Tháo dỡ "lô cốt", tái lập mặt đường: Vừa chậm, vừa cẩu thả!

18/01/2009 23:24 GMT+7

Hôm qua 18.1 là hạn cuối tháo dỡ "lô cốt", tái lập mặt đường để người dân đón Tết Kỷ Sửu theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM. Thế nhưng, theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều "lô cốt" vẫn im lìm, một số khác tháo dỡ thì tái lập nham nhở, qua loa. Mời nghe đọc bài

Phớt lờ chỉ đạo

Từ tháng 11.2008 đến nay, Sở GTVT TP.HCM đã có ít nhất hai văn bản chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu phải tạm ngưng thi công tất cả các công trình đào đường trong thời gian từ ngày 18.1- 2.2 để phục vụ việc đi lại dịp Tết của người dân. Theo đó, bắt buộc tháo dỡ các "lô cốt" và tái lập mặt đường trước thời hạn trên, trừ một số trường hợp bất khả kháng. Theo kế hoạch, có 25 tuyến đường hoàn toàn thoát "lô cốt" trước Tết, như: Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Trần Tuấn Khải, Đinh Tiên Hoàng, Châu Văn Liêm, An Dương Vương, Lạc Long Quân, Lý Chính Thắng...

Thế nhưng, vào hôm qua 18.1, mặc dù "nước đã đến chân" nhưng nhiều nhà thầu vẫn "chưa chịu nhảy". Cụ thể, 3 "lô cốt" thuộc dự án Nâng cấp đô thị trên đường Lạc Long Quân (quận 11) vẫn ung dung chiếm dụng hoàn toàn một nửa bề mặt đường, dồn ép xe cộ chen chúc trong nửa phần đường còn lại. Đây là "lô cốt" do một đơn vị thi công có nhiều "thành tích" về vi phạm đào đường là Tổng công ty xây dựng Hà Nội. Trước đó, Thanh tra Sở GTVT đã nhiều lần đình chỉ thi công các "lô cốt" của nhà thầu này, nhưng bê bối vẫn hoàn bê bối. Là một trong những trục đường phải thoát "lô cốt" trước Tết, đáng lẽ đến thời điểm này, đường Lạc Long Quân đã hoàn chỉnh tái lập mặt đường bằng bê tông nhựa nóng để người dân du xuân. Nhưng với tình hình thi công ì ạch thế này thì không ai hy vọng điều đó xảy ra.

Tương tự, đến chiều 18.1, "lô cốt" tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng (quận 5) vẫn chưa hoàn thành việc tái lập mặt đường. Đây là "lô cốt" thuộc dự án Cải thiện môi trường nước, do nhà thầu Nhật Shimizu thi công. Trước đó, nhà thầu Shimizu đã nhiều lần tự ý dựng "lô cốt" không xin phép, buộc Thanh tra GTVT phải cưỡng chế tháo dỡ. Các "lô cốt" khác cũng do nhà thầu này thi công trên đường Lý Thường Kiệt, Lê Hồng Phong... đến nay vẫn chưa chịu tháo dỡ hoặc tém dẹp rào chắn. Điều đáng nói là các "lô cốt" này có chiều dài rào chắn lên đến 130 - 182m, trong khi theo quy định của Sở GTVT, chiều dài mỗi "lô cốt" được khống chế không được quá 100m.

"Lô cốt" tháo đi, ổ gà ở lại

Một số đường đã tháo dỡ "lô cốt" thì lại tái lập cực kỳ nham nhở, theo kiểu làm lấy lệ. Bê bối nhất phải kể đến đường Nguyễn Đình Chiểu do Công ty liên doanh xây dựng VIC thi công. Nếu trước ngày tháo dỡ "lô cốt", người dân đi qua con đường này mệt mỏi vì cảnh kẹt xe thường trực, thì nay lại khổ sở vì hàng loạt ổ gà xuất hiện. Một đoạn đường dài từ trước siêu thị Coop-Mart đến tận đường Trần Quốc Thảo còn rõ dấu ấn của "lô cốt" với những gờ cao thấp chênh nhau đến vài chục cm. Do đó, xe cộ vẫn phải chen chúc trên phần đường còn lại chứ không đủ "can đảm" chạy vào chỗ "lô cốt" vừa tháo dỡ. Chưa kể xe lưu thông qua đây vào ban đêm rất dễ xảy ra tai nạn.

