Chia tay Phương Thanh

20/02/2009 11:05 GMT+7

Sáng 19/2, rất đông nghệ sĩ và bạn bè đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội để tiễn đưa NSƯT Phương Thanh.

 “Một ngôi sao đã tắt”

Dòng lưu niệm của hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam Lê Anh Vân ghi như vậy - chỉ một câu. Bàng hoàng, đau xót là từ chung nhất của Những người đã gặp (tên một phim Phương Thanh đóng).

Ở đám tang một nghệ sĩ như Phương Thanh người ta có thể gặp các thế hệ diễn viên điện ảnh sân khấu. (Chồng chị - NSND Anh Dũng thành danh bên sân khấu).

Nhiều người đã lên lão: Quang Thái, Thanh Thủy, Lịch Du...v.v. Như Quỳnh ở tuổi trung niên khá đằm, còn diễn được lâu. Ngọc Thu vẫn gương mặt đượm buồn như ngày xuất sắc vào vai Út Tịch phim Mẹ vắng nhà. Hoàng Cúc, được tạp chí Điện ảnh TPHCM giật tít Mỹ nhân Hà Nội hồi đóng phim Hồi chuông màu da cam. Đồng Thu Hà vẫn xinh nhưng tất nhiên không thể như thời Lá ngọc cành vàng...

Có một gương mặt quen mà lạ, lãng tử của điện ảnh Sài Gòn cũ, tên tướng cướp trong Tội lỗi cuối cùng, thủ lĩnh người Tây Nguyên trong Ván bài lật ngửa ngày nào: Trần Quang. Sau bao năm định cư ở Mỹ anh trở về với những dự án điện ảnh mới, nay bay từ TPHCM ra viếng bạn diễn thân thiết. Không thấy Nguyễn Chánh Tín đồng nghiệp nam được Phương Thanh ca ngợi nhất trên tạp chí của Hội Điện ảnh thập kỷ 80: “Anh Chánh Tín đóng rất tốt”.

Đối với Cao Khương (phim Đến hẹn lại lên) sự đau xót nằm ở chỗ “nụ cười hồn hậu ấy sẽ không bao giờ được tái hiện nữa” (trên khuôn hình). Lê Chức: “Chuyến đò này quá sớm với Phương Thanh”.

Lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 mà đại diện là lớp trưởng Bùi Cường phát biểu: “Những điều mà Phương Thanh làm được (đóng ấn tượng quá trong Tội lỗi cuối cùng) ngày ấy khiến chúng tôi tự hào …”.

Thời hoàng kim

Đám tang nghệ sĩ thường có những khán giả lặng lẽ. Một khán giả không ký tên viết trong sổ tang: “Rất bàng hoàng xúc động trước tin “bút chì vót nhọn” đức tài duyên sắc vẹn toàn ra đi sớm và nhanh quá. Ngày ấy em là nữ sinh qua phố Hàng Bún nhà anh làm bao cây si trồng đứng”.

Tuổi 30 sau nhiều trắc trở, Phương Thanh kết hôn cùng Anh Dũng lúc bấy giờ cũng đang ở đỉnh cao của một diễn viên kịch nói.

Năm tôi đến ngôi nhà nhỏ của họ ven sông Hồng, Phương Thanh đã có con gái Phương Nhung mấy tuổi, ra dáng người an phận. Chị vẫn yêu nghề, chờ đợi vai lớn nhưng có vẻ không nhiều cơ hội và lựa chọn.

Năm 1980 Phương Thanh 24 tuổi, đi đến đâu cũng bị chỉ trỏ. Tại LHP Việt Nam lần thứ Năm, chị là gương mặt nổi, rạng rỡ vào loại nhất, nhận Bông sen Vàng diễn xuất vì Hiền cá sấu. Không may năm đó lại có Cánh đồng hoang và Mẹ vắng nhà! Thế là Tội lỗi cuối cùng đành nhận Bông sen Bạc. 

Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được chọn làm nơi giao lưu của nghệ sĩ- khán giả. Lũ oe con chúng tôi cứ đứng lặng ngắm các diễn viên đang thời hoàng kim. Phương Thanh mặc quần bò, dáng dong dỏng, mái tóc thề đơn giản, nhìn chung không chê vào đâu được.

