Chữa vô sinh nam theo tuổi vợ

25/03/2009 10:56 GMT+7

Việc xác định tuổi của người vợ để áp dụng điều trị hiếm muộn có nguyên nhân từ người chồng vừa giúp tăng tỉ lệ thành công vừa tiết kiệm chi phí

Ngày nay, tỉ lệ nam giới vô sinh được xác định là tương đương với phụ nữ, chiếm khoảng 40% trong những cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Tuy nhiên, ngay cả khi nguyên nhân hiếm muộn được xác định rõ ràng là từ người chồng thì việc điều trị để đạt kết quả lại phụ thuộc rất lớn vào người vợ.

Có những trường hợp xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy nam giới chỉ khó có con tự nhiên chứ không phải là không thể thì tỉ lệ có con thành công vẫn còn tùy thuộc ở tuổi của người vợ. Bởi vì tuổi của người vợ là một trong những yếu tố tiên lượng quan trọng nhất trong điều trị vô sinh nam.

Nếu người vợ dưới 25 tuổi, nam giới vẫn có thể tà tà chờ cơ may thụ thai tự nhiên. Nếu người vợ từ 25-29 tuổi thì người chồng có thể thong thả (trong khoảng 6 tháng đến 1 năm): siêng gần gũi hơn (3-4 lần/tuần), không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tránh thức khuya, tránh căng thẳng và tránh bệnh cảm sốt lặt vặt.

Nếu sau 6 tháng đến 1 năm mà vợ chưa có thai, hay nếu người vợ đã 30 rồi thì lúc này các ông chồng nên nhanh chân: dùng thuốc chống ô xy hóa như vitamin C, bơm tinh trùng hay phẫu thuật (trong trường hợp người chồng có bệnh làm tinh trùng yếu).

Còn nếu người chồng khó có con mà người vợ cũng ngấp nghé tuổi 35 thì hai vợ chồng cần tổng tấn công, tập trung toàn lực kiếm con, chớ nên chần chừ. Người chồng nên đi khám xem có bệnh gì làm tinh trùng yếu hay không và chữa bệnh đó.

Y học hiện nay “phân công” các bác sĩ chuyên ngành tiết niệu hay chuyên ngành phẫu thuật nam khoa khám và chữa trị cho nam giới trong trường hợp hiếm muộn do người chồng.

Bên cạnh đó, hai vợ chồng cũng nên suy nghĩ tới chuyện bơm tinh trùng và thậm chí thụ tinh trong ống nghiệm, được thực hiện tại các khoa hiếm muộn hay các khoa phụ sản.

Việc xác định tuổi của người vợ để áp dụng điều trị hiếm muộn có nguyên nhân từ người chồng vừa giúp tăng tỉ lệ thành công vừa tiết kiệm chi phí. Nếu người vợ còn trẻ nhưng người chồng chỉ khó có con thì vẫn có thể chờ có con tự nhiên hay áp dụng các biện pháp điều trị hiếm muộn đơn giản.

Trường hợp người chồng khó có con nhưng có thể chữa được bằng phẫu thuật thì vẫn có thể giúp điều trị “tận gốc” cho người chồng để lần sau có thể có con mà không phải tốn kém cho việc điều trị tiếp tục.

Còn nếu người vợ đã lớn tuổi thì việc điều trị sẽ tập trung “tổng tấn công” để người vợ có thai càng sớm càng tốt vì phụ nữ càng lớn tuổi càng giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra, việc điều trị tập trung cũng giúp giảm chi phí điều trị “lòng vòng”.

TS – BS Nguyễn Thành Như
(Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TPHCM) / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.