Kinh hoàng WC ở làng trọ công nhân

27/03/2009 08:23 GMT+7

Đời sống người dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) khấm khá hơn nhờ việc xây nhà trọ cho công nhân trong khu công nghiệp (KCN) Thăng Long thuê, nhưng kèm theo đó là...

Từ ngày người người, nhà nhà ở thôn Nhuế có phong trào xây cất nhà trọ cho công nhân thuê, hôm nào đi tập thể dục bà Thập (người thôn Nhuế) cũng phải mang theo chiếc khẩu trang. Bà cho biết, nước thải (từ các hoạt động giặt giũ, cơm nước, vệ sinh cá nhân...) trong xóm nhà trọ theo đường ống nhựa “phi” thẳng ra hệ thống rãnh thoát nước lộ thiên bám ven đường làng. 

Thôn Nhuế có khoảng 700 hộ dân (3.000 khẩu). Từ khi  có dịch vụ cho thuê phòng trọ, số người sinh hoạt tại thôn tăng cả nghìn người – lúc cao điểm lên tới 1.750 công nhân trong KCN đến thuê trọ. Ở thôn Hậu, lượng người tăng thêm này còn lớn hơn với xấp xỉ 2.000 công nhân. Quỹ đất không tăng mà người dân lại tận dụng từng mét vuông đất, lấn chiếm mương máng, ao hồ để xây nhà trọ khiến cho nơi thoát nước thải bị hạn chế.

Cũng vì thế, dù là ngày nắng, nhiều đoạn rãnh thoát nước vẫn bị ứ đọng đen ngòm, sủi bọt, dềnh lên lênh láng khắp mặt đường làng. Rãnh thoát nước thông thoát ra đồng thì lại gây ra hậu quả khác. “Ruộng nào cấy gần vị trí thoát nước đều cho năng suất thu hoạch kém, chỉ bằng già nửa năng suất những ruộng xuống cùng giống, đúng thời điểm. Cây lúa đương thì con gái thân cứng, lá xanh rì là thế, nhưng đến lúc trổ bông thì phần lớn là hạt lép. Đấy là lúa “ăn” phải nước thải ô nhiễm nặng, trong đó có nhiều hóa chất tẩy rửa như xà phòng giặt, nước rửa bát... chưa qua xử lý mà theo rãnh đổ ngay ra đồng”, trưởng thôn Hoàng Xuân Viên (thôn Nhuế) lo lắng nói.

Ngoài nguyên nhân kể trên, còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc các chủ nhà trọ thiết kế khu vệ sinh (WC) dành cho công nhân sử dụng không đúng tiêu chuẩn. “Thông thường một gia đình cho làm bể phốt có ba ngăn, hơn 10m3. Trong khi đó, các hộ ở làng, nhà nào ít thì cũng phải có năm phòng với mười người ở, nhiều hơn thì chục, hai chục phòng với cả ba - bốn chục con người cùng sinh hoạt, nhưng vì tiết kiệm kinh phí nên bể phốt chỉ được xây không lớn hơn 5m3 và cũng chỉ có một hoặc hai ngăn, đổ thẳng ra rãnh...”, ông Đỗ Xuân Thập – thanh tra xã Kim Chung cho biết. 

Ngoài nước thải, rác thải nơi đây cũng được xem là tác nhân góp phần gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân trong vùng. Không có quy hoạch bãi tập trung rác thải nên hễ nơi đâu có thể đổ, ở đấy sẽ được biến ngay thành nơi tập kết rác... Tại các điểm tập kết rác tự phát này, ruồi, nhặng, muỗi bu đen, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Chị Linh – người làng Hậu, than phiền: “Từ ngày làng này nhiều hộ xây nhà cho công nhân thuê trọ mới thế đấy. Không tin cứ đi một vòng quanh làng khắc biết, cứ chỗ nào tập trung nhiều nhà trọ là nơi đấy nhiều rác nhất, ô nhiễm nhất. Nếu có việc qua đấy, tôi phải đi thật nhanh và lấy tay bịt mũi, chứ không ngửi thứ mùi ấy là lại thấy buồn nôn”.

Trước thực trạng môi trường đang ngày càng ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe người dân, chính quyền xã, thôn đã có những biện pháp cụ thể như thu phí 2.000 đồng/người trọ/tháng để làm kinh phí phục vụ việc khơi thông mương, rãnh (3 tháng một lần); những gia đình chuẩn bị xây nhà cho công nhân thuê nhất thiết phải có bản thiết kế, để tránh việc thi công nhà vệ sinh không đúng tiêu chuẩn... Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trên vẫn chưa thấy được là bao, vì thế hiện người dân nơi đây vẫn đang sống chung với... ô nhiễm môi trường. 

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.