Nhiếp ảnh Việt Nam: Làm mới tư duy

24/01/2009 11:58 GMT+7

Công nghệ ảnh số năm qua thật sự là một cuộc "chạy đua vũ trang" của các hãng lớn. Và dân chụp ảnh, chơi ảnh ở ta cũng không còn quá xa lạ với "vũ khí" hàng khủng nữa.

Không thể kêu ca về kỹ thuật, phần còn lại và quyết định nhất từ muôn đời nay vẫn thế: Cái đầu!

Dân ta "chịu chơi"!

Vài năm gần đây, các hãng máy ảnh đua nhau tung ra hàng loạt máy móc tối tân làm "đau đầu" dân chơi ảnh. "Tiền nào của nấy"- trong lĩnh vực máy ảnh là chính xác nhất.

Biết dân chơi ảnh háo hức số triệu điểm ảnh (hay gọi là "chấm"), các hãng tập trung vào mở rộng số pixel, thành thử nhiều máy lên tới 21 "chấm". Dòng máy Pro (chuyên nghiệp) sẽ cho chất lượng ảnh cao hơn hẳn nhưng mắt bạn phải tinh và ảnh phải phóng to.

Nếu như trước đây, dân ảnh VN còn tràn đầy mặc cảm tự ti trước những chiếc máy "khủng", ống kính "khủng" của dân Tây thì nay không hiếm những cô cậu trẻ măng độ tuổi 8X, 9X đã xài những món hàng xa xỉ. Nói chung một tay chơi ảnh ngon lành hay một phóng viên ảnh thứ thiệt, đồ nghề phải từ 15-20.000USD.

Thế giới ảnh trên mạng phân ra dòng Nikonian (những tay xài máy Nikon) và Canonian (xài máy Canon), trong đó dòng Canon đang tạm thắng thế. Nhiều tay bán thốc bán tháo cả bộ đồ nghề Nikon để chuyển sang Canon vì nhiều ưu thế: Pin "chiến" hơn, lâu phải nạp, lấy nét nhanh hơn, màu sắc có vẻ trung thực hơn...

"Chạy đua vũ trang" máy ảnh đang trở nên mode nhất là với dân kinh doanh ngày càng coi ảnh như một thú chơi sang trọng, xả "xì trét" tốt.

Máy móc tân kỳ đã làm hộ con người quá nhiều, phần kỹ thuật nhiếp ảnh còn lại thì giờ đây bạn khỏi cần biết tiếng Anh, chỉ cần vào các mạng, các diễn đàn nhiếp ảnh là tha hồ học hỏi, đủ các thể loại: Từ chân dung, phong cảnh, Macro, thời trang, báo chí... cho đến ảnh nude.

Sự phát triển vũ bão của công nghệ làm ai cũng có thể chụp ảnh, chơi ảnh và với một điều rất đơn giản: Chụp kiểu gì cũng có hình, nhiều tay máy ngộ nhận ở "tài năng" và tâm hồn nghệ sĩ của mình. Dẫu sao, dân chơi ảnh ngày càng đông lên kinh hoàng và nhiều bức ảnh họ chụp làm dân nghệ sĩ có dán mác nhãn không khỏi giật mình!

Giải quốc tế: Không còn quá mặn mà!

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh hạng E.FIAP (Nghệ sĩ xuất sắc của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế) - phóng viên một tờ báo lớn - than thở với tôi: Giải FIAP ngày càng mất thiêng. Và chính anh đã lâu không tham gia thi FIAP nữa. 

Vì một lẽ đơn giản. Dần dà người ta ngày càng nhận ra giá trị thực của FIAP - một tổ chức nhiếp ảnh quốc tế có tính nghiệp dư, coi nhiếp ảnh như một thú chơi vui để giúp con người hiểu biết nhau hơn. Các cuộc thi ảnh FIAP, VN ngày càng thắng giải, mà quanh đi quẩn lại vẫn là đồi cát, ông bà già dân tộc bế con, địu con, cảnh làm đồng, ruộng bậc thang... Vẫn cũ mòn một lối nhìn, một lối tư duy nhìn vào Ban giám khảo chấm giải  mà không muốn nhìn thẳng vào "bản lai diện mục" của mình. Nghệ thuật phải không ngừng sáng tạo, và hãy dũng cảm chỉ chụp những gì lòng mình cảm xúc.

Do đó, năm qua, số nghệ sĩ VN tham gia các cuộc thi FIAP và giành giải không phải là ít nhưng các phương tiện truyền thông không quá mặn mà như mấy năm trước. Đó là chưa kể nhiều nghệ sĩ kêu: Hao tiền quá khi thi FIAP.

Trong một buổi chiều mùa đông cuối năm 2008, một NSNA từng đoạt hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế đã kể với tôi về tình trạng "xuống dốc" của một số tay máy phía Nam mà giật mình. Trước đây họ đều khá giả, có studio riêng, là thợ chụp đám cưới dạng "vơđét" thì nay sau nhiều năm lao vào thi FIAP, tài chính hao hụt quá nhanh, phải bán cả tiệm, đi làm thuê nơi khác, nhặt "bạc cắc" để sống.

Có người ngày trước đám cưới xua đi chả hết thì nay không thể cạnh tranh nổi với lớp trẻ năng động hơn, vừa chụp hình vừa bao luôn các công đoạn: Cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu....

Thi cử dẫu sao chỉ là một dòng - tuyệt không phải là dòng chủ lưu của nghệ thuật.

Giải trong nước: Luôn thiếu đỉnh cao

Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc hai năm một lần trong bối cảnh được chờ đợi ở cách thẩm định nghệ thuật mới, tìm ra những tác phẩm giàu sáng tạo đích thực. Tiếc thay, nhiều năm rồi chúng ta vẫn tự bằng lòng với cụm từ "chưa có đỉnh cao". Chưa có thật hay có mà ban giám khảo không phát hiện ra?

Có lẽ nên đổi mới thành phần giám khảo, trẻ hoá, lựa chọn những nhân vật luôn cập nhật (update) các trào lưu, xu hướng nhiếp ảnh thế giới? Tránh để chủ đề "Vẻ đẹp VN đất nước con người", "tự do" cứ lặp lại mãi, sẽ làm nhàm chán ngay cả thí sinh dự thi. Mà nên phân ra nhiều chủ đề, nhiều thể loại, có như thế mới không tự giới hạn và làm khó chính mình. Trong đó, nên có ngay các cuộc thi thể loại ảnh báo chí, vì nhiếp ảnh ngày càng chứng tỏ khả năng đa dạng và sức mạnh của nó.

Các cuộc thi khác ngoài cuộc thi ảnh toàn quốc vẫn như nấm sau mưa, vẫn có nhiều giải thưởng được trao với giá trị tiền mặt không ít nhưng giá trị thực đọng lại là gì? Ông Vũ Huyến - Phó Chủ tịch thường trực Hội NSNAVN - nhiều lần nói thẳng ra khỏi phòng triển lãm là không đọng lại dư vị nào!

Gaby Sommer - một biên tập ảnh người Đức, giảng viên khoá học IMMF -  từng nói với chúng tôi: "Một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp phải biết chính xác công việc mình làm và hiệu quả của nó, anh ta không nên chỉ biết bấm máy và chờ đợi may mắn!".

Theo Việt Dũng / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.