Trở về rừng xưa

28/02/2009 12:21 GMT+7

Từ thời cây lúa thần nông lên ngôi vào những năm 70 của thế kỷ trước, cùng thuốc sâu, thuốc cỏ sặc đồng rồi những bẫy chim, bẫy cò và sự tận diệt của con người đã khiến thiên nhiên ở vùng ĐBSCL bị tàn phá. Những năm gần đây, ý thức bảo vệ thiên nhiên, tạo đất lành cho chim về xây tổ mới bắt đầu được tái lập. Hàng ngàn cánh cò, cánh vạc đã quay về, thắp trắng những vạt rừng.

Tràm Chim giàu có...

Sáng bửng mắt, chúng tôi đã có mặt tại Cao Lãnh. Theo Quốc lộ 30 đến ngã ba Tam Nông rẽ vào tỉnh lộ 848, đã thấy gió Tháp Mười lồng lộng như bầy ngựa phi nước đại trên cánh đồng mênh mông. Càng vào sâu, giao thông càng tốt đến bất ngờ.

Những con đường vượt lũ cao hơn mặt ruộng chừng 3m, tráng nhựa chạy êm ru. Thấy chúng tôi lo ngại, không biết vào Tràm Chim có phải đi tàu đò gì không, chị chủ quán phì cười: “Mấy chú khỏi lo, đường tốt vầy, xe “bay” thẳng tới Tràm Chim”. Và chúng tôi đã vào tận vương quốc của “hạc tiên” mà chân không hề chạm… nước.

Vừa qua khỏi thị trấn Tràm Chim, mọi người lăng xăng móc máy ảnh cầm tay. Ở ngoài rìa rừng tràm đã nghe đủ âm thanh của các loài chim chao chát, những cánh chim chớp nắng không ngừng bay lên, hạ xuống.

Mới khoảng 8 giờ sáng, đã thấy mấy chiếc xe du lịch từ Sài Gòn đổ xịch trước trung tâm Vườn Quốc gia Tràm Chim, với lỉnh kỉnh đồ nghề. Họ sẽ theo tắc ráng vào sâu nữa, cắm sào câu đến chiều. Ai câu giỏi 5-6 kg cá là thường. Mà cần gì đi xa, ngay sát mé kinh đã thấy cá đớp mống sáng nước rồi.

Chúng tôi lên một chiếc tắc ráng nhỏ, nhưng không phải đi câu. Kinh thẳng như kẻ chỉ, chiếc tắc ráng lướt sóng ve vé, nước lách chách hai bên bờ tràm đứng dầm chân trong nước. Mà cái giống tràm ngộ thiệt, bất kể mùa hạn khô rang hay mùa nước ngập đồng, lá lúc nào cũng xanh um, lộng gió.

Anh Trung-người lái tắc ráng-điệu nghệ cầm lái một tay: “Thấy chim bồ cắt không? Mùa lũ bồ cắt bắt chuột trên cây, mùa khô thì chúng truy tận ổ. Mấy ông để ý nhe, một cú bổ xuống là tiêu đời một mạng “tý”.

Tràm Chim quả là nhiều bồ cắt. Giống chim nhỏ như cú mèo thôi mà khỏe ngang với đại bàng, ở đâu cũng thấy bóng dáng oai hùng của nó lượn lờ cánh nắng. Đến như bìm bịp, giống chim được giới mày râu truy lùng ráo riết để tăng cường cho cái khoản…ấy, cũng ê hề. Tiếng nó ồm ồm như sát một bên nhưng không biết nhìn thì đừng hòng thấy nó.

Bìm bịp ít khi bay lên trời, suốt ngày chỉ thích cà lủi trong lùm, trong bụi và có khi đứng im phăng phắc như thầy tu thiền tịnh. Chợt nhớ tiếng bìm bịp kêu nao niết trầm buồn trên bến sông quê: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê…”.

Trong Tràm Chim, ngoài rừng tràm là bạt ngàn đồng năng, trông như tấm thảm xanh với “mâm cỗ” dọn sẵn mời gọi đàn sếu từ phương Bắc bay về vào mỗi tháng giêng hàng năm. Cái giống chim gì mà khôn động trời, chúng kéo đàn về moi củ năng mà yến tiệc. Và cũng nhờ đàn sếu, năm 1999, người dân Tháp Mười tự hào với sự ra đời của “Vườn Quốc gia Tràm Chim” có diện tích tự nhiên hơn 7.588ha và vùng đệm an toàn hơn 20.000ha.

