Những bà vợ... vùng lên nhờ chồng!

22/03/2009 11:47 GMT+7

Chuyện về những người đàn ông là hậu phương vững chắc cho vợ xông pha ngoài xã hội...

Một lần vô tình biết chồng chị Hoàng Tuyết - giảng viên khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tôi ngỡ ngàng... Anh Sông, một công chức ở Cục Thuế TP.HCM, sáng sáng đóng bộ tới văn phòng trông rất nhàn nhã, vậy mà sau giờ làm việc anh tất bật y chang bà mẹ có con mọn, “rành sáu câu” chuyện làm cá, nấu cơm... cho vợ yên tâm đi dạy, học hành và viết báo. Khi chúng tôi gặp anh, chị đã bay sang Úc hoàn tất chương trình đào tạo tiến sĩ, để lại cả “giang san” cho anh cai quản. Anh Sông vui vẻ nói về vợ: “Bả thích học lắm! Không cho bả học, không cho bả nghiên cứu bả bệnh...!”.

Thường phụ nữ lấy chồng xem như chấm hết, đừng hòng học thêm hay tham gia các hoạt động xã hội. Thế mà với chị Trương Thị Ngọc Lan, giáo viên Trường chuyên biệt Rạng Đông (Bình Chánh), mọi chuyện có vẻ ngược lại. Từ ngày lấy chồng, chị vừa là giáo viên giỏi cấp TP, vừa tha hồ tham gia các phong trào thi đua - chẳng những của trường mà lên tới cấp huyện rồi cấp TP. Ngày tôi đến thăm chị tại trường, chị đang chuẩn bị thao giảng chuyên đề trẻ khiếm thính.

Nói về chồng, mắt chị long lanh: “Tôi có phước đường chồng con lắm. Tôi ở trường suốt, năm sáu giờ chiều mới có mặt ở nhà. Về nhà cơm nước ảnh nấu đâu đó, con tôi đã tắm rửa sạch sẽ. Tôi chỉ việc ăn cơm rồi chuẩn bị bài hôm sau”. Nhờ vậy, chị Lan tiếp tục đi học nâng cao, năm 2005 tốt nghiệp CĐ Sư phạm TP.HCM và cuối năm vừa qua chị đã hoàn tất chương trình ĐH tại Trường ĐH Sài Gòn. Chồng chị, anh Xuân, làm nghề sửa xe, gánh hết việc chăm sóc hai con gái. Để tiện việc nhà, anh Xuân chỉ sửa xe cho người quen rồi xin làm bảo vệ tại Trường THPT Đa Phước.

Anh giãi bày: “Lương có 800.000 đồng/tháng nhưng tranh thủ được nấu cơm, giặt giũ, đưa đón con. Còn sửa xe nhiều khi tới giờ đón con chưa sửa xong, tội nó phải đợi mà còn phiền cô giáo”. Ba anh mổ sạn thận nằm Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, anh vừa túc trực trong bệnh viện vừa canh giờ về lo cho con, cho vợ như con thoi không một lời than van. Tất cả để chị Lan an tâm công tác.

Chị Ngọc Diệp có ông xã rất hay. Cả hai là giáo viên Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh). Anh Duy là giáo viên dạy sinh học cấp II. Chị Diệp dạy toán cấp III. Sau khi lấy chồng, sinh hai đứa con gái xong là chị Diệp lao vào học hành. Anh Duy ở nhà chăm con cho vợ đi học. Sau khi có bằng thạc sĩ, chị Diệp dạy chồng vi tính để anh phụ giúp trường có thêm tiền phụ trội. Mỗi dịp lễ, trường tổ chức trò chơi, thi phong trào... mọi người thấy anh luôn bên cạnh chị. Khi thì gói quà, chở quà tới trường, lúc lên mạng truy cập tài liệu, tìm thông tin cho các cuộc thi... Trả lời câu hỏi của tôi có ngại khi đứng sau vợ như thế, anh Duy cười cười: “Kệ, mình học không nổi thì để vợ học vậy. Đã chấp nhập cho vợ đi học thì mình phải lo bếp núc, chăm con... chứ có gì đâu mà ầm ĩ!”.

Ông xã chị Cúc cũng rất tuyệt vời. Rớt đại học, chị Cúc phụ bán cơm với mẹ, anh Đức chạy xe ba gác. Sau khi có con, dạy con học, chị phát hiện mình có khả năng sư phạm. Từ ngày đó anh Đức bắt đầu “thầu trọn gói” chuyện nhà để chị Cúc đi học. Chị Cúc đăng ký học lấy chứng chỉ A Anh văn, rồi mở lớp dạy học tại nhà và tiếp tục lấy chứng chỉ B, sau đó xin vào dạy Anh văn sơ cấp tại một trung tâm tiếng Anh thiếu nhi.

Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục thi vào ĐH KHXH&NV, lấy bằng cử nhân Anh. Hiện chị là giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1). Ngoài giờ dạy, chị đang miệt mài học lên cao học. Khi tôi tới nhà, anh Đức đang dỗ con ngủ, phía sau nhà một thau đồ trẻ con đang chờ anh giặt. Để tiện chăm sóc con, anh nhận giao nước khoáng cho đại lý gần nhà, bỏ hẳn chiếc xe ba gác.

Chuyện chị Thanh “vùng lên” nhờ chồng cũng y như chuyện chị Cúc. Hai vợ chồng chị Thanh cùng bán hủ tiếu. Mẹ chị Thanh cho miếng đất ở Củ Chi, chị bán được số tiền lớn từ đó “bung ra” buôn đất. Tiền tỉ vào nhà, chị học thêm kinh tế và mở công ty kinh doanh địa ốc. Vợ lên như diều nhưng anh chồng vẫn ngày ngày an phận nấu hủ tiếu, bưng bê, rửa tô cho khách để có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái chỉn chu...

Khi một người đàn ông thành đạt, người ta khen hết lời người phụ nữ. Còn người phụ nữ thành đạt, mọi người chỉ ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của người phụ nữ đó mà bỏ qua sự hi sinh thầm lặng của ông chồng. Thật là bất công cho các ông!

Theo Nguyễn Ngọc Hà / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.