Có khó chẩn đoán bệnh Kawasaki?

15/01/2009 10:27 GMT+7

Cách đây hơn một tháng, tại khoa nhi Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận một bệnh nhi hơn 2 tháng tuổi với triệu chứng sốt cao kéo dài trên 20 ngày. Bệnh nhi này đã được điều trị tại một bệnh viện tỉnh bạn bằng một số kháng sinh tiêm tĩnh mạch có tác dụng diệt khuẩn mạnh và phổ rộng, kèm theo thuốc hạ sốt trong vòng ba tuần, nhưng không cắt cơn sốt.

Ngay từ đầu, tại Bệnh viện T.Ư Huế, các bác sĩ nghĩ đến bệnh Kawasaki dựa theo triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm máu đã củng cố cho chẩn đoán. Trẻ được điều trị ngay bằng Aspirine và chuyền Gamaglobulin trong vòng 12 giờ thì trẻ hết sốt.

Thiết tưởng Kawasaki là bệnh rất nguy hiểm đối với trẻ em, nếu không chú ý sẽ xảy ra những biến chứng nặng nề như: viêm cơ tim - viêm màng ngoài tim - suy tim - hở van hai lá - viêm màng não vô khuẩn - phình động mạch vành - thủng vỡ mạch... Tỉ lệ tử vong khoảng 1%.

Trẻ mắc bệnh Kawasak có thể gặp ở 2 tháng tuổi đến 10-11 tuổi. Tuy nhiên tần suất mắc bệnh cao nhất vẫn ở nhóm trẻ 1-2 tuổi.

Đặc điểm của bệnh là viêm mạch máu toàn thân, do đó gây ra sốt cao cấp tính và kéo dài ít nhất 10-12 ngày. Nếu bệnh nhi được điều trị ngay từ đầu bằng các loại kháng sinh phổ rộng và thuốc hạ sốt thì hoàn toàn không có tác dụng.

Để phát hiện bệnh Kawasaki ở trẻ em, chúng ta sẽ thấy xuất hiện một số triệu chứng cơ bản như sau:

- Sốt cao liên tục trên năm ngày.

- Viêm kết mạc mắt hai bên (đỏ mắt), không chảy ghèn và không sinh mủ.

- Ban đỏ đa dạng thường thấy ở thân, nhưng không có bọng nước.

- Môi đỏ khô.

- Lưỡi đỏ như quả dâu tây.

- Sưng hạch góc hàm - cổ, không hóa mủ, thường xảy ra một bên.

- Phù nề mu bàn tay, mu bàn chân.

- Bong da ở đầu ngón tay, ngón chân xảy ra trong giai đoạn bán cấp.

Hằng năm tại khoa nhi Bệnh viện T.Ư Huế và khoa nhi Bệnh viện ĐH Y dược Huế đã điều trị 5-6 trẻ bị bệnh Kawasaki với kết quả khả quan.

Theo BS Hoàng Trọng Tấn
(ĐH Y dược Huế/Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.