Gian nan đời nữ công nhân

11/02/2009 10:44 GMT+7

(TNO) Trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Nhiều công ty 100% vốn nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã và đang đứng trước quyết định sa thải hàng trăm lao động...

Lặng lẽ về quê

Nữ công nhân P.Th đã hết sức bàng hoàng khi nhận được quyết định thôi việc của Công ty TNHH Sơn Việt (100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất găng tay cao su tại khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) hôm 31.12.2008. Khi đó chị đang mang thai gần 6 tháng. Chị nhớ lại: “Sắp đến Tết, tôi đang nghĩ về tháng lương 13 và số tiền thưởng Tết để chuẩn bị mua sắm chút ít cho gia đình, bỗng nghe thông báo phải ngừng việc dài hạn. Vậy là đành phải chia tay với một việc làm ổn định – nguồn thu nhập chính để có thể lo cho đứa con tương lai”.

Không thể cùng chồng tiếp tục bươn chải nơi thành thị, cũng không thể chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của anh ấy, khi mà chỉ còn mấy tháng đứa bé sẽ chào đời. Không còn cách nào khác, sau một tuần đắn đo suy nghĩ và cân nhắc, vợ chồng chị quyết định khăn gói về Hà Tĩnh ăn Tết và sẽ cùng tìm công việc khác ở quê nhà.

Chị H.L, làm việc ở công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam (FAPV, có nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi ở KCX Tân Thuận) cũng lúng túng và bối rối không kém. Vốn tính an phận, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ bị mất một công việc ổn định như vậy, mặc dù chỉ với đồng lương ít ỏi không đủ trang trải mọi chi phí nơi thành thị, chị đã đồng ý trở về quê sinh sống khi chính thức chấm dứt công việc, sau khi nghe lời khuyên của gia đình. “Mẹ vừa gọi điện kêu về, ở quê đang thiếu công làm việc đồng áng, mẹ tính tìm người thuê. Tôi quyết định về quê phụ giúp gia đình để đỡ tốn tiền thuê người”, chị tâm sự.

 
 Công viên - nơi nhiều công nhân đến thư giãn sau giờ làm việc

 Khó khăn vẫn không lùi bước

Chị C.T.T, sinh năm 1987, công nhân ở công ty FAPV cũng sẽ phải chính thức thôi việc đúng vào ngày Lễ tình nhân 14.2, khi hết hợp đồng, sau khi đã làm việc tại công ty từ tháng 2.2007. Chị T. cho biết, ban đầu công ty có gần 10.000 công nhân, nhưng hiện nay chỉ còn lại không quá 5.000 người, vì đã có nhiều đợt sa thải công nhân từ năm 2008, đợt gần đây nhất là 2 tháng trước Tết Kỷ Sửu, khiến hơn 1.000 công nhân mất việc. Chỉ những công nhân chưa hết hợp đồng và ký hợp đồng dài hạn còn có thể trụ lại làm việc tại công ty.

Là con út trong gia đình có 6 anh em, quê ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, T. lên thành phố được 2 năm đúng với thời gian làm việc tại công ty. Với thu nhập 1,2 - 1,7 triệu đồng/tháng, T. vừa tự bươn chải vừa chắt chiu gửi về cho gia đình mỗi tháng khoảng 2-5 trăm ngàn đồng. Khi mới nghe tin sắp phải thôi việc, T. rất bất ngờ và hụt hẫng. Nhưng sau đó, chị quyết tâm làm lại từ đầu, nhất định “không quay lại vị trí ban đầu”. Cho dù chỉ mới dự định làm một công việc tạm bợ là “phục vụ ở nhà hàng”, nhưng chị vẫn thể hiện quyết tâm cao khi được lao động để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Còn chị N.P - làm việc ở Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận), chuyên sản xuất các sản phẩm môtơ, trục điều khiển hộp số tự động - thì đã bị “sốc” thật sự khi biết mình sắp mất việc làm khi hết thời hạn hợp đồng 1 năm trong tháng 2 này. Sau khi trấn tĩnh lại, nhận thức được trình độ học vấn hạn chế của mình, chị P. cũng nuôi quyết tâm "trụ" lại thành phố. Ban ngày chị đi học thêm tiếng Hàn, chiều tối phụ việc cho quán cà phê để trang trải tiền học phí và nhà trọ. Chị hy vọng sẽ sớm tìm được một công việc mới với mức lương đủ sống. Nhưng để có thể trang trải cuộc sống, trước mắt có lẽ chị sẽ làm giúp việc nhà cho một số gia đình Hàn Quốc sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

***

Mong sao, dù về lại quê hương hay tiếp tục bươn chải nơi thị thành, họ - những người nữ công nhân tảo tần bằng sức lao động của mình - sẽ đạt được ước vọng: có việc làm ổn định!

Bài, ảnh: Thúy Huỳnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.