Khoảnh khắc của Phan Bích Thiện

21/02/2009 10:37 GMT+7

Lời mời xã giao của cô sinh viên Phan Bích Thiện trước khi rời Nga về Hà Nội nghỉ phép đã mang lại kết thúc có hậu. Hay cũng có thể nói là một sự khởi đầu có hậu. Anh bạn người Hungary đã tranh thủ lời mời ấy sang thăm VN năm đó (1989), rồi quyết định tỏ tình với cô gái Hà Nội ngay bên bờ hồ Tây.

Nhắc lại chuyện cũ, tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện vẫn không khỏi bật cười khi nhớ lại một lần đưa người yêu vào thăm lăng Bác nhưng phải khai có đoàn khách Hungary bao gồm một khách, một phiên dịch mới xong thủ tục. Chồng chị là một trong 100 khách du lịch Hungary đầu tiên đến VN.

Giờ đây, chị được biết đến như một doanh nhân VN thành đạt ở Hungary, nhà thơ, mẹ của hai cô con gái, chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Hungary và là chủ khách sạn lâu đài Fried được báo chí Hungary nhắc tới nhiều.

Đi lên từ...buôn nước mắm

Với hàng loạt danh vị có được qua 40 năm, một cách giản dị Phan Bích Thiện nói những gì tạm coi là thành công của cuộc đời chị là nhờ chị luôn giữ chữ tín, chịu làm, kiên trì, lý trí và biết cách lưu giữ những khoảnh khắc cảm xúc trong mình. “Quan niệm mỗi người một khác về thành đạt. Nhìn lại thì tự mình không phải xấu hổ về những ngày đã sống” - chị tâm sự.

Mong làm cây cầu nối

Lần này về VN, ngoài chuyện văn thơ, chị lên lịch đủ 14 việc cho 14 ngày thăm nhà. Một trong số đó là xúc tiến một dự án du lịch (là một trong ba dự án của Hungary được Liên minh châu u thông qua). Chị cũng tranh thủ chuẩn bị cho những hoạt động kỷ niệm 60 năm quan hệ Hungary - Việt vào năm sau. Đã mang được một góc VN sang Hungary, nơi khách sạn của hai vợ chồng, giờ chị cũng muốn mang một góc Hungary sang VN. Vì sự biết ơn với cả hai quê hương, chị muốn làm cây cầu nối người dân ở hai đất nước gần gũi nhau hơn.
 
Báo chí Hungary thời gian qua không ít lần nhắc đến chị như doanh nhân VN đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp ở đây. Khách ngụ tại khách sạn Fried ở thành phố Simontornya ấn tượng bởi hơi thở VN được thổi vào tòa lâu đài cổ một cách sinh động và hòa hợp. Gần hết đồ gỗ nội thất của khách sạn, từ tay vịn cầu thang tới bàn ghế, đều do chị mang từ VN sang. Không chỉ thế, chị còn đưa vào thực đơn một số món VN đặc sắc như miến, nem…

“Là người nước ngoài có cái khó và dễ. Khó là làm sao mình hòa nhập với xã hội bản xứ, nhưng một lúc nào đó là dễ, đó là khi mình đã đạt được một vị trí nào đó. Lúc ấy mình được họ công nhận và tôn trọng” - chị Thiện đúc kết. Chị có quyền tự hào về công việc kinh doanh của mình, không chỉ bởi nó đã được cộng đồng địa phương công nhận và ngợi ca, mà còn giúp chị đưa hình ảnh quê hương đến gần gũi hơn với các bạn Hungary.

Nhưng ít ai biết chị cũng là người đầu tiên đưa các mặt hàng hoa quả khô của châu Á vào Nga. Thời điểm chị hoàn thành luận án tiến sĩ, nước Nga bắt đầu quá trình chuyển đổi và cho phép các cá nhân lập công ty riêng. Chồng chị - một người Hungary, khi đó ở lại Nga làm cho một tập đoàn điện tử lớn của Hungary là Videoton. Chị không ngồi một chỗ được và quyết định lập công ty riêng của mình, ban đầu để đưa nước mắm về bán cho cộng đồng người VN. Rồi chị nhập thêm bánh phở, đồ hộp và các loại thực phẩm châu Á khác mà lúc đó không hề có trên thị trường Nga.

Trái tim không được lạnh

 
Những lúc thất bại trên thương trường, cá tính dám nghĩ dám làm thôi thúc chị đi tiếp. “Tôi biết có nhiều người mong muốn điều này điều kia nhưng họ không đủ tự tin. Có thể sự tự tin không phải lúc nào cũng đúng nhưng phải thử. Và sự tự tin sẽ hỗ trợ mình rất nhiều” - chị chia sẻ. Mơ ước thơ ngây của cô bé Thiện rằng một ngày nào đó sẽ đỡ đần bố mẹ và có tập thơ riêng đã trở thành hiện thực hơn cả ước mơ nhờ sự tự tin và dám làm của chị. Về VN lần này, chị ra mắt tập thơ mới mang tên Khoảnh khắc.

 
Gia đình tiến sĩ Phan Bích Thiện (ảnh do nhân vật cung cấp)

Từng có lúc chị buồn và sợ vì không viết được. Chị sợ trái tim mình lạnh. Đó là thời gian chị bôn ba, trưởng thành trên thương trường khi vừa hết thời sinh viên. Rồi cảm xúc và ngòi bút trở lại khi cùng chồng về Hungary sinh sống, chị viết liên tục cho đến giờ. Cách chị làm thơ cũng không giống ai.

Chị kể những lúc lái xe thường gạt hết chuyện khác khỏi đầu và khi đó cảm hứng, tình cảm và ý thơ đến. Dừng xe chị viết ngay những gì đọng lại ra giấy, rồi ngay sau đó chuyển sự tập trung sang công việc khác. Chị nói đấy là cách nắm giữ khoảnh khắc cảm xúc của mình.

Chị làm thơ nhưng không xác định mình là nhà thơ, không phải dân chuyên nghiệp và cũng không có hoài bão gì về giá trị văn chương trong thơ mình làm. Nhưng thơ chị tìm được nhiều người đồng cảm vì như thể viết hộ họ về những cảm xúc họ đang mang.

Về cuộc sống gia đình, chị nói để có cuộc sống hạnh phúc đòi hỏi sự cố gắng rất lớn, nhất là khi hai vợ chồng thuộc hai nền văn hóa khác nhau. “Có những giây phút rất nản. Lúc mới về Hungary sống không biết tiếng, không tiếp xúc được nhiều, có những khi rất nản mà nhiều phút phải khóc thầm. Nhưng mình hiểu cuộc sống của mình là ở đó, buộc mình phải hòa nhập với hoàn cảnh. Mình phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải độc lập. Khi đó mình sẽ nhận được sự tôn trọng của phía bên kia”.

Chị nói rằng tuy nhiều người nhìn cuộc hôn nhân giữa một phụ nữ VN và một người đàn ông nước ngoài thấy hào nhoáng, nhưng đi vào cuộc sống gia đình còn có nhiều việc khác phải cố gắng. Chị nhận mình may mắn vì gặp người chồng yêu và hiểu mình, nhưng hạnh phúc có được cũng vì chị đã biết đặt mình vào vị trí của người khác để cho đi rồi được nhận lại.

Theo Hương Giang / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.