Quái kiệt Tùng Lâm sau những lần tử thần gõ cửa

23/02/2009 23:40 GMT+7

Trong những “quái kiệt” của làng cười Sài Gòn trước 1975, có một người không-cần-diễn, chỉ cần ló mặt ra sân khấu là khán giả đã cười rần rần, đó là danh hài Tùng Lâm.

Sau hơn 60 năm gắn bó với sân khấu, đến hôm nay dù sức khỏe đã đến mức “báo động” sau bao lần chạm mặt tử thần, anh vẫn gắng gượng “diễn với đời”...

Xuất thân là một ca sĩ đẳng cấp

Nghệ sĩ Tùng Lâm hiện sinh sống trong một con hẻm đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Gặp ông thật khó bởi hầu hết thời gian trong ngày ông dành để tập thể dục nhằm đủ sức gạt thần chết qua một bên để chứng minh rằng “số Tùng Lâm khó chết lắm !”.

Ông kể: “Khi tôi đóng phim Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, cảnh cuối có đoạn 5 hiệp sĩ được chùm bong bóng bay kéo lên trời nhưng khi quay phim thì diễn viên phải nhảy từ tháp nước cao hơn 20 mét của Nhà máy giấy Cogido xuống tấm nệm trải dưới đất để camera quay (quay ngược). Sau khi anh chàng cascadeur nhảy thử và... bị tai nạn, thì chẳng còn ai dám nhảy.

Chủ hãng phim bèn đưa mức thưởng 20.000 đồng (một khoản tiền lớn so với thời giá) thì tôi với Xuân Phát “phi thân” xuống đất. Cú nhảy ngoạn mục nhưng nghĩ lại lạnh xương sống và thấy sao mình... ngu quá! Còn lần đóng phim Tứ quái Sài Gòn, trong phim tôi là một tay bơi lội rất giỏi nhưng thật ra tôi từng bị gãy tay nên chỉ biết... bơi chó, lại bơi ngược dòng nước nên chỉ được một lúc là đuối. Trong khi, danh hài Khả Năng bơi rất giỏi nhưng trong phim lại là người bơi “ẹ” nhất, cứ hụp lên hụp xuống, chới với... Chủ đoàn phim tưởng thiệt hô hoán mà bỏ quên thằng sắp chết đuối thứ thiệt là tôi”.

 
Tùng Lâm bên mộ Hoàng Thi Thơ (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ít ai biết một danh hài thuộc loại “quái kiệt” như Tùng Lâm lại xuất thân là một... ca sĩ có đẳng cấp. Thuở niên thiếu, Tùng Lâm thường theo bạn bè đi ca tài tử khắp nơi, lại được nhạc sĩ Lê Bình dạy nhạc và đàn mandoline. Năm 1948, Đài phát thanh Pháp-Á tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, Tùng Lâm dự thi và đoạt giải nhất với bài An Phú Đông của thầy Lê Bình. Đến cuối năm 1952, Tùng Lâm lại đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn với bài Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương.

Người đoạt giải nhì là Thanh Giang (học trò của quái kiệt Trần Văn Trạch), giải ba thuộc về ca sĩ Bạch Yến (con dâu GS.TS Trần Văn Khê). Từ đó, Tùng Lâm luôn được mời hát ở các rạp. Ông cùng với kịch sĩ Vân Hùng, nhạc sĩ Lam Phương hình thành một nhóm tam ca ăn ý với các ca khúc Khúc ca ngày mùa, Nhạc rừng khuya (Lam Phương), Ô mê ly (Văn Phụng), Đoàn lữ nhạc (Đỗ Nhuận), Ngựa phi đường xa (Lê Yên), Khúc nhạc dưới trăng (Dương Thiệu Tước), Thiên thai (Văn Cao)... Sau này, Tùng Lâm chuyển hướng qua hát nhạc hài hước với các bài Cô Tây đen (Đức Quỳnh), Rượu đế với khô mực (Lê Bình), Chỉa bài (Văn Trung)...

