Kinh doanh theo... pháo hoa

27/03/2009 00:10 GMT+7

Tối nay 27.3, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần thứ hai sẽ khai diễn bên bờ sông Hàn (TP Đà Nẵng), nhưng việc tìm một chỗ ngồi vừa ý để thưởng thức pháo hoa vào lúc này dường như là điều không thể, bởi trước đây cả nửa tháng, hàng nghìn vị trí ngồi xem thuận lợi đã kín chỗ bởi 1.001 cách kinh doanh ăn theo pháo hoa.

Đăng cao, viễn vọng

Với quan niệm này, ngoài cầu sông Hàn thì một loạt các nhà hàng, quán bar, khách sạn... ở đường Trần Hưng Đạo, bờ đông sông Hàn đã trở thành điểm nóng. Đây là vị trí thuận lợi nhất vì đối diện với vị trí bắn pháo hoa, không bị che khuất tầm nhìn. Trước giờ “G” 2 ngày, các hàng quán tại khu vực này đã được báo kín chỗ vào hai đêm đặc biệt. Ngày 25.3, trong vai người đi tìm chỗ ngồi xem, chúng tôi đều gặp những cái lắc đầu từ chối của các chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn dọc con đường này. May là còn 1 - 2 nơi còn chỗ vào đêm 28. Riêng đêm 27.3, công suất đã đạt 100%.

 
Xem pháo hoa trên cây - Ảnh: V.P.T

Những chỗ ngồi mà mọi người chen nhau đặt là những dãy ban công của các nhà hàng, quán karaoke, massage... có khi là cả nhà dân. Giá thấp nhất để có một chỗ ngồi trong các khu nhà này là 100.000 đồng/người, chưa kể thức ăn, nước uống. Còn các vị trí "hot" như ban công, sân thượng giá cả sẽ tăng theo... chiều cao. Quán bar, karaoke, massage World Club, vị trí có thể quan sát pháo hoa khá tốt, giá một ban công tầng 3, có ghế ngồi cho đoàn khách 20 người là 4 triệu đồng. Ở các tầng cao hơn, giá sẽ nhích hơn. Riêng tầng 7, vốn là chỗ bán cà phê, các bàn ngồi trong nhà có giá cứng 100.000 đồng/người cũng đã kín chỗ. Quán còn tuyên bố khách nào mang theo máy ảnh hay máy quay có chân máy sẽ bị bảo vệ từ chối vì... chiếm chỗ, “có đưa 1 triệu một người tui cũng không cho vô!”, chủ quán khẳng định.

Cách đó gần 500m, Massage Newday, cũng tranh thủ tận dụng ban công tầng thượng để kinh doanh chỗ ngồi. Lễ tân cho biết cũng chỉ còn tầng 3 vào đêm 28. Ở đây, giá khá mềm hơn so với nhiều chỗ vì vị trí cách xa sân khấu chính hơn, tương đương 2 triệu đồng/10 người và một phòng máy lạnh để nghỉ ngơi trong thời gian chờ bắn. Các quán xá hạng thường như quán nhậu Cường em, cháo vịt Nguyệt... chủ quán đều lắc đầu từ chối vì đã được đặt trước.

“Hạ thủy” xem pháo hoa

Xem pháo hoa trên sông Hàn là kiểu kinh doanh khá mới được nghĩ ra trong năm nay. Công ty TNHH du học - du lịch - sự kiện Nhật Thịnh, đơn vị tổ chức “hạ thủy” ngắm pháo hoa đã marketing tour mới của mình khá “mượt”: "Xem pháo hoa tại địa điểm có tầm quan sát gần nhất có thể mà không phải chen lấn giữa biển người ngột ngạt và nóng bức - Không phải đi thật sớm đế giành chỗ - Không phải chịu đựng mồ hôi của cả đám đông - Ở giữa sông thật là mát - Thuyền du lịch sang trọng, điều kiện vệ sinh tốt...". GĐ Công ty Nhật Thịnh, ông Huỳnh Phan Anh Sa cho biết: “Vị trí thuyền đậu cách khu vực bắn 150m, phía bên cầu Thuận Phước. Theo tính toán, hướng gió thổi từ phía cầu Thuận Phước vào nên ở vị trí này, quan sát sẽ không bị che tầm nhìn bởi khói”.

