Chữ viết

21/03/2009 21:28 GMT+7

Bất chợt nhận được lá thư viết tay của một người bạn thời trung học, Duyên đã “sững sờ hết một ngày”. Chị muốn chia sẻ với các bạn gái cảm xúc của mình.

Duyên nói rằng, thoạt đầu khi được người giúp việc thông báo chị có một lá thư, chị cứ nghĩ đó là thư của siêu thị mà chị là khách VIP, hay của các cửa hàng quần áo mời nhận phiếu ưu đãi định kỳ. Nhưng cái bì thư thông thường với địa chỉ người gửi và người nhận được viết bằng tay, khác với những bì thư trang trọng, chữ đánh máy ngay ngắn, có logo thương hiệu mà Duyên thường nhận, khiến chị rất bất ngờ. Trong nhất thời, chị chưa nhớ ra được N.V.Nam là tên ai, vì sao lại gửi thư cho chị như thế. Tần ngần mất một lúc lâu, chị mới bóc thư ra đọc.

Người bạn cũ tên Nam của Duyên đã định cư ở nước ngoài nhiều năm, còn lá thư gửi cho chị lại đến từ TP.HCM, chỉ là từ Q.Tân Bình gửi sang Bình Thạnh. Nam giải thích trong thư, anh mới về đến quê hương được gần một tuần, thì đã dành phần lớn thời gian viết thư thăm hỏi những bạn bè thân thiết mà anh còn nhớ địa chỉ. Có người cũng ở TP.HCM, có người đang sinh sống, công tác tại Cần Thơ, Vũng Tàu, hay Hà Nội. Nam cặm cụi viết thư tay trên trang giấy học trò, cuối thư anh nhắc lại kỷ niệm: “Chắc bạn còn nhớ, hồi tụi mình đi học, thật quá xa lạ với mail, với chat. Điện thoại cũng hiếm khi. Muốn liên lạc với ai, toàn viết thư như thế này...”.

Lá thư của người bạn cũ khiến Duyên bùi ngùi muốn khóc. Chữ viết quen thuộc của một thời áo trắng làm chị ngơ ngẩn, tuổi học trò trôi qua mười mấy năm rồi mà ngỡ mới hôm qua. Nét chữ nghiêng nghiêng, đều đặn và rắn rỏi, chứng tỏ người viết ra nó cầm viết rất thường xuyên. Lá thư dài, chứa đựng tình cảm chân thành, gợi cho bạn bè nhiều kỷ niệm, tuyệt đối không phải là những dòng viết vội của một người mang “yếu tố nước ngoài” đang cố tình trêu ghẹo thói quen “nhà quê” của lũ học trò gần hai mươi năm về trước. Mà người này lại là đàn ông. Ý nghĩ đó khiến Duyên hơi xấu hổ. Chợt nhớ bữa rồi, Duyên đặt ra một số câu văn bổ ích, định bụng sẽ rèn cho đứa con gái nhỏ đọc-viết chữ nghĩa thật suôn sẻ. Hàng loạt câu văn đã nghĩ sẵn trong đầu, nhưng lấy giấy ra ghi lại thì Duyên... làm biếng quá, cuối cùng chị chọn giải pháp là đánh máy, mặc cho cô bé phụng phịu: “Sao mẹ không viết cho con, hả mẹ?”. Duyên giả lả: “Thì thế này cũng là viết chứ là gì! Còn giúp con dễ đọc hơn chữ của mẹ. Lâu rồi, mẹ không có viết gì...”. Mà đúng thật. Ở công ty, nếu bắt buộc phải gửi thư cho ai, Duyên đều đánh máy từ nội dung đến cả tên, địa chỉ. Ở nhà cũng vậy, riết rồi từ người quen cho đến người lạ, dần dần không một ai nhớ nét chữ thật sự của chị ra sao. Và rồi chính Duyên cũng không còn tự tin với chữ viết của mình, chị thấy nó ngày càng xấu lạ lùng, chỉ muốn “đánh máy cho nhanh, chữ nghĩa rõ ràng khỏi sợ nhầm lẫn”, Duyên thường tự biện bạch như thế.

Còn bây giờ, Duyên quyết định rồi. Mặc dù đã có số điện thoại của người bạn cũ tên Nam, nhưng trước khi liên lạc bằng giọng nói, Duyên phải viết một lá thư tay hồi âm trước đã. Đoạn cuối cùng trong bức thư sẽ là: “Có thể bạn đang chê chữ mình xấu, mình không tự ái đâu. Mình sẽ rèn chữ, rèn thói quen cầm bút trở lại. Gọi là lưu giữ chút kỷ niệm ngày xưa cũng đúng, nhưng cái chính là mình muốn dùng bút để nhặt lại những khoảng thời gian ý nghĩa mà mình đã vô tình để bám bụi quá lâu...”.

Tiểu Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.