Mossad trong chiến dịch triệt phá Hamas

10/01/2009 23:05 GMT+7

Ám sát các thủ lĩnh của Hamas luôn là mục tiêu hàng đầu của lực lượng tình báo Israel.

Tổ chức chính trị - vũ trang Hamas được Ahmed Yassin, Abdel Aziz al-Rantissi và Mohammad Taha thành lập vào năm 1987. Với mục tiêu là xây dựng một nhà nước Hồi giáo cho người Palestine và lập trường không công nhận Israel, tổ chức này đã bị Israel liệt vào danh sách khủng bố. Trong nhiều năm qua, ám sát các nhân vật cấp cao của Hamas từ đó làm suy yếu lực lượng này là một trong những nhiệm vụ được cơ quan tình báo Mossad của Israel ưu tiên.

Ám sát “từ trên trời”

Ngày 22.3.2004, Israel đã giáng một đòn nặng nề vào Hamas nhưng đồng thời cũng làm đậm thêm mối căm thù của lực lượng này nhằm vào nhà nước Do Thái. Đó chính là vụ ám sát Ahmed Yassin, người sáng lập và là vị thủ lĩnh tinh thần của Hamas.

Vụ việc xảy ra vào buổi sáng ở thành phố Gaza. Khi đó, Ahmed Yassin vừa dự lễ cầu nguyện xong và đang ngồi trên xe lăn giữa những người thân cận. Do một tai nạn khi chơi thể thao lúc mới 12 tuổi, Yassin đã bị liệt và phải ngồi xe lăn trong suốt phần còn lại của cuộc đời.

Sau này đôi mắt ông ta gần như bị mù hẳn. Nhưng tình trạng tàn tật không ngăn cản ông ta trở thành thủ lĩnh của Hamas, một trong những tổ chức vũ trang Hồi giáo chống Israel mạnh nhất. Buổi sáng 22.3.2004, thành phố Gaza khá yên bình. Yassin và các vệ sĩ của ông ta không biết rằng tai họa sắp giáng xuống đầu họ.

Tai họa từ trên trời. Tai họa mang hình hài 3 quả tên lửa Hellfire được bắn từ một chiếc trực thăng chiến đấu của Israel. Những quả tên lửa bay gần đúng chỗ Yassin ngồi. Nhân vật số 1 của Hamas thiệt mạng cùng với 9 người khác. Ngoài ra còn 12 người bị thương. Một vụ ám sát rất gọn ghẽ.

Sau này, theo đài CNN, phía Israel thừa nhận rằng vụ bắn tên lửa nói trên là có chủ đích nhằm trả đũa các vụ đánh bom tự sát mà Hamas thực hiện đối với người Israel trước đó. Có nghĩa là hành tung của Yassin đã bị phía Israel đưa vào tầm ngắm kỹ lưỡng trước khi ra tay.

Giới phân tích an ninh cho rằng Mossad từ lâu đã theo dõi Yassin và khi có cơ hội đã ngay lập tức hành động bằng cách chỉ điểm cho máy bay bắn tên lửa. Gần một tháng sau đó, Israel đã lặp lại hành động tương tự nhằm vào Abdel Aziz al-Rantissi, người kế nhiệm Yassin ở Hamas.

Vào ngày 17.4.2004, trực thăng Apache của Israel đã nã một loạt tên lửa Hellfire vào xe riêng của al-Rantissi khiến nhân vật này cùng với con trai ông ta và một vệ sĩ thiệt mạng.

Hình thức ám sát “từ trên trời” gần đây được Israel và Mỹ áp dụng khá nhiều để tiêu diệt các nhân vật bị truy nã. Chẳng hạn như vào năm 2006, Mỹ đã giết Abu al-Zarqawi - thủ lĩnh

al-Qaeda tại Iraq - chỉ bằng một cuộc không kích chớp nhoáng sau khi tình báo xác định đúng nơi mà al-Zarqawi đang hội họp.

Trong các chiến dịch từ cuối năm 2008 đến đầu 2009 vào Gaza, Israel cũng đã giết nhiều viên chỉ huy của Hamas, trong đó có viên tư lệnh cấp cao Nizar Rayyan. Nhân vật này thiệt mạng cùng vợ con khi nhà riêng bị máy bay Israel dội bom. Những màn dội bom chính xác này được coi là có sự hỗ trợ đắc lực của tình báo.

Nhưng khi mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền thì Israel không thể thu thập thông tin xong rồi điều máy bay tới bắn tên lửa được. Trong trường hợp này, đích thân các nhân viên tinh nhuệ của Mossad sẽ ra tay, ví dụ như vụ ám sát Izz El-Deen Sheikh Khalil, một thủ lĩnh cấp cao của Hamas, ở thủ đô Damascus của Syria vào ngày 26.9.2004.

Vụ việc xảy ra tại quận al-Zahera nằm phía nam Damascus. Khi Khalil vừa lên chiếc xe Pajero và khởi động máy thì quả bom cài sẵn trong xe phát nổ. Cả xe lẫn người đều tan xác. Một khu vực nhà cửa xung quanh bị hư hại nghiêm trọng. Dù giới chức Israel chưa bao giờ thừa nhận họ đã ra tay ám sát Khalil nhưng giới phân tích cho rằng Mossad chính là thủ phạm. Israel không nhận trách nhiệm trong vụ này như họ đã từng làm trong vụ ám sát Yassin bởi đây là vụ đánh bom xảy ra tại một quốc gia có chủ quyền. Thừa nhận việc làm này cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận đã xâm phạm chủ quyền của nước khác.