Tuy là một ca sĩ thứ thiệt nhưng tính tình Tùng Lâm lại rất thích hài hước, ngoại hình cũng thuộc vào hạng... “dị nhân”. Ngồi với bạn bè, anh thường có những “chiêu” làm họ cười ngắc ngư. Rồi không hiểu có ai đó gọi anh là “Tiểu quái kiệt”. Năm 1958, đại nhạc hội “Minh tinh-Quái kiệt” diễn ra tại Dinh Norodom, Tùng Lâm được chính thức quảng cáo là: Tiểu quái kiệt Tùng Lâm. Thế là sân khấu hài miền Nam, từ kịch cho đến cải lương và cả phim ảnh nổi lên một cái tên Tùng Lâm và “chen vai thích cánh” cùng 7 quái kiệt khác (Tùng Lâm, Xuân Phát, Thanh Việt, Thanh Hoài, Khả Năng, Phi Thoàn, La Thoại Tân) tung hoành suốt một thời, có thể gọi là thời hoàng kim của sân khấu hài.

“Hai Nhái” Tùng Lâm khóc cho Tứ quái Sài Gòn

Sau giải phóng, Tùng Lâm là Phó đoàn ca múa Hậu Giang. Nếu như trước đây có một nghệ sĩ hài từng nổi tiếng qua một loạt tiểu phẩm mang tên “Tư Ếch” thì Tùng Lâm cũng muốn tạo ấn tượng với khán giả qua sê-ri tiểu phẩm mang tên “Hai Nhái” (Ếch-Nhái, mà!). Trong thập niên 1990, Tùng Lâm đã sáng tác và thực hiện các bộ phim video hài: Hai Nhái khoái thịt ngựa, Hai Nhái khoái vợ bé, Hai Nhái khoái rượu đế, Hai Nhái khoái số đề, Hai Nhái kén rể, Hai Nhái bắt cướp...

Nếu như trước đây Tùng Lâm từng đối mặt với cái chết qua những tình huống khi đóng phim thì nay ông lại từng ngày phải chống chọi với chứng cao huyết áp. Từ năm 2005 đến nay, ông đã 4 lần bị đột quỵ. Lần đầu (2005) khi ông lưu diễn ở Điện Bàn (Quảng Nam), phải đưa lên vùng biên giới Lao Bảo (Quảng Trị ) chạy chữa.

Lần thứ hai ông ngã xuống khi đang diễn ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ca sĩ Kim Tính gọi điện về Sài Gòn gặp bé Đoan Trang, bảo: “Nói mẹ dọn nhà để đưa ba về, chắc ba không qua khỏi!”. Lần đột quỵ thứ ba khi ông đang diễn ở Khu du lịch Tân Cảng (TP.HCM) vào dịp Noel 2006 và lần mới nhất là khi ông cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ lưu diễn (2007).

Ông bảo: “Nguyện vọng của tôi trước khi nhắm mắt là muốn được một lần diễn cho những người Việt xa xứ, bởi vì chuyến lưu diễn kể trên do tình trạng sức khỏe nên tôi chưa thể thỏa mãn được lòng mến mộ của bà con bên ấy. Nhưng nếu chết thì tôi muốn được chết ở quê hương Việt Nam, bởi vì trong thời gian ở Mỹ tôi có đến viếng mộ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, thấy ông ấy nằm đó cô đơn quá, lạc lõng quá. Tôi cũng đã đến thăm người bạn diễn thân thiết năm xưa: danh hài La Thoại Tân ở viện dưỡng lão. Khi trở về Việt Nam, đọc báo biết tin La Thoại Tân qua đời. Tội quá!  (khóc...). Tứ quái Sài Gòn: Khả Năng, Thanh Việt, La Thoại Tân chết hết rồi... Chị Túy Hoa, Phi Thoàn cũng “đi” rồi chỉ còn lại một “thằng quái” này (lại khóc...)”.

Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt phong sương của người nghệ sĩ 76 tuổi từng một thời “tung hoành ngang dọc” này.

Tết Kỷ Sửu 2009, Tùng Lâm và Thanh Hoài ra một video clip hài, có đoạn Tùng Lâm thắp nhang trước bàn thờ gia tiên khấn rằng: “Dạ thưa ba má, con tên là Nguyễn Văn Tâm nhưng tại con thấp quá nên bạn bè gọi con là Tâm Lùn. Con thấy tên Tâm Lùn nó... kỳ quá nên con đọc lái lại là... Tùng Lâm!”. Vậy, nhưng... không phải vậy! Tùng Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh năm 1934 tại Sài Gòn, quê gốc Biên Hòa (Đồng Nai).

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.