Vì sao chưa công bố dịch sởi?

27/02/2009 23:05 GMT+7

Trong vòng 2 tháng qua, số ca mắc sởi đã tăng cao ở người lớn và lan rộng ra nhiều địa phương. Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết:

Các trường hợp mắc sởi trong những tháng gần đây hầu hết đều ở độ tuổi trên 10 tuổi, cao nhất ở nhóm 20-24 tuổi. Tại Hà Nội, số mắc chủ yếu ở các nhóm sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp. Do sống tập trung nên khi có đối tượng cảm nhiễm, mắc bệnh sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc lây lan. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm bệnh sởi tại các nước có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin sởi cao. Năm 2008, tại Nhật Bản cũng ghi nhận trên 600 trường hợp mắc sởi tại hàng chục trường đại học.

*Việc số người mắc bệnh sởi lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khiến người dân lo lắng. Tại sao chúng ta không công bố dịch trên toàn quốc?

- Thời gian vừa qua, số người mắc sởi tuy xảy ra ở nhiều địa phương nhưng là tản phát, không mang tính chất cụm và không tập trung ở một ổ dịch rõ ràng nào. Mặt khác, theo báo cáo của các địa phương, số trường hợp mắc sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 6 -10.2.2009 với ghi nhận hằng ngày khoảng 100 trường hợp mắc, từ đó đến nay số trường hợp mắc sởi trong ngày giảm dần, cả về số trường hợp mắc cũng như số địa phương có trường hợp mắc mới. Trong những ngày gần đây, số trường hợp mắc sởi ghi nhận hằng ngày dao động trong khoảng 1-10 trường hợp tại 3-4 tỉnh/thành trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, do tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng trong 10 năm gần đây trên phạm vi toàn quốc luôn đạt trên 90%, đã tạo miễn dịch cho cộng đồng, nên khó có khả năng bùng phát thành dịch lớn.

*Nhưng những tuần gần đây, số trẻ mắc sởi đã tăng lên, trong đó có cả trẻ đã tiêm vắc-xin ngừa sởi?

- Cần phải biết là dù trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn một tỷ lệ nhất định số trẻ chưa được bảo vệ, do khả năng bảo vệ chỉ từ 80 - 85%. Vì vậy, sẽ vẫn ghi nhận trường hợp mắc sởi ở trẻ em rải rác trong cộng đồng. Nhưng số liệu thống kê cho thấy số trẻ em mắc sởi trong thời gian gần đây là rất ít so với tổng số trường hợp mắc, tính chung cho toàn cộng đồng thì tỷ lệ mắc sởi ở trẻ em là rất thấp.

*Thưa ông, do tình trạng người lớn mắc sởi nên nhiều người dân đang đi tiêm vắc-xin để phòng sởi tại thời điểm này, như vậy có hiệu quả không?

- Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp phòng bệnh sởi rất hiệu quả, nhưng cần phải tiêm trước khi tiếp xúc với người mắc sởi vì phải mất 2-3 tuần sau khi tiêm, cơ thể mới tạo miễn dịch phòng bệnh. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng dịch là tiêm vắc-xin đầy đủ cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng và cách ly các trường hợp nghi mắc sởi; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng...

*Bên cạnh việc xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, một số cơ sở điều trị cho biết tỷ lệ tai biến nặng do sởi năm nay cũng cao hơn mức khuyến cáo. Ông  nhận định gì về vấn đề này?

- Về thông tin này, chúng tôi đang làm rõ. Hiện tỷ lệ tai biến do sởi đang được tính trên tỷ lệ số người bệnh phát ban dạng sởi vào điều trị tại một số bệnh viện, trong khi cần phải tính trên tỷ lệ số trường hợp mắc sởi của toàn cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xác định nguyên nhân gây ra các tai biến này là do sởi hay do các nguyên nhân khác. Thực tế trong số các trường hợp sốt phát ban hiện đang ghi nhận tại các địa phương, có nhiều trường hợp dương tính với các nguyên nhân khác ngoài sởi.

TP.HCM lo ngại bệnh sởi và phát ban bùng phát thành dịch
Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM, bệnh sởi và bệnh phát ban trên địa bàn từ tháng 10.2008 đến nay diễn biến phức tạp; có trên 80% người mắc bệnh trên 15 tuổi,đồng thời nhiều ca bệnh làngười lớn có biến chứng nặng hơn. Đến nay, bệnh đã lan ra quá nửa số quận, huyện của TP. Với số lượng người nhập cư đông và nhiều khu nhà trọ chưa đảm bảo vệ sinh, ngành y tế thành phố đang lo ngại bệnh sởi và phát ban sẽ bùng lên thành dịch.

Bảo Thiên

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.