Đường Đinh Tiên Hoàng trong ngày 18.1 đã thoát "lô cốt" theo đúng kế hoạch, nhưng phần mặt đường tái lập nham nhở, gờ cao gờ thấp, kéo dài từ đoạn giao với Phan Đăng Lưu đến tận chân cầu Bông. Đây là tuyến đường đã thoát hẳn "lô cốt", lẽ ra Sở GTVT phải yêu cầu nhà thầu là Tổng công ty xây dựng số 1 tráng nhựa, tái lập hoàn chỉnh, chứ không thể chấp nhận kiểu làm tạm bợ thế này.

Tương tự, Tổng công ty xây dựng Hà Nội sau khi tháo dỡ "lô cốt" trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ vòng xoay Hàng Xanh hướng về Bến xe Miền Đông) cũng tái lập rất ẩu, để lại những lằn phui mấp mô gây khó khăn cho người đi đường. Dự kiến từ nay đến trước Tết, lượng xe cộ, nhất là xe buýt và xe tăng cường, đổ về Bến xe Miền Đông tăng đột biến. Do đó với mặt đường lam nham kiểu này thì việc xảy ra va quệt, tai nạn dẫn tới kẹt xe rất dễ xảy ra.

Sau Tết, “lô cốt” xuất hiện trở lại

Ông Đặng Ngọc Hồi - Trưởng phân ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước - cho hay hàng loạt tuyến đường sẽ thoát “lô cốt” trước Tết Kỷ Sửu như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Đình Xu, Hồ Hảo Hớn, Nhiêu Tâm, giao lộ Trần Bình Trọng - Nguyễn Trãi (quận 1, 5). Tuy nhiên, ngay sau Tết, nhiều “lô cốt” sẽ xuất hiện trở lại trên các đường Huỳnh Mẫn Đạt, Lý Thường Kiệt, Thuận Kiều (quận 5, 11, Tân Bình)... Đến nay dự án Cải thiện môi trường nước đã hoàn thành 70% khối lượng. Tuy nhiên, 30% còn lại gặp nhiều khó khăn do thi công ở các tuyến đường có nhiều công trình ngầm. Chẳng hạn, đường Lê Đại Hành, Thuận Kiều vướng hệ thống cấp nước và cáp điện thoại loại lớn; đường Trần Bình Trọng có đến 5-6 mạng cấp nước chính và nhánh, cáp điện thoại, cáp điện lực...

Về vấn nạn tái lập bê bối, gian dối sau khi đào đường thi công, ông Phan Châu Thuận - Phó giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho rằng trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu. Ông Thuận đề nghị Thanh tra Sở GTVT xử phạt thật nặng nhà thầu nào tái lập ẩu, dễ gây tai nạn cho người đi đường.

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua 18,1, ông Lê Toàn - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết đã chỉ đạo Thanh tra  giao thông xử phạt nghiêm những nhà thầu không chịu tháo dỡ các “lô cốt” theo đúng kế hoạch. “Những trường hợp "lô cốt" không kịp tháo dỡ vì lý do kỹ thuật, nhà thầu phải xin phép và được Sở chấp thuận” - ông Toàn nhấn mạnh.

 Phương Thanh - Nguyễn Đình Mười

>>  Khổ vì... "lô cốt"
>>  "Lô cốt" và "trận đồ" kẹt xe
>>  "Lô cốt" thành nhà kho!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.