Đó là vùng trũng ngập nước bao trùm 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ. Sếu ở Tràm Chim có cổ trụi, còn gọi là sếu đầu đỏ, cao gần 2m, lông xám mượt. Chúng cứ bay lượn chấp chới trên đồng năng, cất tiếng kêu vang xa 2-3 cây số.

 

Một góc rừng Trà Sư

Đến tháng 5, vào mùa bắt cặp, chúng múa xòe đôi rồi bay đi tìm nơi đẻ trứng nuôi con. Vợ chồng sếu sống với nhau đến trọn đời. Đó là một trong những đức tính để sếu trở thành biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy.

Ở Tràm Chim còn có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài khác nhau. Vùng đất 6 tháng mùa khô, 6 tháng ngập nước này chính là nơi cư trú của của hàng trăm loài động vật, hơn 200 loài chim, hàng trăm loài cá (chiếm 33% loài cá của ĐBSCL).

Tràm Chim giàu có đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Những dự án hàng triệu đô la đang đổ vào đây để khôi phục hệ động thực vật vô cùng phong phú. Nhưng Tràm Chim cũng còn những nguy cơ rình rập từ bọn săn trộm.

Trạm canh giữ mà chúng tôi đến là của anh Trịnh Văn Khôi đã ngoài 50 tuổi. Anh đã có 28 năm gắn bó với đất này, thuộc từng tiếng chim, từng con gió, từng đường đi nước bước của sếu. Nhưng có một thứ anh không thể nào thuộc được, đó là giờ giấc vô chừng của bọn săn trộm.

Càng ngày chúng càng táo tợn, mỗi nhóm 40-50 tên với đủ các loại lưới đánh bắt và còn dùng cả xiệc điện vào mùa khô. Lực lượng kiểm lâm thực ra chỉ canh gác, rồi báo động nhờ lực lượng công an xã can thiệp. Chính anh Khôi đã 3 lần bị chúng đánh phải nhập viện, còn “chuyện xử lý không ăn thua gì, lần đầu cảnh cáo, lần sau thu giữ dụng cụ nhưng rồi đâu vẫn vào đó” là chuyện xảy ra khá thường xuyên.

Tính đến nay, cả Tràm Chim có 12 trạm canh giữ nhưng lực lượng quá mỏng. “Cuối tuần, bà xã dẫn mấy đứa cháu vào hủ hỉ”, anh Khôi cho biết, còn thường thì chỉ có mình anh Khôi ở trạm, cùng đài quan sát cao khoảng 12m. Lương bổng chỉ được chừng hơn triệu đồng, quá ít so với công việc có phần nguy hiểm.

Dù vậy, đất này gắn bó với anh Khôi đã trở thành máu thịt, xa nó là anh không ngủ được. Từ sau ngày giải ngũ, 28 năm nay anh chưa đi khỏi Tràm Chim nửa bước. Mỗi khi nhắc đến sếu, mắt anh sáng lên.

Về Trà Sư sống lại thời mở đất

Với diện tích 845ha, chỉ nhỉnh hơn 1/10 so với Tràm Chim ở Đồng Tháp nhưng rừng Trà Sư có vẻ đẹp riêng vừa thơ mộng vừa u uẩn và đầy quyến rũ.

Rừng Trà Sư thuộc địa phận xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Nếu xuất phát từ thị xã Châu Đốc để đi Trà Sư thì không nên vội, hãy tranh thủ thưởng thức đặc sản bò vò viên mà không đâu có được của xứ này.

Một lý do nữa là chim cò của Trà Sư đi kiếm ăn rất muộn, vì thức ăn tự cấp tại chỗ là vô cùng phong phú, sao cho đến nơi trước 9 giờ, lấy ánh nắng đẹp nhất để chớp những tấm ảnh… cực kỳ.

Theo Quốc lộ 91 gập ghềnh, thưa thớt những căn nhà tạm bợ nằm chơ vơ, nhỏ nhoi giữa cánh đồng ngút ngát, đến ngã ba Nhà Bàng rẽ trái vượt dốc Bà Đắc là đến rừng Trà Sư. Bao quanh khu rừng là những con đường nội bộ có thể chạy xe gắn máy nhưng hầu như chẳng ai nỡ phá vỡ không gian tuyệt vời này bằng những âm thanh của động cơ vô duyên, lạc lõng.