Nhưng, không phải ai cũng dám mạnh tay bỏ tiền để mua chỗ khi giá vé khá cao, 500.000 đồng/suất/đêm. Theo phía công ty, đêm 27.3 sẽ bố trí 2 thuyền với số lượng 200 du khách. Ngày 28, nếu nhu cầu tăng, công ty sẽ bố trí thêm 2 tàu nữa.

Xem ở bờ kè, lòng đường

Ngoài khán đài dành cho 6.000 khách mời, vị trí dọc bờ kè sông là điểm quan sát tốt nhất, có thể xem pháo hoa ở các tầm thấp và tầm cao. Đây là vị trí được nhiều người “để ý” vì không phải tốn tiền, nhưng phải đi trước cả 5 - 6 tiếng đồng hồ để... xí chỗ. Nhưng so với năm ngoái, chỗ ngồi của người dân ở vị trí này cũng đã bị thu hẹp lại do Lễ hội ẩm thực món ngon Việt Nam và quốc tế. Với giá vé 150.000 đồng/du khách có thể vừa ngồi ăn, vừa thưởng thức pháo hoa. Với tiện lợi 2 trong 1 như vậy, nên toàn bộ vé dành cho 2 đêm sự kiện đã cháy ngay từ khi lễ hội khai mạc.

Cuối cùng, chỉ còn lòng đường là chỗ duy nhất mà hàng vạn người tha hồ ngắm pháo hoa và các dịch vụ kinh doanh cũng khó “bén mảng” đến. Pháo hoa năm ngoái, chuyện hàng chục thanh niên bu bám trên ngọn cây, ôm trụ đèn để xem đã không còn là chuyện lạ. Không biết thưởng lãm pháo hoa kiểu này xem được gì nhiều nhưng hậu quả nhãn tiền về sự nguy hiểm thì khiến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.

Để phục vụ cho lễ hội pháo hoa, TP Đà Nẵng đã chuẩn bị 140 khách sạn (tương đương 4.600 phòng, 8.000 giường), 12 nhà khách (475 phòng), 142 nhà trọ, nhà nghỉ (1.100 phòng). Theo Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, với lượng phòng lưu trú trên có thể phục vụ cho khoảng 10.000 du khách đến Đà Nẵng trong 2 đêm đại tiệc pháo hoa 27 và 28.3.

Theo Ban tổ chức, đêm đầu tiên 3 đội Philippines, Tây Ban Nha và Việt Nam tranh tài; đêm 28.3 là 2 đội Úc, Trung Quốc. Trong 2 đêm thi còn có hàng chục thuyền hoa diễu hành và hàng vạn hoa đăng được thanh niên Đà Nẵng thả trôi trên sông Hàn làm tăng thêm vẻ đẹp đêm pháo hoa.

Chiều qua 26.3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã đi kiểm tra, tổng duyệt toàn bộ chương trình tại sân khấu chính trên đường Trần Hưng Đạo cũng như một số lĩnh vực liên quan tại 2 quận Hải Châu, Sơn Trà. Để bảo đảm an toàn cho cuộc thi, UBND thành phố quyết định: từ 15 giờ các ngày 27 - 28.3 cấm tất cả xe tải, xe khách từ 16 chỗ ngồi trở lên vào các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng.

Các loại xe khách, xe tải nặng chạy trên tuyến từ cầu Tuyên Sơn - Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền đến cảng Tiên Sa sẽ lưu thông tạm theo hướng sau: cầu Tuyên Sơn - Hồ Xuân Hương - Sơn Trà Điện Ngọc - Nguyễn Phan Vinh - Yết Kiêu - cảng Tiên Sa (và ngược lại); từ 17 giờ cấm tất cả xe cộ trên các tuyến đường: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, cầu Sông Hàn; hạn chế đi lại trên các đường Lý Thường Kiệt, Lý Tự Trọng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Du, Lê Văn Duyệt, Quang Trung, Lê Duẩn, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng, Trần Quốc Toản, Thái Phiên, Lê Hồng Phong, Nguyễn Công Trứ.

Hữu Trà

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.