Thư Cali: Tứ bề thọ địch

21/02/2009 10:40 GMT+7

Tin từ thủ phủ Sacramento đang làm xao động dân chúng tiểu bang California và tất nhiên làm xôn xao nước Mỹ: từ ngày 18-2, có tới 20.000 nhân viên chính phủ bắt đầu nhận giấy bị sa thải vì tiểu bang này bế tắc tài chính. Cuộc sống của 900.000 “người Việt Cali” - theo cách gọi quen thuộc - cũng đang bị ảnh hưởng lớn sau tin không vui đó.

Nghị viện California trong đỉnh điểm căng thẳng phải làm việc quá giờ, và các ông bà nghị viên đã “mang theo bàn chải đánh răng để có thể nghỉ qua đêm!”. Cuối cùng, quốc hội California hôm 19-2 đã thông qua ngân sách 2009-2010. Phát ngôn viên của thống đốc Schwarzenegger - “người hùng cơ bắp” - cho biết không lựa chọn nào hơn khi phải giảm nhân viên tiểu bang và giảm việc làm hai ngày trong tháng với công chức. Lương của các công chức tiểu bang sẽ bị giảm từ tháng 6.

Trong gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì gần một nửa con số này là người Việt Cali. Kỹ sư thâm niên N.L. là một trong số đó. Ông L. tâm sự với Tuổi Trẻ: “Nền kinh tế xứ này có rất nhiều “bong bóng” chờ dịp vỡ nên bảo bất ngờ thì thật sự không. Nhưng về mức độ khủng hoảng, với kẻ “ngoại đạo” (về tiền) như tôi phải thú thật là khó lường. Đến nay cũng khó mà nói mình hiểu thấu”.

Trên toàn nước Mỹ, giá nhà tháng qua sụt thê thảm nhất từ 30 năm qua. Tại California, một tòa nhà hai năm trước giá 700.000 USD (ngoài khả năng mua của người có thu nhập trung bình), nay xuống còn 430.000 USD. Tiến sĩ Lê Nguyên - giám đốc một công ty máy tính ở Silicon Valley - nói với chúng tôi như vừa qua một tai nạn: “Bất ngờ không à? Bất ngờ chứ! Cực bất ngờ. Hai năm trước không ai tưởng tượng được. Cách đây ba năm người ta rủ mua nhà để đầu tư ở Las Vegas. May mà không mua! Bạn hữu nhiều tay mất trắng. Ai mua nhà đầu tư chừng dăm cái nay thường là sạt nghiệp!”.

Ngành tài chính California bị suy thoái nặng hơn mức độ chung của toàn quốc. California có tiềm năng kinh tế hàng thứ tám thế giới với tổng sản lượng 1.600 tỉ USD, đang bị giảm doanh thu do người mua phải cắt giảm chi tiêu. Kỹ sư N.L. ta thán: “Nhìn quanh rồi nhìn lại nhà mình, chỗ nào cũng thấy buồn. Mấy tháng nay các báo cáo tài chính của gia đình - chỉ là tiết kiệm và đầu tư cá nhân, cò con thôi - mình nhận được xong đều len lén đem cất. Lúc nào ấm ức lắm lại len lén liếc qua thì cứ như bị ai đó thụi vào mạng sườn. Đau lắm! Bạn bè gần như ai cũng có chuyện mất việc, chuyện thắt lưng buộc bụng, chuyện thật sự lo âu cho ngày tháng sắp tới... Với giới hưu trí, lần tổn thất này càng ghê gớm. Nhiều người nhìn công lao dành dụm của mình teo tóp đến kinh hoàng”.

Đã có những câu chuyện đau lòng với người Việt gặp khó khăn. Ông Vũ Đình Trọng - trong một ký sự trên mạng ngày 17-2 - đã mô tả rất cảm động chuyện một người phụ nữ Việt Cali vừa quyên sinh. Bảy năm trước vợ của anh Nguyễn Văn Đức và là mẹ của hai con phải nghỉ việc để chăm sóc đứa con trai bị bệnh. Thế rồi năm ngoái, anh Đức bị thất nghiệp.

Bài báo cho biết nhà anh Đức, như hàng ngàn gia đình VN khác tại Cali, tuy khổ cực song có thể xem là hạnh phúc. Thế rồi cơn lốc tiền nhà cứ tăng dần, trước chỉ 600 USD/tháng nay lên 1.100 USD! Anh chị Đức chỉ thuê nổi căn nhà một phòng ngủ tại một thị trấn ở Los Angeles. Người chồng kể với ký giả: “Khi con gái lớn, chúng tôi nhường cho cháu căn phòng ngủ đó, còn lại ngủ ở ngoài. Chúng tôi từ nghèo khổ đi lên, bà xã tôi cũng quen rồi nên sống được”.

Chưa kể khắp nước Mỹ, chỉ với người Việt Cali thôi, tuần nào cũng có dăm tin không vui về công việc, địa ốc, thị trường... Giám đốc Lê Nguyên nói thẳng: “Đành tiết kiệm thôi! Chi tiêu phải tính toán, không tùy hứng như trước!”. Với kỹ sư N.L. cũng vậy và nản hơn: “Không biết người khác thì sao, riêng gia đình tôi rất thụ động, mang tính phòng vệ, giảm tiêu dùng đến mức có thể. Làm gì tích cực hơn ư? Có lẽ phải bám theo tình thế”.

Theo Đỗ Ngọc Thuỷ / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.