“Tình yêu ô mai”

25/03/2009 08:48 GMT+7

(TNO) Cảnh một nam một nữ mặc đồ học sinh ôm nhau tình tứ trên đường phố, hay những đôi tình nhân mặt "búng ra sữa" ôm hôn nhau đắm đuối trước người qua kẻ lại trong công viên... không còn là chuyện lạ, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn. Những "tình yêu ô mai" ấy nên được nhìn nhận thế nào?

Tim đập thình thịch và nóng như sốt

H.Y, một học sinh lớp 8, kể về cảm giác của mình khi đứng trước một anh bạn học lớp 9 cùng trường. “Cứ mỗi lần nhìn thấy ảnh là em run không nói nên lời và có cảm giác xao xuyến khó tả”, H.Y tâm sự.

Nhu cầu tìm bạn khác giới của học sinh ngày nay hiện cao hơn rất nhiều so với hai thập niên trước đây. Theo BS Lê Minh Công (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 ở Biên Hòa, Đồng Nai), dinh dưỡng tốt và các thông tin xã hội qua phim ảnh, sách báo, internet đã tác động mạnh đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, khiến giới trẻ ngày càng dậy thì sớm hơn.

Cô Tú, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 8 ở trường THCS Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM) đã đưa chúng tôi xem một xấp thư tình của học trò mình với những lời yêu thương mùi mẫn như trong phim Hàn Quốc.

Những cảm xúc, rung động sớm khi không được kiềm chế, định hướng kịp thời đã đưa các em đến những cách hành xử hết sức bồng bột, thậm chí bị stress do sa sút về tâm lý. M.T, học sinh lớp 8 bị một học sinh lớp 9 từ chối sau khi em tỏ tình bốn lần, vì cậu đã có bạn gái rồi. Buồn chán, uất ức và cả ghen tỵ tích tụ đã dẫn T. đến ý định tự tử. May nhờ tâm sự với bạn bè và nhận được lời khuyên kịp thời, em đã "ngộ" ra.


Trẻ cần được tạo điều kiện vui chơi, giải trí bên bạn bè sau giờ học

Ngăn chặn hay chấp nhận?

Rất nhiều phụ huynh và thầy cô đã và đang tìm mọi phương pháp để làm suy giảm hiện tượng yêu sớm ở học sinh trung học cơ sở hiện nay.

Chị T.L, một phụ huynh học sinh bức xúc: “Tôi đã tịch thu điện thoại di động, đưa đón nó hằng ngày mà vẫn không thể ngăn cấm nó gặp "thằng kia" được”. Vì, các cô cậu "ô mai" vẫn có thể tận dụng rất nhiều "kẽ hở" thời gian: giờ giải lao, sau giờ học, thậm chí trốn ra khỏi trường sau khi ba mẹ đi khỏi... 

Anh M.N thì khi phát hiện ra con trai mình hẹn hò với cô bạn cùng lớp là dùng roi để răn đe, nhờ GVCN can thiệp, thậm chí gặp cả phụ huynh của cô bé kia để trao đổi. Nhưng sau khi "hứng" tất cả các biện pháp cứng rắn đó của cha, cậu con trai vẫn cương quyết theo bạn gái chứ không theo ý gia đình.

Có vẻ như những "kỷ luật sắt" không phù hợp để điều chỉnh những trường hợp này.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chứng minh rằng những rung động giới tính sẽ khiến trẻ học kém đi. Tuy nhiên, khi cảm xúc đến sớm thì sự mất cân bằng tâm lý khiến trẻ khó tập trung vào việc học hành là rất có thể xảy ra.

Theo TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: "Rung động trong giai đoạn này chưa thể gọi là tình yêu. Đó chỉ là những xúc cảm thoáng qua, nó phải được hình thành lâu dài và bền bỉ qua quá trình mới trở thành tình cảm. Đây là những cảm xúc rất đỗi bình thường; do đó, cha mẹ không nên cấm đoán trẻ".

TS Sơn khuyên các bậc phụ huynh nên "thân" với trẻ từ nhỏ, giúp trẻ thấy cha mẹ cũng có thể là những người bạn của con, để chúng có thể tự do bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình mà không sợ bị la mắng, cấm đoán; từ đó có những khuyên giải, định hướng kịp thời giúp trẻ (và cả gia đình) tránh những hậu quả đáng tiếc...  

Bài, ảnh: Cẩm Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.