Máy bay chở 155 người đáp xuống sông

17/01/2009 00:16 GMT+7

Sau khi cất cánh khỏi phi trường LaGuardia, chiếc A-320 đã chao lượn trên bầu trời New York – thành phố đông dân nhất nước Mỹ - rồi lao ùm xuống sông. Toàn bộ 155 người trên máy bay thoát chết.

Tình huống kinh hoàng

Khi đi máy bay, hành khách thường nghe tiếp viên hướng dẫn về các phản ứng cần thiết khi xảy ra tình huống khẩn cấp, trong đó có tình huống máy bay đáp trên mặt nước. Và tình huống nguy hiểm này đã xảy ra đối với 155 người trên chiếc A-320 của hãng US Airways cất cánh từ sân bay LaGuardia ở New York vào chiều 15.1.

Theo AP, chuyến bay 1549 khởi hành từ LaGuardia vào lúc 15 giờ 26 ngày 15.1, mang theo 150 hành khách và 5 thành viên tổ bay, trong đó có 2 phi công. Sau khi vừa rời khỏi mặt đất khoảng 1 phút, phi công thông báo máy bay đã “đụng chim hai lần” và yêu cầu được trở lại phi trường LaGuardia, phát ngôn viên Doug Church của Hiệp hội Không lưu Quốc gia kể. Theo ông Church thì thông báo trên có nghĩa là chim đã va trúng cả hai động cơ của máy bay. Lúc này thì máy bay đang ở độ cao 975m.

 
Hành khách vừa thoát ra khỏi máy bay đang chờ được ứng cứu - Ảnh: Reuters

Ngay lập tức, mặt đất yêu cầu phi công đáp khẩn cấp xuống sân bay Teterboro ở tiểu bang New Jersey gần đó. Tuy nhiên, dường như phi công nhận thấy lúc này máy bay chưa đạt độ cao cần thiết để có thể đáp xuống được sân bay Teterboro. Thế là trong tích tắc, viên cơ trưởng đã có một quyết định táo bạo: lao xuống sông Hudson ở thành phố New York. Đây là một quyết định quá ư mạo hiểm, bởi địa điểm mà phi công chọn để “đáp” nằm ngay gần đường 48 ở khu Manhattan đông đúc, trên sông lại có nhiều tàu bè, nếu sơ sẩy thì bi kịch không chỉ ập đến với 155 người trên máy bay.

Mạo hiểm nhưng không thể khác. Thế là ngay lập tức, phi công thông báo: “Chuẩn bị va chạm mạnh”. Tất cả hành khách cùng cúi rạp xuống phía trước và máy bay lao ùm xuống sông.

Trong khi máy bay lượn trên cao, người dân khu Manhattan và nhiều nơi khác ở New York cũng hoảng loạn không kém. Giữa buổi chiều, bỗng đâu xuất hiện một chiếc máy bay chở khách “đánh võng” về phía thành phố. Có lẽ nhiều người đã rùng mình liên tưởng tới thảm kịch 11.9.2001, khi hai máy bay chở khách đâm sập tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới. Thế nhưng, sự kiện ngày 15.1 vừa qua lại kết thúc thật diệu kỳ. Chiếc máy bay lao xuống sông nhưng tất cả 155 người trên máy bay đều sống sót.

Sau khi máy bay lao xuống sông, cửa thoát hiểm mở ra và mọi người đã tìm cách chui ra. Họ đứng trên cánh máy bay kêu cứu. Rất may là khu vực gần đó có tàu và phà chở khách nên việc ứng cứu diễn ra kịp thời. Báo chí Mỹ trích lời cảnh sát địa phương cho hay có nhiều người bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Thị trưởng Michael Bloomberg cho biết trên máy bay có một trẻ sơ sinh và em bé trông có vẻ chẳng hề hấn gì.

Người hùng thực sự

Người phi công điều khiển pha “tiếp nước” ngoạn mục nói trên được xác định là Chesley B.“Sully” Sullenberger III (ảnh). Ông này tốt nghiệp Học viện Không quân Mỹ và từng lái máy bay chiến đấu F-4 “Con ma” trong giai đoạn 1973 – 1980, sau đó chuyển qua làm việc cho US Airways. Trợ lý của Sullenberger trong chuyến bay trên là Jeff Skiles, có 23 năm kinh nghiệm.

 
Ảnh: Reuters

“Ôi, ông ấy đã đáp thành công – tôi muốn nói rằng cú sốc không quá khủng khiếp, đó là một cú va chạm rất mạnh, nó khiến mọi người húc vào ghế phía trước. Hai động cơ lúc đó đã hỏng và ông ta đã cho máy bay lượn xuống sông”, một hành khách tên Joe Hart nói với hãng tin AP, theo ông này thì Sullenberger là một “người ngoại hạng”. Trong khi máy bay đang lao xuống thì một hành khách tên Vallie Collins cố gắng gửi tin nhắn qua điện thoại di động cho chồng: “Máy bay của em đang rơi”.

Sau đó ông chồng này đã cố tìm xem vợ mình có đi trên chiếc máy bay rơi xuống sông hay không. May mắn là có. Một hành khách tên Jeff Kolodjay kể với hãng tin BBC: “Chừng ba hay bốn phút sau khi cất cánh, động cơ trái của máy bay bốc cháy. Rồi tôi ngửi thấy mùi xăng. Rồi phi công thông báo sắp có va chạm mạnh. Mọi người hoảng loạn, có lẽ ai cũng cầu nguyện. Ban đầu thì tình hình hỗn độn, nhưng rồi ai cũng chấp hành chỉ dẫn. Rồi máy bay va mạnh và nước tràn vào”.

Sự va chạm cùng dòng nước lạnh giá khoảng 2 độ C trong khi  nhiệt độ không khí hôm đó là âm 7 độ C đã khiến nhiều người bị thương hoặc phát ốm, nhưng không có ai thiệt mạng. Đó là điều kỳ diệu, như Thống đốc David Paterson của bang New York nói: “Chúng ta đã có một phép mầu trên sông Hudson”.

Thượng nghị sĩ Charles Schumer thì trầm trồ: “Viên phi công này là một anh hùng thực thụ. Ông ấy nhận thấy máy bay đang ở quá thấp, thế là ông ấy đổi hướng một cách chuẩn xác và xác định được sông Hudson rồi lướt xuống một cách hoàn hảo”.

Cuối cùng thì chiếc A-320 đã chìm dần xuống đáy sông Hudson trước khi được trục vớt, nhưng tất cả 155 người đều thoát chết. Đó là phép mầu.

Theo Cục Hàng không Liên bang, từ năm 1990 tới năm 2005, khoảng 65.000 vụ chim chóc va máy bay đã xảy ra đối với các máy bay dân dụng tại Mỹ, tức là cứ 10.000 chuyến bay thì có một vụ. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào vị trí trên thân máy bay mà chim va vào. Thông thường, nhân viên không lưu thông báo cho các phi công biết liệu có chim chóc bay lượn trong khu vực máy bay cất và hạ cánh hay không.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.