Xì-căng-đan tại Lầu Năm Góc: Sĩ quan Mỹ “vượt mặt” Madoff

21/02/2009 10:02 GMT+7

Hai quân nhân cao cấp của Mỹ đang bị điều tra về việc làm thất thoát nhiều tỉ USD dành cho tái thiết IraqChính quyền Mỹ đã bắt tay vào điều tra vai trò của các sĩ quan cao cấp trong vụ sử dụng sai 125 tỉ USD dùng để tái thiết Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ. Sự kiện đó có thể trở thành vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mất hơn 50 tỉ USD

Theo báo Anh The Independent, số tiền bị mất chính xác có thể không bao giờ được tiết lộ nhưng cơ quan Tổng Thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Iraq (SIGIR) cho rằng nó có thể vượt qua 50 tỉ USD, lớn hơn cả vụ lừa đảo của Bernard Madoff. Các kiểm toán viên làm việc cho SIGIR khám phá rằng 57,8 tỉ USD đã được gửi cho Robert J. Stein Jr, người kiểm soát vùng Trung Nam Iraq và đã tự chụp hình mình với núi tiền. Ông này nằm trong số ít quan chức Mỹ ở Iraq bị buộc tội gian lận và chuyển tiền vào ngân hàng để che giấu hành vi phạm tội.

Báo The New York Times (Mỹ) cho biết các thanh tra liên bang đã bắt đầu cuộc điều tra hành động của các sĩ quan cao cấp Mỹ trong chương trình tái thiết Iraq. Các hồ sơ tòa án tiết lộ rằng vào tháng 1-2009, các thanh tra đã đòi kiểm tra các giấy tờ ngân hàng của đại tá Anthony B. Bell, hiện đã về hưu, là người chịu trách nhiệm về việc tái thiết Iraq trong những năm 2003-2004. Đồng thời, các thanh tra cũng xem xét hành động của trung tá không quân Mỹ Ronald W. Hirtle, viên sĩ quan thầu khoán cao cấp ở Baghdad năm 2004. Hiện vẫn chưa rõ có chứng cứ đặc biệt nào chống lại hai sĩ quan trên trong khi cả hai đều nói họ không giấu giếm gì cả.

Trong cuộc điều tra mở rộng của các cơ quan chức năng liên bang, chứng cứ về doanh nhân Mỹ Dale C. Stoffel bị giết chết sau khi rời căn cứ Taiji ở phía Bắc Iraq năm 2004 đang được kiểm tra lại. Stoffel là một tay buôn vũ khí và nhà thầu, đã được miễn truy tố sau khi ông ta cung cấp thông tin rằng một mạng lưới buôn lậu – liên quan đến các công ty và các giới chức Mỹ trúng thầu – tồn tại ngay giữa Khu vực Xanh ở Baghdad do Mỹ quản lý. Ông này cho biết số tiền hối lộ hàng chục ngàn USD đựng trong những hộp bánh pizza thường xuyên được gửi đến cho các sĩ quan Mỹ.

Tham nhũng – chuyện thường

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, các nhà thầu chưa bao giờ khởi động hoặc kết thúc các công trình mà họ xây dựng. Khi thị trường chứng khoán ở Iraq sụt giảm từ mùa hè năm 2003, thật khó có thể kiểm tra xem một hợp đồng nào đó đã hoàn tất hay chưa.

Báo The Independent nhận định hầu hết các sĩ quan Mỹ đã bị khởi tố hoặc bị vạch trần đều có liên quan đến tham nhũng ở quy mô nhỏ. Những số tiền nhỏ đó không bao giờ được ghi lại. Cụ thể như một quân nhân Mỹ bị buộc tội tham nhũng ở Iraq đã sạch túi vì đánh bạc nhưng không thể truy tố ông ta bởi vì chẳng ai ghi lại số tiền đó là 20.000 hay 60.000 USD. Trong khi đó, các quan chức cao cấp Iraq cũng nghi ngờ rằng các giới chức Mỹ chắc hẳn đã đồng lõa hoặc sử dụng những người Iraq trong các thỏa thuận tham nhũng.

Chẳng có gì, ngoài sứ quán Mỹ

Dù chính quyền Mỹ đã chi những số tiền lớn dùng để tái thiết Iraq kể từ năm 2003, chỉ duy nhất công trình được xây dựng ở đây là sứ quán Mỹ. Một trong rất ít những dấu hiệu cho thấy người Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Baghdad là sự quan tâm không mệt mỏi đến việc trồng những cây cọ và hoa trên dải phân cách giữa các con đường chính. Vài tháng sau khi trồng, người ta lại... đào lên và trồng lại.

Theo Hoài Vy / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.