khẩu tăng đến 65 lần, đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước. Trong khi đó, diện tích mặt nước dùng để nuôi cá chỉ trên 6.100 ha, bằng 1% diện tích nuôi tôm.

Nhưng cũng trong từng ấy năm, nghề nuôi cá tra phát triển một cách gần như tự phát. Nông dân thiếu thông tin thị trường, không có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy nên thường xảy ra tình trạng tồn đọng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đặc biệt trong năm 2008, tình hình tiêu thụ cá rất khó khăn. Cao điểm tồn đọng cá nguyên liệu trong ao từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 lên đến 170.000 tấn.

 
Chất lượng cá thành phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành xuất khẩu - Ảnh: Chí Nhân
Thực tế trên cho thấy, cần phải phát triển nghề nuôi cá tra một cách bền vững. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Với trên 6.000 ha diện tích mặt nước, chủ yếu nằm trên sông và ven sông lớn, thì việc quy hoạch vùng nuôi và quản lý số hộ nuôi cá tra, ba sa không khó. Theo ông, cần có một quy hoạch chung cho toàn vùng ĐBSCL. Từ quy hoạch chung đó, các tỉnh sẽ quy hoạch chi tiết vùng nuôi để đảm bảo sản lượng theo kế hoạch và quy hoạch chung. Ông Lê Vĩnh Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến: Cần buộc những hộ nuôi phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy mới cho vay vốn. Đối với doanh nghiệp (DN) chỉ cho vay vốn khi ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Có như vậy mới giữ được ổn định thị trường cá nguyên liệu.

Bên cạnh đó, hai yếu tố đầu vào là con giống và thức ăn cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đàn giống bố mẹ đã xuống cấp, nếu không có những chương trình, đề án cải tạo đàn giống bố mẹ thì trong vài năm tới đàn giống này sẽ bị thoái hóa. Giá thức ăn quá cao và phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài nên cũng thường xảy ra tình trạng biến động về giá. Thực tế này đã đẩy chi phí sản xuất cá tra tăng cao. Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, chi phí nuôi cá tra trong năm 2008 trung bình tăng tới 40% so với năm 2007. Hiện chi phí về thức ăn và giống đã chiếm trên 85% giá thành nuôi.

Bán tập trung

Ngày 25.3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp phổ biến chương trình kiểm tra các DN thủy sản tại Việt Nam của đoàn thanh tra EU. Từ ngày 20 - 30.4, đoàn thanh tra của EU gồm 2 thanh tra viên thuộc Văn phòng Thực phẩm và Thú y Ủy ban châu u (FVO) cùng với 3 chuyên gia của các nước thành viên sẽ đến kiểm tra trực tiếp các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam. Họ sẽ tiến hành đánh giá chuỗi sản xuất các sản phẩm thủy sản như điều kiện vệ sinh tàu, cảng, chợ, đầm nuôi, cơ sở thu mua, chế biến, hoạt động kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là vùng nuôi, các nhà máy chế biến nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sống và các phòng kiểm nghiệm. Hiện nay, EU đã công nhận 301 DN Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào EU, kết quả thanh tra lần này sẽ quyết định công nhận bổ sung thêm 30 DN mà phía Việt Nam đang đề nghị.

“Cạnh tranh xấu”, một thực tế đáng buồn trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Vì để giảm giá bán, một số DN đã tự giảm chất lượng sản phẩm của mình. Từ đó làm mất uy tín cá tra Việt Nam dẫn đến mất thị trường. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), làm sao để cộng đồng DN phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm giữ ổn định và tương đồng về chất lượng sản phẩm xuất khẩu là điều quan trọng.

Ngay sau khi thị trường Nga khai thông trở lại đối với mặt hàng cá tra Việt Nam, hợp đồng đầu tiên với 7.000 tấn cá tra sẽ được ký kết trong vài ngày tới, trong đó sẽ có 5.000 tấn cá thông thường và 2.000 tấn đóng gói. Ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, đại diện các DN Việt Nam tham gia cuộc đàm phán tại Nga kể: “Quá trình đàm phán diễn ra hết sức gay go. Sau khi chứng minh cho phía bạn các chi phí mà DN Việt Nam phải gánh chịu, chúng tôi đã đề nghị mức giá 1,7 USD/kg và cứ mỗi tháng sẽ tăng thêm 2 cent/kg. Mức giá này đã được phía Nga chấp thuận, như thế DN có thể thu mua cá tra của nông dân với mức 15.000 - 16.000 đồng/kg”.

Ngày 16.3, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã ký quyết định thành lập ban điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga. Đây là mô hình quản lý xuất khẩu cá tra theo cơ chế thị trường tập trung, được chọn làm thí điểm, sau đó mở rộng áp dụng đối với những thị trường còn lại như: Mỹ, Bắc Phi - Trung Đông, Mỹ Latinh và EU. Sau khi thành lập, ngày 17.3, ban này đã có mặt tại Nga để ký các hợp đồng chính thức về tái xuất khẩu cá tra sang Nga sau 3 tháng gián đoạn. Hiện Nga là một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2008, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Nga đạt 200 triệu USD.

Với cơ chế bán tập trung mới này, hy vọng cá tra Việt Nam sẽ được tiếp thêm thế mạnh để bơi đến nhiều thị trường mới trên thế giới. 

Chí Nhân - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.