Người Cao Bằng xuất ngoại làm giàu

21/03/2009 10:17 GMT+7

Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân - đặc biệt là các hộ nghèo ở Cao Bằng - đã quyết chí tìm đường xuất ngoại qua con đường xuất khẩu lao động để làm giàu.

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, diện tích đất nông nghiệp ít, lao động trong độ tuổi lao động đông nên giải quyết việc làm là thách thức lớn. Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân - đặc biệt là các hộ nghèo - đã quyết chí tìm đường xuất ngoại qua con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ) để làm giàu. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt khó, ước mong đổi đời của nhiều người dân tộc thiểu số ở đất nghèo vùng cao này đã được đền đáp xứng đáng.

Nhà nào cũng muốn thoát nghèo

Phải chờ đến giờ nghỉ trưa, chúng tôi mới gặp được cô cán bộ trẻ Hoàng Thị Hương vì chị bận họp. Hương hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Động, huyện Thông Nông. Chồng chị - anh Sầm Văn Tâm (28 tuổi) - đi XKLĐ tại Dubai vừa tròn 1 năm. Ở cái xã nghèo vùng núi heo hút này, người tiếp cận được nghề hàn ở trình độ hàn 6G như Tâm thuộc "của hiếm".

Hương kể: "Vì cuộc sống ở nhà khó khăn quá, cái đói, nghèo cứ bám riết, làm rẫy chăm chỉ mà vẫn không đủ ăn nên khi nghe tuyên truyền về XKLĐ hay quá, vợ chồng em mê luôn. Sau khi đăng ký, chồng em được đưa lên Hà Nội học nghề hàn. Nhờ quyết chí và chăm chỉ nên anh ấy được tuyển đi làm việc tại Dubai. Em rất mừng và an tâm khi anh ấy gọi điện về nói việc đều, không vất vả lắm mà thu nhập ổn định".

Đi được 1 năm, chồng Hương đã 4 lần gửi về hơn 60 triệu đồng. Số tiền này, ngoài trả nợ ngân hàng hết 30 triệu, Hương đã tậu được đất riêng, chờ chồng về làm nhà mới, số còn lại gửi ngân hàng. Câu chuyện giàu lên nhờ đi XKLĐ của vợ chồng Hương đang là niềm mơ ước của nhiều gia đình thanh niên ở vùng cao này.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Động Lương Thị Bích dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà gỗ mới cất, nằm ngay rìa đường - rất thuận lợi cho việc buôn bán, đi lại của vợ chồng chị Lăng Thị Hà và Lục Văn Bằng (dân tộc Nùng) ở bản Lũng Vần. Ngôi nhà trị giá 58 triệu đồng vừa tậu được này có một phần đóng góp của cô con gái Vương Thị Liên đang làm việc tại Malaysia. 

Phần lớn diện tích tự nhiên ở Thông Nông là núi đá không thể canh tác.

Đón chúng tôi trong nhà mới, chị Hà phân trần: "Cả nhà có tới 7 miệng ăn, cuộc sống tại thôn bản vất vả, nghe huyện thông báo về chương trình XKLĐ, vợ chồng tôi động viên con gái đăng ký. Sau 14 tháng, số tiền Liên gửi về chúng tôi đã trả ngân hàng một phần và một phần góp vào để chuyển nhà trong núi sâu ra gần đường cho tiện".

Cùng đợt đi Malaysia với Liên còn có Triệu Thị Nhung (thôn Mần Hạ, xã Ngọc Động) đã 3 lần gửi về được 60 triệu đồng; anh Hoàng Văn Lợi cùng thôn với Liên cũng gửi về được 11 triệu đồng... 11 người trong xã Ngọc Động heo hút này đã quyết chí xuất ngoại làm giàu là con số không nhỏ. Nhờ có người thân đi XKLĐ, đời sống của nhiều gia đình đã bớt khó khăn, có tiền mua đất, cất nhà, tậu bò...

Chị Bích bộc bạch: "Cả xã có 258/322 hộ nghèo. Ruộng, rẫy ít, chủ yếu là núi đá, đồng bào phải trồng ngô là chính, mà những nhà đông con đến ngô cũng chẳng đủ ăn. Không có việc làm, cái đói, nghèo đeo bám nên việc vận động đồng bào đi XKLĐ không khó, vì gia đình nào cũng muốn thoát nghèo".