Khi Lê Vân xuất hiện trong Tự thú trước bình minh, cũng là một cơn choáng của màn bạc. Mới giải phóng, những vùng đất và câu chuyện phía Nam rất thiêng với khán giả miền Bắc. Rồi các diễn viên miền Bắc lại vào vai, lồng tiếng người phương nam, cảm giác màn ảnh tràn đầy sức sống mới. Phương Thanh có bước khởi đầu sớm và thuận lợi từ vai Nha Trang trong Mưa rơi trên thành phố (1978) của đạo diễn Trần Phương, lấy bối cảnh phương nam.

Bây giờ ai treo ảnh diễn viên trong nhà, nhưng thời đó là thế. Tết đến treo ảnh lịch Phương Thanh, Thanh Hiền, Thu Hiền, Thanh Loan, Thúy An, Bích Liên, Thùy Liên... Hết năm rồi còn lưu lại dán khắp đầu giường góc tủ.

Nghe kể lần đầu ra Hà Nội, đi ăn phở, Thương Tín tỏ ra bất ngờ vì không ai vồ vập anh. Ở trong kia ra đường anh chẳng bao giờ được yên một khi đóng Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn... Kiểu hâm mộ của khán giả miền Bắc khác miền Nam- trầm hơn dù không kém nhiệt thành.

 
Với con gái Phương Nhung. Ảnh tư liệu gia đình

Đại hội Điện ảnh năm 1995 vẫn còn kha khá gương mặt sáng hai miền. Riêng lớp diễn viên khóa 2, một số trông vẫn xuân sắc nhưng nhiều người “mười phần xuân có gầy ba bốn phần” dù chưa tới tuổi 40.

Có đạo diễn nói như mắng Phương Thanh, mắng vài người nữa: “Sao các bà dễ bằng lòng thế. Ngày xưa rực rỡ mà bây giờ thế này- béo, lôi thôi. Ngoài chồng con ra không còn biết trời trăng gì nữa. Nhìn Hà Xuyên mà xem”.

Hà Xuyên (Xa và Gần, Biệt động Sài Gòn...) hơn Phương Thanh mấy tuổi, không cao ráo bằng nhưng bắt gặp chị ở góc nào của đại hội cũng thấy nuột, ăn vận trẻ trung đẹp đẽ, tự tin- tóm lại, phong độ.

Chiều 13/2/2009 tôi hỏi đạo diễn Trần Phương: “Phương Thanh ngừng có vai lớn quá sớm là tại thiếu kịch bản hay tại chị?” Ông Phương nói: “Cả hai”. Và tỏ ra băn khoăn vì người thời thanh niên sôi nổi là thế mà sau trở nên “mộc mạc đến lạ lùng”.

Lần gặp chị và Minh Châu cách nay một năm ở quán cà phê phố Trần Quốc Toản, thấy có vẻ chỉ niềm say mê nghề nghiệp là còn lấp lánh. Nói như Thanh Quý là yêu nghề đến điên lên được. Giơ máy ảnh lên chụp, tôi ghẹo “em sẽ chú thích là, hãy xem thời gian đã làm gì người đàn bà này, nhé”, chị cười hiền lành.

NSƯT Thu Hà kể năm ngoái gia đình chị có chuyến du lịch châu u cùng gia đình Phương Thanh- Anh Dũng, thấy chị là người phụ nữ quá hiền lành nhường nhịn.

Hương quắm (NSƯT Lan Hương) hôm được tin Phương Thanh ra đi, tu tu khóc: Đã bảo họp lớp sớm đi còn thỉnh thoảng được nhìn thấy nhau. (Chị em Lan Hương- Bích Ngọc cùng lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 với Phương Thanh).

Minh Châu thì như không còn nước mắt...

Một trong 11 nghệ sĩ có tên trong Bách khoa Toàn thư Điện ảnh Liên xô

1. Ngọc Quỳnh (SN 1930, đạo diễn- biên kịch)
2 Ngô Mạnh Lân (1934)
3. Thanh Tú (1946)
4. Phương Thanh (1956)
5. Hải Ninh (1931)
6.Trà Giang (1942)
7. Trần Vũ (đạo diễn, 1925)
8. Bạch Diệp (nữ đạo diễn, 1939)
9. Bùi Đình Hạc (đạo diễn 1934)
10. Lâm Tới (1940)
11. Nguyễn Hồng Sến (đạo diễn, 1934)

Tuyết Lan

Theo Dương Phương Vinh / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.