Ngoài các vụ ám sát nhằm vào Hamas, lực lượng tình báo Israel từng hạ sát nhiều nhân vật thuộc các lực lượng vũ trang hoặc chính trị của người
Palestine, như các nhóm Islamic Jihad (Thánh chiến Hồi giáo), As-Sa’iqa, PFLP...

Những cú vồ hụt

Israel thường sử dụng trực thăng chiến đấu trong các vụ ám sát - Ảnh: Reuters

Mossad được coi là một trong những cơ quan tình báo thiện chiến nhất thế giới, nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công trong các chiến dịch ám sát nhằm vào Hamas. Trước khi bị giết vào tháng 3.2004, Ahmed Yassin từng nhiều lần thoát chết trước hỏa lực của Israel. Vào ngày 6.9.2003, Yassin cùng vài nhân vật cấp cao của Hamas đang họp tại một tòa nhà bí mật ở thành phố Gaza thì một chiếc chiến đấu cơ F-16 của Israel ập tới.

Chiếc máy bay đã nã một loạt tên lửa phá hủy ngôi nhà nhưng không thành viên nào của Hamas thiệt mạng. Bản thân Yassin chỉ bị một vết thương nhẹ ở tay. Sau đó, hãng tin CNN của Mỹ dẫn lời các quan chức Israel cho biết tình báo của nhà nước Do Thái đã xác định được mục tiêu trước khi chiếc F-16 tấn công. Vụ ám sát thất bại này đã kích thích các hành động trả đũa của Hamas. Hàng loạt vụ đánh bom tự sát và nã rốc-két nhằm vào Israel đã được các nhóm vũ trang người Palestine thực hiện sau đó.

m mưu ám sát thất bại “nổi tiếng” nhất của Mossad là vụ đầu độc Khaled Mashal vào năm 1997. Khaled Mashal hiện là thủ lĩnh cánh chính trị của Hamas và sau khi Yassin cùng al-Rantissi bị ám sát, nhân vật đang sống tại Syria này cũng được coi là lãnh đạo cao nhất của Hamas.

Tháng 9.1997, khi Mashal đang sống tại Jordan và được coi là vị chỉ huy của nhánh Hamas tại nước này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng nội các an ninh của ông đã ra lệnh cho 10 điệp viên Mossad đột nhập vào Jordan. Sau khi Mashal trở về nhà từ một cuộc tuần hành ủng hộ Hamas, hai điệp viên của Mossad đã đột nhập vào nhà riêng khi ông này đang ngủ.

Theo tạp chí Time, các điệp viên đã xịt thuốc độc trúng cổ của Mashal rồi rút chạy. Sau đó, nhà chức trách Jordan đã phát hiện ra vụ ám sát và bắt giữ hai nhân viên Mossad. Vua Jordan lúc bấy giờ là ông Hussein đã yêu cầu Thủ tướng Netanyahu cung cấp thuốc giải độc.

Ban đầu, ông Netanyahu từ chối nhưng cuối cùng đã phải chấp thuận trước áp lực từ dư luận và từ Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Jordan sau đó đã trả tự do cho hai điệp viên của Mossad nhưng đổi lại Israel phải phóng thích Ahmed Yassin, người vào năm 1997 đang thụ án chung thân trong nhà tù của Israel. Vụ ám sát hụt Mashal là một thất bại cay đắng của Mossad, cơ quan tình báo được xem là tinh nhuệ hàng đầu thế giới.

Hiệu ứng xấu

Nhằm triệt tiêu sức mạnh của Hamas, Israel đã không ngừng thực hiện các âm mưu ám sát lãnh đạo cấp cao của tổ chức này.

Tuy nhiên, sau mỗi một vụ ám sát thành công hay thất bại, không khí càng căng thẳng hơn. Hoạt động nã rốc-két trả đũa của Hamas ngày càng cấp tập. Sự kiện Israel ám sát Yassin vào năm 2004 đã làm dấy lên mối lo ngại rằng tình hình Trung Đông sẽ lại trở nên nóng bỏng. Ngay cả các đồng minh của Israel như Anh, Mỹ cũng không cho rằng việc triệt hạ các thủ lĩnh Hamas là giải pháp hay.

Vào năm 2004, Thủ tướng Anh lúc đó là ông Tony Blair đã nói rằng vụ ám sát Yassin “đe dọa tới các nỗ lực hòa bình” ở Trung Đông, theo BBC. Cùng năm, Ngoại trưởng Anh Jack Straw đã phê phán vụ ám sát al-Rantissi, còn phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan thì kêu gọi Israel “hãy hết sức thận trọng trước hiệu ứng từ các hành động này”.

Sự lo ngại của các đồng minh này là rất thực tế, bởi sau mỗi vụ ám sát nói trên, Hamas lại gia tăng các hoạt động trả đũa, chủ yếu là đánh bom tự sát và nã rốc-két. Tình hình Trung Đông, vốn luôn căng thẳng do mối quan hệ mang nhiều đặc thù lịch sử giữa người Palestine và Israel, vì thế càng nóng bỏng hơn. Và khi căng thẳng dâng lên đến một ngưỡng nguy hiểm thì nó bùng phát thành chiến tranh. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.