Quan hệ Mỹ - Iran khó hạ nhiệt

08/02/2009 23:49 GMT+7

Không khí căng thẳng kinh niên trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ khó hạ nhiệt theo như những thông điệp mà Nhà Trắng mới đưa ra.

Trước khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã đề cập đến khả năng đối thoại với giới lãnh đạo Iran. Ý kiến này đã bị nhiều chính trị gia ở Mỹ cười nhạo nhưng ông Obama vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Lập trường của ông Obama đã làm lóe lên hy vọng rằng không khí căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ được giải tỏa dần dần theo một cách thức nào đó. Tuy nhiên, khả năng này đang ngày một nhạt đi theo sau những tín hiệu từ Nhà Trắng.

Hãng tin AP hôm qua dẫn lời Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức cho hay Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách gây áp lực và cô lập Iran nếu quốc gia Tây Nam Á không nhượng bộ. Có thể thấy thông điệp này của ông Biden nhằm vào lập trường của Iran trong vấn đề hạt nhân. Lâu nay, Tehran vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân mà họ tuyên bố là vì mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, Mỹ và nhiều nước phương Tây khác lại lo ngại rằng chương trình hạt nhân của Iran sẽ dẫn tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ lo ngại này, phương Tây đã gia tăng áp lực buộc Iran ngưng chương trình hạt nhân. Nhiều hình thức trừng phạt nhằm vào Iran đã được phương Tây áp dụng. Đáp lại, phía Iran tuyên bố sẽ không ngưng chương trình hạt nhân mà họ nói là hoàn toàn vì mục đích dân sự nói trên. Mâu thuẫn này chính là một trong những yếu tố khiến mối quan hệ giữa Iran và Mỹ căng như dây đàn kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo thay đổi chế độ ở quốc gia Tây Nam Á cũng như sự kiện khủng hoảng bắt cóc con tin Mỹ hồi năm 1979.

Nếu như phát biểu của ông Biden cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Iran thì phản ứng của phía Iran cũng cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia này sẽ khó mà dịu đi trong triều đại Obama. Trong ngày ông Biden phát biểu tại hội nghị Munich, Phát ngôn viên nghị viện Iran, ông Ali Larijani, đã vắng mặt. Ở một thời điểm khác, theo trích dẫn của báo chí, ông Larijani nói rằng Mỹ nên thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề từ một trận đấu quyền Anh sang một ván cờ, tức là theo phía Iran thì Mỹ không nên tiếp tục chính sách cứng rắn. Những lập trường đối nghịch này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Iran sẽ khó mà hạ nhiệt theo sau sự thay đổi bộ máy lãnh đạo ở Washington.

Nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy mối quan hệ Iran – phương Tây sẽ tiếp tục căng thẳng. Theo AP, sau một cuộc họp mới đây với các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Iran có thể đối mặt với những hình thức cấm vận nặng nề hơn từ LHQ nếu bỏ qua những đề nghị từ Mỹ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng kêu gọi Nga hãy cùng các nước phương Tây theo đuổi những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn của LHQ đối với Iran trong trường hợp cần thiết. Ngoại trưởng Anh David Miliband cũng nói rằng Mỹ sẽ khó mà thay đổi trong các đề nghị với Iran. Có thể thấy rằng một trong những chủ đề nóng bỏng của thế giới trong suốt 8 năm ông George W.Bush cầm quyền tại Mỹ sẽ tiếp tục là bài toán nan giải trong triều đại của Obama.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.