Jazzy Dạ Lam - Jazz của đêm

06/03/2009 23:10 GMT+7

Cô con gái nhạc sĩ Trương Tuyết Mai với vẻ ngoài dịu dàng, mỏng manh như cái tên Thảo Hương, nhưng lại yêu nhạc jazz đến độ lấy cho mình một cái tên rất jazz: Jazzy Dạ Lam.

Cô là một gương mặt nhạc sĩ - ca sĩ nổi bật trong cộng đồng người Việt ở Đức và vừa giành giải Bài hát có phong cách thính phòng nổi bật nhất của Bài hát Việt 2008.

* Không thể không có liên cảm với nhạc của mẹ chị: trữ tình, đậm chất dân ca. Jazz của Jazzy Dạ Lam có chịu ảnh huởng bởi ai đó, điều gì đó không?

- Với tôi, jazz là một thứ cảm giác, cảm hứng đầy tự do. Có lẽ bắt đầu từ lúc tôi khoảng 6 - 7 tuổi, luôn miệng hát vu vơ những giai điệu tự chế và còn đặt tên chúng là variations 1, 2, 3... dựa trên chủ đề của Bach, Mozart, hay Schubert gì đó. Và rồi những thay đổi trong cuộc sống từ ngày rời xa VN, những khác lạ của các nền văn hóa xứ người, những ý niệm cùng cách suy nghĩ... cộng thêm cá tính của tôi - thích tìm tòi những cung bậc, màu sắc mới - nên jazz đã bén rễ lúc nào không hay. Jazz chính là phương tiện cho tôi thể hiện cá tính âm nhạc của mình rõ nhất, vì jazz dung hòa được mọi yếu tố âm nhạc và không có biên giới cho sự diễn tả hay cảm nhận.

*  Sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở Đức, nguyên cớ nào khiến chị ra album dành cho người nghe VN?

- Album Trăng & Em thực ra được phát hành ở cả hai nơi, VN và Đức. Vì ngay ở Đức, jazz cũng không dành cho số đông, nên tôi muốn mở rộng "thị trường" sang VN... Đùa thôi, trước nhất tôi là người VN, nên dù sống ở đâu thì tác phẩm tự nó đã có hơi thở VN. Chọn VN là điểm phát hành đầu tiên, đơn giản vì VN là quê cha đất mẹ, là nơi tôi luôn tha thiết hướng về. Thứ hai là tôi biết có những người sẽ đón nhận âm nhạc của tôi, dù có là số ít.

 * Chị nuôi cảm xúc thế nào để viết bài hát gần đây nhất của mình?

- Bài hát gần đây nhất là Có những diệu kỳ vừa được giải Bài hát có phong cách thính phòng nổi bật, tôi đã viết cho bé Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi sau khi sinh, được về sống trong gia đình hạnh phúc của anh chị Quang Nghinh - Mai Anh. Nói cách khác, tôi dùng âm nhạc để kể lại câu chuyện cổ tích có thật này.

* Giọng hát của chị khá mỏng, nhưng chị biết biến điều đó thành ưu điểm để người nghe thấy sự chới với, chênh vênh... Hát với chị có khó hơn là viết ca khúc?

- Đúng là tôi có lợi điểm khi tự thể hiện ca khúc mình sáng tác. Tôi chỉ biết hát với xúc cảm có được từ bài hát. Dù biết hát là một nghệ thuật đòi hỏi sự luyện tập bền bỉ, nhưng tôi không phải dân chuyên nên không thấy bị áp lực. Còn sáng tác là một công việc tôi thường xuyên tiếp cận, song những trải nghiệm cũng không hề đơn giản.

* Cái tên Dạ Lam nghe như một điệu jazz, có phải vì chị thích bóng đêm?

- Jazzy Dạ Lam là nghệ danh đến từ cuộc sống và âm nhạc, không thể so sánh với tên Thảo Hương ba mẹ đặt cho. Tên Dạ Lam được diễn đạt từ cụm từ Jazzy De Nuit (nickname của tôi), jazz của đêm. Cõi đêm cho mình nhiều cảm xúc, không hẳn buồn, mà là sâu lắng, dù đôi khi chơi vơi, hoang lạnh.

* Dự định sắp tới của Jazzy Dạ Lam?

- Tôi đang hết sức bận rộn cho những dự định âm nhạc sắp tới. Tuy vậy nói trước sợ bước không tới, xin hẹn lúc khác sẽ bật mí với mọi người.

Lê Thị Thái Hòa
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.