Mê cung tranh giả

12/01/2009 01:36 GMT+7

Tác hại của tranh giả thì đã rõ, nhưng đường đi của tranh giả thế nào? Chỉ có thể nói đó là một mê cung mà không chỉ khách mua ngoại đạo, cả những người có chuyên môn như họa sĩ, nhà sưu tập, người buôn tranh... lắm khi cũng bị méo mặt vì những phi vụ lừa đảo.

Nguồn hàng dồi dào

Hiện nay, nếu bạn mở một gallery, sẽ có nhiều người đem tranh đến “chào hàng”. Những bức tranh “của” Lê Phổ, Nguyễn Sáng, Văn Đen... được chào bán với giá từ 3 - 5 triệu đồng kèm theo một lời đảm bảo rằng chủ phòng tranh chỉ việc lo cho “đầu ra”. 

Dĩ nhiên tranh của các bậc danh họa trên phải có giá từ chục ngàn đến trăm ngàn USD chứ không phải ở cái ngưỡng giá bọt bèo như vậy. Đó chỉ là những bức tranh chép, bản copy. Vấn đề là, như lời của những người chào hàng, nguồn cung cấp những loại tranh giả này lúc nào cũng dồi dào. Điều còn lại phải tìm được đầu ra, những “con mồi” cho những bức tranh giả ấy.

Ở Sài Gòn trước năm 1975, khi mỗi cm2 tranh Nguyễn Gia Trí đều được tính bằng vàng thì tranh ông bị làm giả cũng nhiều. Bẵng qua thời gian bao cấp tranh vẽ không có thị trường, đến thời kỳ sau đổi mới, có những họa sĩ nổi danh với số đơn đặt hàng vẽ không kịp bán. Một mình vẽ không xuể, có họa sĩ thuê người khác vẽ theo đúng phong cách của mình rồi chỉ việc ký tên, đem bán.

Các họa sĩ trẻ hay nói đùa với nhau cách “sản xuất” tranh hàng loạt đó là “đồ hộp”. Còn người mua tranh thì đâu biết rằng tranh mình mua tại nhà họa sĩ chưa chắc là... tranh thật (!).

Các “chiêu” bán tranh nhái

Có nhiều cách để tiêu thụ tranh giả. Nếu mua một loạt tác phẩm của một họa sĩ nào đó thì phải cẩn thận, vì trong 10 – 15 đứa con tinh thần đó thường lắm khi lẫn lộn một vài “đứa con ngoài giá thú”. Có cả những họa sĩ được đào tạo trường lớp, có tay nghề vững nhưng được tuyển mộ vào đường dây tranh nhái.

Những bức tranh giả ấy được làm ra, bằng cách nào đó được đưa vào những triển lãm chính quy, được in sách... Khách đến, người bán chỉ việc nói rằng tranh này đã được dự triển lãm này, in sách kia, khách lơ ngơ là tin sái cổ.

 

Bức "Thiếu nữ bên hoa sen" “nhái” này (tranh gốc của Nguyễn Sáng) được chào bán với giá 3 triệu đồng

Thỉnh thoảng, làng hội họa Việt Nam lại nổi sóng vì những bức tranh Việt Nam được đấu giá ở nước ngoài là tranh giả. Thú thật, nền mỹ thuật Việt Nam vẫn chưa tới mức được thị trường hội họa bên ngoài chú ý đến để làm tranh nhái. Những bức tranh giả ấy thường là ở trong nước tuồn ra. Một điều không biết dở hay hay của hội họa nước ta là có rất nhiều gia đình họa sĩ mà cả đời cha, đời con đều theo nghề cầm cọ. Cuộc đời họa sĩ cha xây dựng tên tuổi bao nhiêu thì đời họa sĩ con lại kinh doanh tên tuổi cha mình bấy nhiêu bằng cách làm giả tranh cha mình. Chuyện này trong giới ai cũng biết, nhưng cũng thật khó nói ra.

Một cách thức nữa của việc tiêu thụ tranh giả là các người “lùng tranh” thường để ý những bức tranh mà các danh họa hay tặng cho người thân, bạn bè văn nghệ sĩ... Họ đến đánh tiếng mượn xem, nhưng sau đó giữ lại bản gốc rồi chép một bản sao trả cho khổ chủ. Những chuyện này đã thành giai thoại. Hay họ tìm những gia đình văn nghệ sĩ đang có hoàn cảnh khó khăn để gửi tranh, rồi dặn khi khách đến hỏi cứ việc nói tranh này được một danh họa tặng. Vì khó khăn nên có những gia đình cầm tiền của người bán tranh giả, còn người mua cứ đinh ninh rằng đó là vật kỷ niệm của họa sĩ thật. Một chủ gallery ở TP.HCM cho biết “chiêu” này trước kia rất hiệu quả ở phía Bắc, và đang được chuyển vào Nam.

Cái “siêu” của tranh giả là không chỉ là người ngoại đạo mà họa sĩ, nhà sưu tập, người buôn tranh... vẫn bị lừa như thường. Có am hiểu đến đâu thì họ cũng bị lầm ít hoặc lầm nhiều mà thôi, ít ai đủ tự tin vỗ ngực là không lầm. Thường khi khách hàng mua phải hàng dỏm, để giữ uy tín và bí mật thân nhân họ hoặc im lặng theo “luật” để có thể tống khứ bức tranh cho một người mua bị lầm khác, hoặc mang đến thương lượng lại với người bán.

Chưa thấy ai kiện tụng hoặc yêu cầu bồi thường cho những vụ lừa đảo như vậy. Cho nên, những vụ mua bán tranh giả ở Việt Nam vẫn râm ran, lâu lâu lại xảy ra một vụ. Còn khách nước ngoài khi được hỏi về mỹ thuật Việt Nam chỉ đáp vỏn vẹn một câu: “Có vấn đề...!”.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.