19 tuổi và bước chân vào FIT

14/02/2009 11:42 GMT+7

FIT - học viện thời trang danh tiếng nhất nước Mỹ, nơi từng sản sinh ra các nhân vật “đình đám” như Calvin Klein, Nina Gacia (giám đốc thời trang của tạp chí Elle), Kappa… - lâu nay đã trở thành giảng đường mơ ước của tất cả sinh viên giới nghệ thuật trên toàn thế giới. Và lần đầu tiên ngôi trường ấy đón nhận một sinh viên Việt Nam tên Vũ Khắc Trung.

Đánh cược

Cao 1,62m, “bé tẹo” cả về vóc dáng lẫn gương mặt. Nếu khoác áo pull quần jean vào thì Vũ Khắc Trung càng chẳng khác gì cậu học sinh cấp II. Thế nhưng tương phản với bề ngoài “khiêm tốn” ấy, nghị lực của cậu đủ lớn để khiến ai biết đến đều trầm trồ.

Trước khi qua Mỹ, Khắc Trung từng là một học sinh giỏi toàn diện ở lớp chuyên Anh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Thế nhưng sâu thẳm trong lòng cậu học trò là giấc mơ thiết kế thời trang sau lần cậu xem một chương trình trên truyền hình khi 12 tuổi.

Đến khi phải quyết định chọn lựa ngôi trường đại học thì Khắc Trung chỉ cầm duy nhất một bộ hồ sơ nộp vào Trường FIT ở New York trên tay. Bạn bè phán thẳng: “Điên!”, còn gia đình thì không những rất lo lắng mà còn cả sự giận dữ...

Để dẹp bỏ những rào cản, Trung liều mình đăng ký tham dự cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix 2007 (VNCGP) dù ngày thi tốt nghiệp đến gần. Dẫu áp lực là thế, Trung vẫn tốt nghiệp cấp THPT loại giỏi, đồng thời lọt luôn vào top 25 của cuộc thi VNCGP. Giải Màu sắc của năm (nếu không kể giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất) giành được tại Hà Nội là cách cậu chứng minh với người thân và bạn bè về sự chọn lựa của đời mình.

Và cậu tự tin bước lên máy bay sang Mỹ tham gia cuộc thi tuyển sinh vào Trường FIT. Vốn tiếng Anh còn hạn chế và phần kiến thức thời trang của Trung chưa đủ tham gia thử thách lớn đó.

“Chúng tôi rất tiếc!”, đó là những dòng chữ lạnh lùng hơn bao giờ hết mà Trung nhận được trong thông báo kết quả chỉ vài ngày sau buổi phỏng vấn. Lần đầu tiên chàng trai nhỏ biết được cảm giác mất thăng bằng trong cuộc sống là như thế nào.

“Hụt hẫng và cô đơn lắm!”, Trung nhớ như in khi nói về những lúc lang thang ở New York mà bước chân trĩu nặng vì không có ai chia sẻ. Tiền trong túi còn rất ít nhưng Trung lại không đủ can đảm điện thoại về xin thêm vì sợ mọi người biết được sự thật.

Thế nhưng sau vài tuần để lòng “trôi” bồng bềnh vô định, Trung đã đứng dậy.

Còn niềm tin

Trung bắt đầu xem lại hết những khuyết điểm của mình. Xác định được điểm mấu chốt là vốn tiếng Anh chưa đủ giỏi và kiến thức về thời trang vẫn còn rất giới hạn, cậu đăng ký vào học lớp tiếng Anh của ĐH New York cũng như đọc ngấu nghiến các ấn phẩm thời trang chuyên ngành của thế giới cả ngày lẫn đêm. Tiền mang theo sắp cạn kiệt nhưng cậu cương quyết chọn cách sống dè sẻn, hạn chế đi làm thêm để việc học không bị ảnh hưởng. Khác với lần thi VNCGP với suy nghĩ  “không có gì để mất”, cậu biết lần này nếu thất bại sẽ mất tất cả.

Sau ba tháng miệt mài học tập, điểm TOEFL của Trung đã nhảy vọt từ 62 lên 96/120, đồng thời nhờ quá trình đi thực tế ngay tại New York mà cậu cũng phần nào nhận rõ những tính cách khác nhau giữa các dòng thời trang ở các châu lục. Cậu tiếp tục nộp hồ sơ vào Trường FIT và ra khẩu hiệu cho chính bản thân: “Hoặc vào FIT, hoặc sẽ phải trở về!”.

Và lần này sự nỗ lực đã có kết quả xứng đáng!

“Thật ra em không rõ trường có bao nhiêu sinh viên Mỹ gốc Việt đang theo học, nhưng thông qua bộ phận tuyển sinh lúc thông báo trúng tuyển, em rất bất ngờ khi được biết mình là trường hợp duy nhất tốt nghiệp trung học tại VN mà được vào thẳng chương trình chính khóa của trường từ trước tới nay. Nhưng dẫu sao điều đó không làm em vui bằng việc đã thành công nhờ biết giữ vững đam mê của bản thân” - cậu bẽn lẽn khoe.

Mơ ước hiện tại của cậu chỉ đơn giản là mỗi năm sẽ để dành đủ tiền về nước, còn trong tương lai hi vọng tạo dựng được một nhãn hiệu thời trang cho riêng mình.

Theo Công Nhật / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.