Bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa : “Về đích” kịp tết

16/01/2009 08:55 GMT+7

Chiều 15-1, sau thời gian thi công gặp khá nhiều “lận đận”, công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.1 (từ chân cầu Kinh đến Doanh trại quân đội thuộc phường 25, quận Bình Thạnh) đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Có mặt từ sáng sớm ở khu vực này, chúng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc ngập tràn trên từng gương mặt của người dân địa phương.

Hết sống trong thấp thỏm...

Ngồi trước cửa nhà cắt tỉa củ kiệu chuẩn bị ăn tết, nhìn ra tuyến kênh xanh với gió mát lồng lộng, chị Nguyễn Thị Oanh (nhà số 86/9 XVNT) cứ bẽn lẽn cười, chị nói: “Sống hơn 30 năm trong những căn nhà cơi nới dưới lòng kênh, chị em tôi chưa bao giờ dám mơ được lên đất ở. Nhưng khi khu vực này giải tỏa để làm dự án xây dựng bờ kè, anh chị tôi được bố trí vào chung cư ở Gò Vấp, cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều so với trước. Nhà cửa ba mẹ tôi ở đây được chỉnh trang sạch đẹp”.

Còn chị Trần Thị Thanh Thảo (nhà số 88/3 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) phấn khởi ra mặt: “Bờ kè xây xong chúng tôi hết thấp thỏm lo sợ sạt lở. Được Nhà nước quan tâm như thế này bà con chúng tôi đỡ khổ nhiều lắm”.

Nhìn bà con đi đi lại lại tập thể dục, những đứa trẻ tíu tít chạy nhảy vui đùa trong công viên mới xây, chúng tôi nhận thấy lời của anh Tần Xuân Bảo, trước đây là Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ngày nào giờ đã đã trở thành sự thật: “Khi bờ kè ven sông hoàn thành, bà con mình đỡ khổ nhiều thứ lắm. Nhà cửa được chỉnh trang, môi trường được cải thiện, cảnh quan được cải tạo, đường sá phong quang rồi đời sống tinh thần cũng được nâng lên…”.

Còn những trăn trở...

Nếu ai biết được 3 năm trở về trước của khu vực này như thế nào mới hiểu hết niềm hạnh phúc hôm nay của bà con nơi đây. Năm nào cũng vậy, không phải đến mùa mưa bão mà ngay khi thời tiết bình thường, sạt lở vẫn có thể xảy ra tại khu vực bán đảo Bình Quới – Thanh Đa. Không biết đã có bao nhiêu người dân thiệt mạng, bao nhiêu tài sản đã cuối trôi theo con nước.

Trong điều kiện ngân sách TP còn khó khăn nhưng để đảm bảo tính mạng và tài sản cho dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lãnh đạo TP quyết định chia dự án tổng thể chống sạt lở kênh Thanh Đa thành 7 dự án thành phần để lần lượt đầu tư. Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) được ưu tiên làm trước do tính chất địa hình phức tạp, nguy cơ sạt lở cao nhất. Theo quy định, hành lang bảo vệ kênh Thanh Đa phải là 20m.

Tuy nhiên, khi thực hiện xây dựng đoạn bờ kè ở đây, lãnh đạo quận Bình Thạnh đã chọn giải pháp chỉ giải tỏa 7,5m (tính từ mép bờ kênh trở vào) để việc giải tỏa ít ảnh hưởng nhất đến việc an cư của dân, giảm tối đa số hộ dân phải di dời. Đặc biệt, vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8-2008, khi công trình thực hiện được khoảng 50% thì giá vật liệu xây dựng tăng vọt (thậm chí giá thép tăng hơn 200% so với giá khi đấu thầu công trình), đã có rất nhiều công trình ở TPHCM phải dừng thi công để chờ điều chỉnh đơn giá.

Có mặt tại công trình này vào thời điểm đó, chúng tôi thấy không khí thi công ở đây vẫn hối hả. Và dù rất vui mừng nhưng ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu đường sông TPHCM, vẫn không ít trăn trở. “Khi các dự án thành phần còn lại (đoạn 1.2, 1.3, 1.4) chưa được triển khai, chúng tôi chưa thể nào yên tâm vì các khu vực trên nguy cơ sạt lở cũng không kém khu vực đoạn 1.1”, ông Minh nói.

Bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) do Khu đường sông TPHCM làm chủ đầu tư; Công ty CP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương thi công. Chiều dài tuyến kè 478m với đường bộ hành rộng 3,25m và một công viên. Tổng số tiền đầu tư công trình hơn 40 tỷ đồng; trong đó kinh phí xây lắp khoảng 16 tỷ đồng. Riêng các đoạn 1.2, 1.3, 1.4 chủ đầu tư chuẩn bị trình dự án cho cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo Vân Anh/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.