Kênh xoá nghèo bền vững

Bà Hoàng Thị Se - Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Thông Nông - cho biết: Chủ trương đưa người dân đi làm việc tại nước ngoài mới được triển khai ở huyện 3 năm trở lại đây, nhưng đã có tới 222 người đi. Số tiền 9,8 tỉ đồng người lao động gửi về qua các ngân hàng là số tiền không nhỏ với một huyện xa xôi, có tỉ lệ hộ nghèo cao như Thông Nông.

Mà không chỉ Thông Nông, đồng bào nhiều huyện trong tỉnh đã tìm đến XKLĐ như một giải pháp thoát khỏi đói nghèo. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng Lãnh Xuân Huyên không giấu nổi niềm vui: Từ khi UBND tỉnh phê duyệt đề án về XKLĐ và đưa vào nghị quyết hành động của tỉnh (năm 2005) đến nay, Cao Bằng đã đưa được 4.450 người đi  làm việc có thời hạn tại các nước, trong  đó có  965 LĐ là người dân tộc thiểu số và 771 người thuộc diện hộ nghèo. Theo báo cáo của các ngân hàng, tính đến 20.9.2008, người lao động làm việc ở nước ngoài đã chuyển về cho  gia đình 40,494 tỉ đồng và 126.400USD. Trong khi khả năng giải quyết việc làm tại chỗ của tỉnh còn hạn chế thì XKLĐ được xem là "kênh" giảm nghèo nhanh, chắc chắn".

Theo ông Huyên, nhu cầu đi XKLĐ của lao động Cao Bằng khá lớn, nhưng vì kinh tế khó khăn, không có chi phí ban đầu (khám sức khoẻ, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết...) nên nhiều gia đình còn ngần ngại. Nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thêm, thì đây thực sự là cơ hội giúp nhân dân các huyện nghèo đổi đời.

Muốn đột phá, cần phá rào

Từ khi triển khai chương trình XKLĐ, thị trường chính của người Cao Bằng vẫn là Malaysia (4.163/4.450 lao động đi Malaysia) vì thị trường này chủ yếu tuyển lao động phổ thông, chi phí đi thấp, phù hợp với lao động của tỉnh. Nhưng, gần đây, do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, một số lao động phải về nước trước thời hạn, chưa được trả nợ ngân hàng, hiệu quả kinh tế chưa thấy rõ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Động Lương Thị Bích ngậm ngùi: Điểm mạnh của người dân tộc thiểu số là bản chất thật thà, song điểm yếu và cũng là rào cản lớn nhất là tâm lý ngại xa nhà. Đó là chưa kể đến trình độ văn hoá hạn chế, một số chưa nghe nói sõi được tiếng Việt, chứ chưa nói đến học ngoại ngữ.

Đồng bào ai cũng muốn thoát nghèo, nhưng không có nghề nên rất khó. Không phải kể ai xa, ngay con trai tôi đây, hết nghĩa vụ quân sự, cháu cũng đăng ký đi nghề hàn ở Trung Đông, tiền đã vay ngân hàng, nhưng khi kiểm tra tay nghề không đạt nên bị rớt lại. Vì vậy, chúng tôi rất mong được Nhà nước giúp đào tạo tay nghề cho các cháu. Khi có nghề - nếu không đi XKLĐ, cũng có thể trở về quê làm việc tại xã, huyện.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng lao động đi xuất khẩu, để người lao động có thể tiếp cận được nhiều thị trường khác đang là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Năm 2008, tuy cả tỉnh chỉ đưa được 100 người đi XKLĐ, nhưng đáng mừng là có tới 47 lao động có trình độ tay nghề thợ hàn 3G, 6G.

Theo Phó Giám đốc sở Lãnh Xuân Huyên, để thanh niên dân tộc thiểu số các huyện nghèo sẵn sàng ra nước ngoài làm việc thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cũng như giáo dục định hướng với thời lượng dài hơn và  giáo trình giảng dạy cần phù hợp với tâm lý, trình độ của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chia tay với Cao Bằng - nơi có 5/61 huyện nghèo đang trông chờ vào chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ  năm 2009 để xoá nghèo, trong đó có công tác đào tạo nghề, XKLĐ, chúng tôi ghi nhớ lời của anh thanh niên dân tộc Mông Hoàng Văn Thắng (bản Nà Ngàm, xã Đa Thông, huyện Thông Nông): "Người nghèo rất mong Nhà nước hỗ trợ trở thành người giàu. Có tiền, vợ con mới bớt khổ, mới được đi học cái chữ cho nên người...".

Theo Ngọc Bảo (Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.