Trạm áo trắng, áo xanh

26/02/2009 16:17 GMT+7

Đó là cách mà đồng bào Cơtu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) gọi những y, bác sĩ trong trạm xá quân dân y kết hợp xã Hòa Bắc. Cứ tuần vài lần, những y, bác sĩ này theo đường rừng, vượt suối lên đây khám bệnh...

“Có trạm đồng bào bớt khổ”!

Theo chân những cán bộ y tế thuộc Sư đoàn Phòng không -Không quân 375, chúng tôi đến với trạm, nơi chỉ có 4 cán bộ mà phải chăm lo cho sức khỏe cho 362 khẩu (100% dân tộc Cơ tu) - địa phương được xem là khó khăn nhất nhì Đà Nẵng.

Trạm xá quân dân y kết hợp xã Hòa Bắc được xây dựng năm 2004 với sự góp sức của Sở Y tế, Sư đoàn 375, Thành Đoàn Đà Nẵng và chính quyền sở tại. Số tiền đầu tư ban đầu 185 triệu đồng tạo nên được 3 phòng khám, 5 giường bệnh phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc... Ông Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí) hồ hởi: “Trước đây, người trong thôn hễ đau ốm là phải đi xe ôm xuống dưới xã cách 10 km, tốn mất 40 chục ngàn đồng. Chừ có trạm, dân Giàn Bí với Tà Lang bớt khổ nhiều!”.

Trước khi đoàn khám, phát thuốc miễn phí của Sư đoàn 375 lên tới trạm, nhờ các “cán bộ dân vận” của các thôn, bà con đã tập trung ở đây từ khá sớm. Người thì bế con đi theo, một vài em nhỏ không có người lớn vẫn dắt nhau vào “gặp” bác sĩ, những cô gái Cơ tu thì bẽn lẽn đi sau và thường đi thành từng tốp nhỏ vẫn che miệng cười khi bác sĩ khám. Thôn Giàn Bí sát bên trạm nên bà con đến đông đủ cả, thôn Tà Lang cách trạm thêm một đoạn đường rừng và một con suối nên đến đầu giờ chiều bà con mới lục đục sang khám. Ai cũng cố chen nhau vào phòng khám, tiến gần các y bác sĩ, đến lúc nhận được thuốc miễn phí trong tay, đồng bào ai cũng phấn khởi.

Y, bác sĩ lên trạm cực mà vui

Đại tá Đoàn Thế Hùng - Chính ủy Sư đoàn 375 cho biết: “Trạm có 2 y sĩ trực thuộc sư đoàn lên cắm ở đây và 2 của địa phương. Cả hai bên cùng phối kết hợp để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào”.

Các anh phải tự nấu ăn, giặt giũ. Cố gắng mới đây nhất để cải thiện đời sống là sắm thêm 1 nồi cơm điện. Mảnh vườn nhỏ sau trạm các anh dùng để trồng rau, thêm vào bữa ăn hằng ngày trong điều kiện xa chợ búa. Khó có thể nói hết được những thiếu thốn của các anh trong thời gian công tác ở đây nhưng y sĩ Trịnh Trung - phụ trách trạm khoát tay nói: “Chúng tôi sống như thế này hơn 4 năm trời có sao đâu, đó là các anh mới thấy ở bề ngoài, chứ thực ra chúng tôi ở đây cũng có nhiều chuyện vui lắm”. Rồi anh hào hứng kể chuyện: Có cô gái Cơ tu không sao mở miệng ra xin các anh được mấy viên thuốc tránh thai vì... thẹn. Nào là các mệ già trầy một tí da, chảy vài giọt máu cũng lên trạm khám, xin thuốc rối rít. Có anh đi khám một mình nhưng xin thuốc cho hai, ba người vì “nhà mình nhiều người lắm, đằng nào chẳng dùng hết”. Thậm chí có nhà hết gạo cũng tìm lên với các anh.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.