Thả nổi thịt chó

11/02/2009 09:06 GMT+7

Hàng nghìn cơ sở giết mổ, kinh doanh ăn uống thịt chó nhưng do thịt chó không có mặt trong danh mục quản lý gia cầm được giết mổ nên việc kiểm dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng thú y.

Đó là thực tế đang diễn ra tại TPHCM được đoàn giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Hội đồng Nhân dân TPHCM mổ xẻ sáng qua, 10/2.

Thống kê chưa đầy đủ, TPHCM có khoảng 1.200 quán thịt chó nằm khắp các quận huyện, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 1.500 con. Tuy nhiên, nguồn gốc chó như thế nào, việc vệ sinh ra sao, tất cả đều bó tay.

Lý do duy nhất theo bà Trương Thị Kim Châu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM là chưa có cơ sở pháp lý nào để hướng dẫn, kiểm tra, xử lý riêng loại thực phẩm này.

Tại các quán thịt chó và lò giết mổ, ngày ngày đội quân săn bắt chó vẫn tập kết chó về đều. Theo các lái chó, săn bắt chó không từ một loại nào. Chó bệnh, ghẻ lở, ăn bả hay bị ngâm nước… đều được mua hết để phục vụ thực khách.

Khi chúng tôi vào khu vực chợ chó ở đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình tìm hiểu giá cả, nhiều chủ cửa hàng mua bán nguyên con cho biết, chó sống được mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg, chó chết bán theo xác với giá từ 50.000 – 150.000 đồng/con tùy trọng lượng, chó đánh bả hay ngâm nước giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Một lái chó cho biết, anh chưa bao giờ dám đụng đến thịt chó vì nếu lỡ gặp chó đánh bả, chỉ có chuốc vạ vào thân.

Tuy nhiên, các thực khách mê món nhậu này vẫn ăn ngon lành mà không biết, chó sau khi bị đánh bả, nhiều chủ quán tút lại, nướng lên nên không thể nhận biết được.

Nguồn gốc thịt chó không rõ ràng

Bất lực

Theo bác sĩ Phạm Kim Bình- Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, mới đây sau khi đi kiểm tra nhà hàng thịt chó Củ Riềng, ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình- cửa hàng lớn nhất TPHCM phát hiện các mẫu thịt chó và rau sống ở đây nhiễm vi sinh.

Trước thực tế tình trạng thịt chó không được kiểm dịch như các loại gia cầm khác, bà Trương Thị Kim Châu cho biết:

“Không biết bao lần Chi cục Thú y TPHCM gửi kiến nghị lên Cục Thú y về việc bất cập trong quản lý giết mổ thịt chó nhưng mọi chuyện vẫn không được phản hồi”.

Khảo sát sáng 10/2 tại quận Tân Bình, cán bộ thú y quận cho biết quận có hơn 60 cơ sở giết mổ, chế biến và kinh doanh sản phẩm thịt chó nhưng tất cả không được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Riêng nguồn gốc và số lượng thịt chó tiêu thụ, không ai biết được từ đâu?!

Ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Thịt chó chưa có cơ sở pháp lý để cơ sở giết mổ có giấy kiểm dịch, vì vậy, Sở Y tế chỉ đi kiểm tra về vệ sinh thực phẩm.

“Thịt chó không được kiểm duyệt từ nguồn gốc nên Sở Y tế khi tiến hành kiểm tra chỉ biết được phần ngọn”- Ông Giang nói.

Ông Giang  cho biết sẽ đề xuất hướng kiểm tra, quy trình cấp giấy, kiểm soát giết mổ lên UBND TPHCM sớm nhất.

* Bức xúc với tình trạng bỏ ngỏ quản lý về thịt chó, ông Nguyễn Văn Minh – Phó Ban Văn hóa xã hội - HĐND TPHCM cho rằng: “Đây là một thực tế khó chấp nhận”. Theo ông Minh khi không kiểm dịch được nguồn gốc thịt chó cũng có nghĩa là không cấp được giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm, vì vậy tất cả quán thịt chó, cơ sở giết mổ phải đóng cửa.

* “Trong khi các sản phẩm khác được kiểm dịch thì đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về quy trình, thủ tục kiểm dịch thịt chó. Vì thế, cơ quan thú y không biết phải kiểm dịch theo tiêu chuẩn nào, cấp giấy chứng nhận ra sao, dẫn đến tình trạng chẳng có cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh chó nào có giấy kiểm dịch và đảm bảo an toàn”- bà Trương Thị Kim Châu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết.

Theo Lê Nguyễn / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.