Tiến sĩ Jennifer Dickey: “Cuốn theo chiều gió đã cuốn tôi đi”

10/01/2009 19:57 GMT+7

Ngày 23.12, tại TP.HCM đã diễn ra cuộc nói chuyện về tác phẩm văn học Cuốn theo chiều gió và bộ phim cùng tên chuyển thể từ tác phẩm này giữa tiến sĩ người Mỹ Jennifer Dickey và các giảng viên, sinh viên hai trường ĐH KHXHNV và ĐH Mở (TP.HCM) cùng một số nhà văn VN.

Bà Dickey rất thích thú khi biết Cuốn theo chiều gió rất được yêu thích tại VN, và đặc biệt, không ít phụ nữ thú nhận mình từng mơ sẽ lấy được một ông chồng giống như Rhett Butler - nhân vật nam chính của tác phẩm.

Cuộc trò chuyện riêng giữa Thanh Niên và bà Dickey -  người đã làm luận án tiến sĩ về Cuốn theo chiều gió và đã có những buổi nói chuyện ở Mỹ về tác phẩm này - cho chúng ta biết thêm những điều thú vị xung quanh tác phẩm...

Rhett không phải là mẫu đàn ông lý tưởng!

* Tôi thấy bà đã bật cười thú vị khi nghe một số nữ khán giả nói rằng Rhett là người đàn ông trong mơ của họ.

- Tôi nghĩ là diễn viên Clark Gable thể hiện rất rõ cá tính của Rhett Butler. Khán giả đã trở nên bị mê hoặc với Clark Gable nhiều hơn là nhân vật thực sự. Nếu đọc lại câu chuyện một cách cẩn thận, họ sẽ không quá thích thú với việc kết hôn với Rhett. Anh ta quyến rũ, đẹp trai, và rất tự kiêu.

 

Bà Dickey trong buổi nói chuyện về Cuốn theo chiều gió tại TP.HCM - Ảnh: Nghĩa Phạm

Anh ta cũng có nhiều tiền, những yếu tố này thật sự quyến rũ. Anh ta cũng có một cá tính thú vị nhưng không phải luôn được ngưỡng mộ và cảm phục. Anh ta thường hay vi phạm pháp luật. Anh ta dành nhiều thời gian với gái làm tiền và làm nhiều việc khiến mọi người nghĩ là chẳng có hay ho gì khi lấy anh ta làm chồng.

* Vậy là đã có sự khác biệt giữa tâm lý phụ nữ VN và phụ nữ Mỹ. Phụ nữ VN có thể lại thấy ở Rhett những điểm đặc biệt hấp dẫn, khiến cho các khiếm khuyết mà bà kể trên bị lu mờ…

- Vậy ư, cái gì làm họ thích anh ta đến vậy?

* Anh ta giàu có, đẹp trai, hài hước, rất yêu trẻ em và rất biết chiều chuộng phụ nữ. Lý tưởng đấy chứ?

- Đó cũng là những tính cách mà phụ nữ Mỹ thấy anh ta hấp dẫn. Tuy nhiên, anh ta cũng có vô số khiếm khuyết như tôi đã nói ở trên. Tôi nghĩ là phụ nữ không xem những tính cách này là tốt. Nhưng anh ta là một nhân vật thú vị và phức tạp, và Scarlet cũng có một dạng tính cách tương tự.

“Khi gặp khó khăn trong cuộc đời, tôi thường nghĩ tới Scarlet O’Hara và tự nhủ, Scarlet có thể vượt qua nghịch cảnh, thì mình cũng vượt qua được. Tôi thích câu “Tôi sẽ nghĩ đến điều đó vào ngày mai” mà Scarlet thường nói”- bà Jennifer Dickey

Tôi cho là người ta có khuynh hướng tập trung vào bản năng sinh tồn của Scarlet và việc làm cách nào cô ta kiên trì đối mặt với những bất lợi mà đã bỏ qua những tính xấu của cô ấy. Cô ấy cũng có những tính xấu, và có những tính cách không đáng khâm phục, mặc dù vậy nhận xét chung của mọi người về Scarlet là một dạng nữ anh hùng, rất lôi cuốn. Nói chung, hai nhân vật này rất thú vị, và họ là những nhân vật biểu tượng, rất tiêu biểu cho tính cách người Mỹ và tính cách người miền nam nước Mỹ.

Cuốn theo chiều gió đã cuốn tôi đi

* Cảm xúc của bà khi lần đầu đọc Cuốn theo chiều gió?

- Tôi đã xem phim trước khi đọc sách. Nó là một tác phẩm điện ảnh quá lớn và quá tuyệt, hơn bất kỳ bộ phim nào tôi đã từng xem. Nó dài 4 giờ. Một câu chuyện thật sự vĩ đại. (Tôi đã xem bộ phim 30 lần trong đời).

Tôi lập tức đọc sách ngay sau đó. Lúc đó tôi chỉ 11 hay 12 tuổi. Tôi bị nó cuốn hút nên đọc rất nhanh. Sách là một câu chuyện phong phú hơn phim rất nhiều. Lúc đó tôi không có hiểu biết gì nhiều về chế độ nô lệ hay phân biệt chủng tộc.

Tôi không hiểu một vài từ trong cuốn sách mà ngày nay có thể cho là quá xúc phạm.

* Ngoài việc bà yêu thích cuốn sách, có lý do nào khác khiến bà chọn nó để làm luận án tiến sĩ?

