Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh

03/03/2009 12:31 GMT+7

* Giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng * Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên xuống dưới 7.000 điểm (TNO) Trong phiên giao dịch đầu tuần hôm qua (2.3), cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, các thị trường chứng khoán thế giới, từ Tokyo đến New York, đều giảm điểm khá mạnh.

Đặc biệt trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên xuống dưới mốc 7.000 điểm kể từ năm 1997, chỉ số S&P 500 đang "chới với" ở mốc 700 điểm ngay sau khi tập đoàn đầu tư tài chính và bảo hiểm quốc tế AIG công bố khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử các doanh nghiệp của Mỹ (lớn hơn cả khoản lỗ của tập đoàn giải trí Time Warner năm 2002, là 54 tỉ USD).

Trong báo cáo được công bố ngày hôm qua, AIG đã đưa ra con số thua lỗ chính xác trong quý 4/2008 là 61,7 tỉ USD. Hàng loạt cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực đầu tư, tài chính đều giảm mạnh. Cổ phiếu tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett đã giảm 4,7%, tương đương 120 USD xuống còn 2.444 USD/CP; cổ phiếu Citigroup cũng giảm 20%. Bản thân cổ phiếu của AIG không thay đổi trước thông tin trên và vẫn ở mức 42 cent/CP (trong vòng 12 tháng qua CP của AIG giảm tới 99% giá trị).

Tỉ phú, chiến lược gia đầu tư Warren Buffett cho biết bối cảnh kinh tế Mỹ hiện nay đang ở vào tình trạng “hỗn loạn”, và còn có thể tiếp tục kéo dài. Nếu không thận trọng, các khoản cho vay có thể khiến hệ thống tài chính nước này lâm vào tình trạng rơi tự do trước khi nền kinh tế phục hồi.

Các công ty dầu mỏ cũng bất ngờ vì giá dầu đột ngột quay đầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Cổ phiếu của Exxon Mobil giảm 4,4% xuống còn 64,91 USD/CP.

Chỉ số Dow Jones Industrial đã giảm tới 299,64 điểm xuống còn 6.763,29 điểm, giảm hơn 1.300 điểm trong vòng một tháng qua. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 4,7% xuống còn 700,82 điểm, mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 10.1996 tới nay. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 54,99 điểm xuống còn 1.322,85 điểm. Tại Sở giao dịch chứng khoán New York, cứ 19 mã giảm giá mới có một mã tăng giá.

Tại các sàn giao dịch châu u, các chỉ số lớn cũng đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên đầu tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm tới 204,26 điểm xuống còn 3.625,83 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 121,02 điểm xuống 2.581,46 điểm; DAX của Đức giảm xuống mức 3.710,07 điểm, mất 133,67 điểm so với phiên trước. Chứng khoán châu Á tiếp tục phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần này.

Góp “công đầu” trong phiên giảm điểm của chỉ số FTSE 100 của Anh là cổ phiếu của Ngân hàng HSBC, giảm gần 19% xuống mức thấp trong hơn 10 năm qua.

Hôm qua, HSBC cũng đã công bố khoản thua lỗ trong năm tài khóa 2008 - 2009 lên tới 12,85 tỉ bảng Anh (tương đương 18,1 tỉ USD). Ngân hàng này cũng cho biết có thể họ sẽ phải cắt giảm chương trình cho vay tiêu dùng của mình tại Mỹ, đồng thời cũng sẽ cắt giảm nhân công. Tuy nhiên, "đại gia" này vẫn duy trì được mức tin của thị trường nhờ có hệ thống "thành trì" vững chắc tại châu Á.

Cổ phiếu của HSBC tại Anh hiện đã giảm 48% so với cuối tuần trước, xuống còn 2,54 GBP/CP (tương đương khoảng 3,59 USD/CP). Trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, cổ phiếu của ngân hàng này cũng giảm 17,8% xuống còn 46,8 HKD/CP (tương đương khoảng 6,03 USD/CP). Tổng trị giá tài sản của HSBC hiện tại vào khoảng trên 70 tỉ USD.

* Giá dầu thế giới đột ngột giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Các cổ phiếu lớn trên thị trường chứng khoán của Nhật Bản trượt giá đẩy chỉ số Nikkei N225 xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua, còn tại Mỹ chỉ số Dow Jones xuống dưới 7.000 điểm đã cho thấy kinh tế toàn cầu vẫn ngày càng lún sâu vào suy thoái. Điều này càng khiến nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ và năng lượng tại Mỹ cũng như thế giới tiếp tục giảm mạnh.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần qua lại tăng lên do nhập khẩu tăng và các nhà máy lọc dầu mở rộng công suất hoạt động, theo khảo sát của Bloombergs. Theo ước tính thì trong tuần qua, dự trữ dầu thô tại đây đã tăng thêm khoảng một triệu thùng.

Giá dầu thô giao tháng 4 tại New York cuối phiên giao dịch hôm qua đã giảm 4,61 USD xuống mức 40,15 USD/thùng. Vào sáng nay (3.3) tiếp tục giảm thêm 71 cent xuống còn 39,44 USD/thùng. Tuy nhiên đến lúc 9 giờ 54 phút sáng nay lại có xu hướng tăng nhẹ lên 40,38 USD/thùng. Tính từ đầu năm, giá dầu thô đã giảm 11%.

Giá dầu Brent giao tháng 4 tại London (Anh) sáng nay cũng giảm 61 cent xuống còn 41,6 USD/thùng. Giá chốt phiên hôm qua của loại dầu này là 42,21 USD/thùng, giảm 4,14 USD so với ngày 1.3.

* Giá vàng thế giới hôm nay đột ngột giảm sau khi tăng nhẹ ngày hôm qua. Giá vàng giao tháng 4 tại New York chốt phiên ngày 1.3 ở mức 953,1 USD/ounce. Vào trưa nay (giờ Việt Nam), giá vàng  giao tháng 4 tại thị trường New York đã giảm xuống và đạt 922,7 USD/ounce vào lúc 11 giờ.

Trong khi đó, Australia, nhà sản xuất vàng khối lớn thứ 3 thế giới đã quyết định tăng sản lượng đầu ra lên 17% trong vòng bốn năm tới đây với hi vọng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đẩy cao nhu cầu với loại kim loại quý này.

Dự báo sản lượng khai thác vàng của Australia sẽ đạt 264 tấn vào giữa năm 2012, riêng trong năm nay sẽ đạt khoảng 225 tấn.

* Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua khi thị trường chứng khoán thế giới liên tục giảm trong những ngày qua, tác động trực tiếp tới sự nhạy cảm của các nhà đầu tư trong việc tìm kế sách bảo toàn tài sản.

Trưa nay, tỉ số trao đổi giữa USD và EUR tiếp tục duy trì có lợi cho đồng tiền Mỹ, đạt mức 1 EUR đổi 1,2583 USD. Các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng Ngân hàng Trung ương châu u sẽ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào ngày 5.3 tới đây khiến đồng EUR giảm ưu thế.

Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD được dự báo sẽ không duy trì lâu khi Ngân hàng thế giới (WB) cho biết thời điểm “tồi tệ” nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã qua, nhu cầu tích trữ USD sẽ không còn cao nữa.

Tỉ giá trao đổi giữa USD và yen Nhật dao động nhẹ ở mức 97,48 JPY/1 USD so với 97,45 JPY cuối ngày hôm trước. Dự báo trong ngày hôm nay, có thể đồng yen sẽ tăng nhẹ so với USD lên mức 96,7 JPY/1 USD.

Thu Hạnh
(Theo Bloombergs, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.