Nhà mới ở Xóm không chồng

20/01/2009 23:05 GMT+7

126 hộ gia đình là 126 cảnh đời với những sắc thái khác nhau ở Xóm không chồng (phường Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nhưng năm nay, tất cả họ đều có một điểm chung: lần đầu tiên đón Tết trong nhà mới.

Dù trước đó đã được tá túc trong căn nhà rộng rãi, thoáng đãng do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng xây dựng tại phường Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) được 8 tháng trời, song chị Nguyễn Thị Kim Yến vẫn nao nao vui sướng khi được nhận nhà mới. Chị nhớ lại lúc còn ở tổ 23, phường Bình Thuận (quận Hải Châu) trong căn phòng ọp ẹp chưa đầy 6m2 mà hai mẹ con chị thuê: “Đêm nằm ôm con, tui cứ ao ước về một nơi ngả lưng yên tĩnh, không có tiếng chủ nhà lúc nào cũng kêu tăng giá, đòi đuổi khỏi nhà”. “Buôn bán dưa hành, ngày hai bữa đạp xe loanh quanh thành phố bán dạo. Tiền kiếm không đủ nuôi con, thì làm gì có dư để tích cóp mà mua nhà?” – bà Lê Thị Diệu Liên, hàng xóm với chị Yến góp chuyện - “Như tui nè, ba mẹ con thuê nhà ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) ở riết. Hai đứa con đã lớn, nhưng cái nghề giúp việc bữa đực, bữa cái thì lấy đâu ra tiền. Cuối năm, giáp Tết là lúc lo nhất. Nhiều khi thấy con mình... mà ứa nước mắt. Nhưng biết làm sao được, phận góa bụa nuôi con, làm sao tránh cảnh thiếu trước hụt sau”.

126 ngôi nhà ở Xóm không chồng do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng xây dựng, bố trí cho các chị đơn thân, nuôi con thuê. Hằng tháng, mỗi gia đình phải trả 100.000 đồng/căn có diện tích 67m2.

126 hộ gia đình ở khu nhà liền kề tại phường Hòa Minh mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng đều giống nhau là đơn thân nuôi con và... nghèo! Mới đây, UBND phường Hòa Minh đã xuất gạo hỗ trợ cho xóm, giúp các gia đình vui Tết Kỷ Sửu. Mỗi nhà ít nhất 15 kg, nhiều thì hơn 30 kg. “Đói rát họng thì chưa. Nhưng về lâu dài cứ như ri miết (không có việc làm – PV) thì đói thiệt chứ chẳng chơi” – bà Tôn Nữ Loan tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, từng nói với Thanh Niên: “Những người phụ nữ bất hạnh, đơn thân nuôi con rất khó khăn cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đùm bọc của cộng đồng, để giúp họ có một cuộc sống bình dị trong đời thường”. Còn với những người phụ nữ ở đây, bây giờ đã có chỗ riêng để an cư rồi, họ chỉ ao ước một điều: được vay vốn xóa đói giảm nghèo để có tiền bán buôn, chạy chợ...

Liệu những điều ước bình thường này có trở thành hiện thực trong năm Kỷ Sửu?

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.