- Có một vài lý do khác. Trước tiên, tôi sống ở Georgia, cách nhà bà Margaret Mitchell - tác giả tiểu thuyết - chỉ khoảng 3 dặm. Khi tôi sống ở đây thì có rất nhiều sự kiện xảy ra, ví dụ như ngôi nhà nơi bà viết cuốn sách bị cháy hai lần.

Tôi rất quan tâm đến cuộc đời của Margaret Mitchell, về ngôi nhà của bà ấy, nơi câu chuyện ra đời. Tôi đã bỏ ra mấy năm trời để thực hiện luận án về ảnh hưởng của Cuốn theo chiều gió đối với Atlanta.

* Trong thời gian làm luận án, có những điều gì thú vị mà bà là người đầu tiên khám phá?

- Có đấy. Tôi là người đầu tiên ngoài nhân viên phục vụ tại Bảo tàng Margaret Mitchell House được phép tiếp cận các tài liệu, giấy tờ, bút tích trong bảo tàng.

Tôi cũng dành nhiều thời gian trao đổi với Mary Rose Taylor, người sáng lập bảo tàng. Điều này giúp tôi hiểu toàn bộ quá trình mà cô ấy đã nỗ lực để cứu ngôi nhà nơi Mitchell viết truyện, và tạo ra bảo tàng.

Tôi cũng nghiên cứu các bài báo giai đoạn 1936 đến 1939, đặc biệt là cách mà báo chí người da đen phản ứng đối với bộ phim và tiểu thuyết. Điều này gây cho tôi hứng thú bởi vì nó cho tôi cái nhìn về các sự việc mà trước đó tôi chưa hề nghĩ tới hay đọc đến.

* Ấp Tara huyền thoại, nơi đã gắn bó với Scarlet suốt Cuốn theo chiều gió, có phải là một địa điểm có thật?

- Có một tổ chức gồm những người làm du lịch ở hạt Clayton có tên gọi là Historical Jonesboro đã mua một ngôi nhà được xây trước nội chiến Nam - Bắc Mỹ, và di chuyển nó đến khu vực trung tâm của Jonesboro, gần bảo tàng và phục hồi ngôi nhà này lại.

Họ tổ chức các tour tham quan ngôi nhà, nó có tên gọi là Stately Oaks. Nó không phải là ấp Tara, khi du khách đến Jonesboro và hỏi, “ấp Tara ở đâu?”, họ được thông báo là Tara không có thực, nó chỉ là một địa điểm hư cấu, tuy nhiên Stately Oaks thì ở ngay gần đây, bạn có thể ghé thăm, là một đồn điền được xây dựng trước cuộc nội chiến.

Ấp Tara trong tiểu thuyết tọa lạc tại vùng nông thôn. Rất thú vị là nhiều người nghĩ rằng Margaret Mitchell mô tả về Tara dựa trên ngôi nhà của bà ngoại nhà văn, nhưng ngôi nhà này đã bị phá hủy trong một cơn bão cách đây ba hoặc bốn năm.

Đồng cảm ở độc giả VN

 

Tờ rơi giới thiệu về Bảo tàng Margaret Mitchell

* Tôi nghĩ sự hoài niệm quá khứ trong Cuốn theo chiều gió mang khí chất tiêu biểu của người Mỹ, nó khác với cách của người phương Đông. Hoài niệm của người phương Đông u uẩn, buồn bã, nhất là khi thực tại không đẹp như quá khứ, trong khi ở Cuốn theo chiều gió, hoài niệm lại khiến người ta có sức mạnh và ý chí vươn lên thích nghi với thực tại.

 - Chị nói rất đúng. Tôi cho đó là tiêu biểu của tính cách Mỹ, dù có luyến tiếc quá khứ nhưng không sống với quá khứ mà luôn nhìn về phía trước.

* Bà có đọc công trình nào của người Việt nghiên cứu về Cuốn theo chiều gió chưa?

- Tôi có đọc luận văn của TS Lê Thị Thanh (hiện đang làm việc tại trường Đại học Mở TP.HCM - PV). Rất thú vị và sâu sắc. Tôi cũng rất cảm động khi thấy rất nhiều người Việt đã đọc và đồng cảm với Cuốn theo chiều gió. Có một điểm thú vị là những người Việt mà TS Thanh đã tiếp cận khi làm luận án này đều dường như không quan tâm gì đến chế độ nô lệ mặc dù với người Mỹ thì đây là vấn đề luôn gây tranh cãi.

Tôi nghĩ có lẽ là do đó không phải là một phần văn hóa của các bạn, trong khi đó là một phần văn hóa và lịch sử của nước Mỹ. TS Thanh cũng nghiên cứu sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các bản dịch, vì có rất nhiều bản dịch khác nhau, và chính sức mạnh của các tuyến nhân vật và cốt truyện đã làm cho việc nó được viết dưới ngôn ngữ nào không còn quá quan trọng nữa, thậm chí việc giữ văn phong của Margaret trong bản gốc cũng không còn là vấn đề nữa, vì tính cách của các nhân vật quá sắc nét.

Thật tuyệt vời khi được thấy cuốn sách được cảm nhận ra sao dưới các nền văn hóa khác nhau. Đây chính là điều mà tôi nghiên cứu, đó là hiện tượng văn hóa của cuốn sách này. Và tôi thấy mình đã đúng khi làm theo bản năng thôi thúc tìm hiểu về Cuốn theo chiều gió.

Phạm Thu Nga (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.