Với 75.000đồng/người, khách có thể ngồi tắc ráng vi vu vào rừng, rồi chuyển sang xuồng bơi nhẹ nhàng đến thật gần, tưởng chừng với tay là chạm được vào những ổ chim dày đặc trên cây. Mà cái giống cò là chúa đểnh đoảng, chúng làm tổ rất sơ sài, nên “tai nạn” thường xuyên xảy ra, trứng và cò non rơi lộp bộp như mùa mận chín vậy. Chả bù lại giống chim vòng vọc làm tổ bằng cả trái tim người mẹ, có “nhà khách”, có phòng trú mưa và vô cùng chắc chắn, trẻ con làm banh đá chán thôi chớ không hề hấn gì.

Người lái tắc ráng đưa chúng tôi đi là anh Phụng, có lẽ anh là hướng dẫn viên yêu nghề nhất mà tôi từng thấy. Anh gắn bó với khu rừng này trước hết vì tình yêu hơn là một việc làm ăn lương. Anh thuộc từng trảng cò, từng nết các loài chim và luôn tắt máy từ xa, tránh làm chim cò hoảng sợ. “Anh chuẩn bị máy chụp hình sẵn đi, trước nè cò nhiều lắm” rồi nhẹ nhàng bơi xuồng lại thật gần, để tôi dễ dàng thu vào máy ảnh những vạt cò trắng xóa, hàng ngàn bầy dơi quạ treo mình ngủ đen cây, những con điêng điểng cô đơn đậu trên giề cỏ. Gặp lại bầy vạc và những tiếng kêu của nó mà dễ chừng hơn 30 năm rồi tôi mới được nghe lại cái âm thanh thê thiết ấy, tôi chợt bồi hồi…

Khi xuồng len lỏi vào vùng cò xây tổ, thật tội nghiệp những con cò con đang lủm chủm dưới nước. “Này, sao anh không vớt cò ra ràng? Cỡ này làm mồi hết xảy, vì dù sao chúng cũng chết thôi”. Anh Phụng giãy nãy: “Trời, anh muốn em bị đuổi việc chắc. Nghiêm cấm tuyệt đối! Ăn cò rớt dưới nước được thì sẽ không từ chim cò trên cây. Mà ở đây muốn nhậu thì thiếu gì mồi bén, ăn chi chim cò, bất nhơn”.

Rừng Trà Sư có diện tích nhỏ và được bảo vệ tốt nên không có nạn đánh bắt cá táo tợn như ở Tràm Chim. Dưới mặt nước bèo cám trải thảm nhung xanh nhưng nhức, cá lóc táp ùng ục. Tôm càng xanh, các loại cá đồng nhiều vô kể. Nhiều loại cá từ lâu đã tuyệt tích trên dòng Mêkông, giờ đã xuất hiện ở đây như cá nàng hai (thác lác cườm), cá dày, sặt bổi…

Anh Lương Văn Luyến, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, phấn khởi: “Đất lành chim đậu, mấy năm nay có rất nhiều dơi mẹ mang con về đây định cư, làm cho khu rừng trở nên náo động lúc hoàng hôn buông xuống. Đặc biệt là nhạn sen (diệc mộc) bay về rừng hàng ngàn con”. Ngoài ra còn có nhiều loài chim nằm trong sách đỏ cũng hiện diện ở đây với số lượng đáng kể: cò lạo, cò rắn (điêng điểng), ròng rọc, vạc…

Theo khảo sát của Birdliffe International và Viện Sinh thái-Tài nguyên-Sinh vật thì rừng Trà Sư là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại ĐBSCL.

Loanh quanh hơn tiếng đồng hồ, bấm máy liên tục, cuối cùng chúng tôi dừng chân trên một cái tum (chòi nhỏ) giữa rừng. Cũng rượu đế, cũng cá lóc nướng trui lót lá chuối nhưng có lẽ chỉ có ở giữa Trà Sư mới thật sự thỏa mãn khi hiếm hoi được đắm mình cô đơn trong hoang vắng của núi rừng, trong không gian thiếu tiếng người nhưng thừa thãi tiếng chim muông, như thời mở đất...

Theo Hà Ngọc Trảng / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.