Tàu chiến ba nước vào biển Nhật Bản

27/03/2009 23:54 GMT+7

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đồng loạt điều động quân đội để đối phó bất cứ sự cố nào phát sinh khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh.

Sau cuộc gặp khẩn cấp với Thủ tướng Taro Aso và các bộ trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada đã ra lệnh quân đội sẵn sàng đánh chặn mọi mảnh vỡ nguy hiểm có thể rơi xuống nước này, theo Reuters. Cụ thể, ông ra lệnh điều động triển khai các tên lửa đánh chặn đất đối không PAC-3 đến bờ biển phía bắc, đồng thời ra lệnh hai tàu khu trục Aegis mang tên lửa hạm đối không SM-3 xuất kích từ căn cứ Sasebo đến vùng biển gần đó.

Tên lửa PAC-3 cũng được đặt tại trung tâm Tokyo để bảo vệ thủ đô. Trước đó, Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản đã chuẩn thuận lệnh điều động lá chắn tên lửa trên, sau khi giới chức Mỹ, Nhật cùng xác nhận CHDCND Triều Tiên đã đặt tên lửa tầm xa vào bệ phóng tại căn cứ ở Musudan-ri. Về mặt kỹ thuật, việc phóng tên lửa có thể diễn ra trong vài ngày nữa. 

Hiện hai tàu khu trục Kongo và Chokai được trang bị hệ thống Aegis và tên lửa SM-3 thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã xuất phát đến biển Nhật Bản. Báo Telegraph dẫn lời người phát ngôn Hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục USS Hopper, với hệ thống Aegis và SM-3, cũng đã có mặt tại biển Nhật Bản với các tàu khác. Hãng tin Yonhap cũng đưa tin tàu chiến Hàn Quốc mang tên Hoàng đế Sejong với hệ thống Aegis và tên lửa SM-2 cũng sẽ phối hợp tác chiến cùng Mỹ, Nhật nhằm phát hiện hoặc bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu cần thiết. Giới chức quân sự ba nước chuẩn bị nhóm họp tại Washington để bàn cách đối phó.

Trong số những láng giềng của CHDCND Triều Tiên tại Đông Á, Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ nhất bởi vì tên lửa sẽ bay ngang không phận nước này và Bình Nhưỡng đã lập ra khu vực nguy hiểm gần bờ biển phía bắc Nhật Bản, nơi phần 1 của tên lửa có nhiều khả năng sẽ rơi xuống nhất. Tình thế càng cấp bách hơn khi Nhật Bản chỉ có khoảng 10 phút thông báo trước trong trường hợp tên lửa hoặc mảnh vỡ rơi xuống địa phận nước này, theo Reuters. 

Trong vụ thử tên lửa vào năm 2006, tên lửa Taepodong-2 của CHDCND Triều Tiên chỉ tồn tại đúng 40 giây sau khi rời bệ phóng và phát nổ. Giới chức Nhật Bản nhấn mạnh các biện pháp, trong đó có lệnh triển khai lá chắn tên lửa lần đầu tiên, chỉ thuần túy là hành động phòng ngừa và cho rằng khả năng mảnh vỡ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản là cực kỳ thấp. "Chúng tôi muốn mọi người cứ tiếp tục công việc hằng ngày như thường lệ", hãng tin AP dẫn lời Chánh văn phòng nội các Takeo Kawamura.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.