Nhật Bản chuẩn bị gửi tàu chiến đến Somalia

28/01/2009 18:13 GMT+7

(TNO) Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada hôm qua (27.1) đã ra lệnh cho hải quân chuẩn bị gửi tàu chiến đến châu Phi tham gia cuộc chiến chống hải tặc ngoài khơi Somalia với lực lượng quốc tế tại đây. >> Nhật xem xét đưa tàu chiến chống cướp biển đến Somalia

Theo hãng tin AP, bộ trưởng Hamada không nói rõ sẽ chỉ định bao nhiêu tàu chiến cho sứ mệnh lần này hoặc tiết lộ thời gian điều động mà chỉ cho biết đây là biện pháp tạm thời cho đến khi nào quốc hội nước này thông qua luật chính thức mở đường cho chiến dịch quốc tế.

“Tình trạng cướp biển lộng hành ngoài khơi Somalia là mối đe dọa lớn không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với cộng đồng quốc tế và đây là một vấn đề chúng ta cần phải đối phó ngay tức thời”, ông Hamada nói. Ông đã yêu cầu chính phủ nghiên cứu qui mô lực lượng cần điều động và báo cáo số quân cần thiết.

Nhật Bản đã quyết định sẽ tham gia vào cuộc chiến chống hải tặc tại một trong những vùng biển nguy hiểm nhất thế giới sau khi HĐBA LHQ ra tuyên bố kéo dài thêm một năm nữa đối với nghị quyết cho phép lực lượng các nước có quyền tiến vào hải phận của Somalia, với điều kiện thông báo trước, và sử dụng “mọi biện pháp có thể” để ngăn chặn hành động cướp bóc ngày càng lan rộng tại khu vực trên.

Cướp biển đã gia tăng cường độ và phạm vi hoạt động tại vùng Vịnh Aden, một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất trên toàn cầu. Ước tính bọn cướp biển bỏ túi khoảng 30 triệu USD tiền chuộc trong năm ngoái, khống chế hơn 40 tàu di chuyển qua lãnh hải kéo dài suốt 3.000km bờ biển của Somalia.

Hiện chưa có tàu Nhật Bản nào rơi vào tay bọn cướp biển, nhưng chúng đã nã súng vào 3 tàu của nước này. Mệnh lệnh của Bộ trưởng Hamada được đưa ra theo sau cuộc tranh luận kéo dài vài tháng qua tại quốc hội Nhật Bản.

Hoạt động quân sự của nước này bị hạn chế rất nhiều theo như qui định của hiến pháp sau thế chiến thứ 2, vốn giới hạn ở mức phòng vệ.

Các nghị sĩ đảng cầm quyền tranh luận rằng việc chống hải tặc không phải là hoạt động quân sự mà chỉ là cuộc chiến chống tội ác trên mặt biển.

Hiện có ít nhất 12 tàu chiến đang canh gác tại vùng biển nguy hiểm trên. Các nước bao gồm Anh, Iran, Mỹ, Pháp, Đức đã có lực lượng hải quân tại đây hoặc đang trên đường đến. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã gửi tàu chiến đến đây để bảo vệ thương thuyền của họ.

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.