Rừng dân xác xơ, rừng “quan” xanh mướt

03/01/2009 11:53 GMT+7

Trong khi người dân giữ rừng cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm vì canh tác trên những phần đất xấu, lúa không trổ bông, rừng kiệt quệ thì nhiều khu đất rừng màu mỡ đã được giao cho hàng loạt cán bộ địa phương > Nghịch lý U Minh Hạ

Giữ rừng hoài mà vẫn nghèo, cuộc sống quá khó khăn nên người dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh - Cà Mau đã từng đồng loạt nổi lên làm “lâm tặc”. Họ vào ngay mảnh rừng của mình được giao bảo vệ để phá cây lấy đất sản xuất nông nghiệp. 

Phá rừng để có sức giữ rừng!

Cuối năm 2007, vài chục hộ dân đã tấn công rừng tràm U Minh Hạ, đốn hạ cây, mở mang ruộng lúa. Thế là 60 hộ bị lập biên bản về hành vi phá rừng, bị buộc nộp phạt từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng mỗi hộ, đồng thời phải khắc phục hậu quả. Người dân cơm còn không đủ ăn, áo còn không đủ mặc thì lấy đâu ra tiền mà nộp phạt! Thế là chẳng ai nộp và “chịu trận” như thế cho đến hôm nay. Ông Sáu Thóm (Trịnh Văn Thóm), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 20, kể vanh vách những “lâm tặc” này: “Các ông Nguyễn Thanh Liêm, Lê Thanh Toàn, Trang Văn Hải, Trần Văn Lực, Phạm Quốc Nam, Trần Văn Viễn, Phạm Văn Tư, Mai Văn Bé...; các bà Dương Thị Thu Hà, Trần Thị Thân..., nhiều lắm!”. Rồi ông cười ngượng nghịu: “Có cả tôi nữa!”.

Những “lâm tặc” này cho rằng nếu không phá rừng làm nông thì cuộc sống trước mắt của gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, bế tắc trong quá trình giữ rừng hàng chục năm mới cho thu hoạch. Ông Trần Văn Lực, một “lâm tặc” tuổi xấp xỉ 65, có người vợ trên 60 tuổi đang bị bán thân bất toại. Vì mưu sinh, ông đã lấn rừng để lấy đất canh tác nông nghiệp. Bị chính quyền lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng, đóng không nổi nên ông xin giảm xuống còn 1 triệu đồng, song đến nay vẫn chẳng kiếm đâu ra tiền nộp.

Ông Nguyễn Minh Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm U Minh, cho biết: “Quyết định xử phạt đối với 60 hộ này đến giờ đã hết thời hiệu, coi như xếp hồ sơ lại rồi. Họ nghèo quá không có tiền nộp phạt, chúng tôi cũng đành bó tay. Mới đây, chúng tôi cũng đã phát hiện mười mấy trường hợp người dân phá rừng của mình trông giữ, đã chuyển hồ sơ về cho chính quyền địa phương xử phạt”.

Nhiều người dân cho biết rừng của họ được giao khoán hầu hết là vùng trũng, ngập phèn, tràm xác xơ không lớn nổi nên có phá thì thật ra chẳng được bao nhiêu cây. Chúng tôi nhớ hôm ghé nhà “lâm tặc” Phạm Văn Hăng ở ấp 20, xã Nguyễn Phích, khi anh vừa đi chặt cây rừng về hầm than. Nhìn những cây tràm to bằng cùm tay mà Hăng cho biết đã trồng mười mấy năm nay, chúng tôi thật ngỡ ngàng.

Những hình ảnh trái ngược

Chiếc đò máy chở chúng tôi rời khu rừng nghèo nàn của những người dân giữ rừng ở ấp 20, xã Nguyễn Phích. Cách đó chỉ chừng vài cây số là địa phận phân trường Sông Trẹm, huyện Thới Bình. Một hình ảnh trái ngược đập vào mắt chúng tôi: Những vạt rừng tràm xanh mướt với những thân cây to đùng. Người lái đò cho biết: “Đó là rừng của “quan”. Khu vực này nằm trên vùng cao nên cây xanh tốt, còn rừng của dân nằm ở vùng trũng, phèn ứ đọng nên cây tràm không lớn nổi, trồng lúa cũng khó trổ bông.

Chúng tôi ghé vào nhà một hộ giữ rừng tên Huỳnh Văn Hồng. Ông Hồng cho biết ông không có cục đất chọi chim, ở đây để giữ rừng cho 8 cán bộ của huyện Thới Bình và cả của tỉnh Cà Mau, mỗi người từ 7 đến 10 ha, tùy theo chức vụ lớn, nhỏ. Ông Hồng tiết lộ đó là ông Ba Hưởng (nguyên chủ tịch UBND huyện Thới Bình), ông Thanh (kiểm lâm), ông Sĩ (Công ty Thương nghiệp Cà Mau), ông Đương (giám đốc một ngân hàng ở Thới Bình), ông Hai Tới (phó Văn phòng UBND huyện Thới Bình), Tiến và Linh (cán bộ Văn phòng UBND huyện), Trung (Ban Quản lý chợ Thới Bình), Nguyễn Thanh Bình (Phòng Công Thương huyện Thới Bình)... “Ở đây cũng có không ít người giữ rừng thuê cho cán bộ như tôi. Coi vậy chứ dân giữ rừng thuê sướng hơn dân được giao khoán đất rừng nhiều. Cuộc sống vợ chồng tôi ở đây cũng ổn, ngoài việc bắt cá, hầm than bán, hằng tháng chủ còn cho card điện thoại để liên lạc thường xuyên nữa” - ông Hồng khoe. Tôi chợt chạnh lòng khi nghĩ đến cách đây không xa, người dân nhận khoán đất rừng nghèo rớt mồng tơi, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm vì canh tác trên đất xấu, lúa không trổ bông, rừng ngày càng kiệt quệ.

Trên đường vào rừng U Minh Hạ, người lái đò chỉ lên bờ, nơi có nhiều ngôi nhà bỏ hoang, buồn bã: “Nghèo khó quá nên nhiều người đã bỏ rừng, bỏ nhà đến chốn thị thành tìm việc làm kiếm sống rồi”.

Chúng tôi nhớ lại vào năm 2002, ông Bùi Quang Huy, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất. Theo đó, sẽ thu hồi quỹ đất sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Dân nghèo, hộ chính sách, không tư liệu sản xuất, người dân sống lâu năm tại địa phương... sẽ được xem xét giao khoán đất rừng để xóa đói giảm nghèo. Cán bộ đương chức, không trực tiếp sản xuất, bảo vệ rừng đương nhiên không thể nhận rừng để rồi cho người khác giữ để thu lợi hoặc phát canh thu tô. Đến năm 2003, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Việt cũng đã ra quyết định về việc thanh lý hợp đồng liên doanh, liên kết và hợp đồng giao khoán đất rừng và đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân.

Vậy mà, như những gì ông Huỳnh Văn Hồng tiết lộ, đến nay vẫn còn nhiều cán bộ chiếm giữ đất rừng. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết số cán bộ đăng ký đất rừng không chỉ có những cái tên vừa nêu trên. Ông Trần Thanh Sử, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ- đơn vị quản lý, giao khoán rừng nơi đây - cũng cho biết đang thống kê lại danh sách cán bộ hiện đang giữ đất rừng và cuối năm mới có kết quả.

Theo Duy Nhân - Đức Khánh/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.