Vị thuốc tía tô

18/12/2008 15:16 GMT+7

Đông y gọi lá tía tô là tử tô diệp, cành là tô ngạnh, nụ là tử tô bao, hạt là tô tử. Các bộ phận của cây tía tô có tác dụng chữa bệnh khác nhau phụ thuộc vào thời gian thu hái và cách bào chế.

Theo lương y Huyên Thảo (Hà Nội), lá tía tô có vị cay, tính ấm có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa, giải độc tôm cua, giải độc mật cá. Cành tía tô có vị cay ngọt, tính hơi ấm có tác dụng an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa, giảm đau. Cành non thường được dùng chữa chứng “can khí phạm vị” với những biểu hiện: ngực bụng và hai mạng sườn đầy, đau; ăn khó tiêu, đại tiện lúc nhão lúc rắn. Cành già thường sử dụng vào việc an thai, mới có thai nôn ọe, chữa bụng trướng đau. Nụ tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi giải cảm dùng chữa phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cơ thể suy nhược bị cảm lạnh, một số trường hợp xuất huyết. Hạt tía tô có tác dụng trừ đờm, nhuận tràng dùng trong các trường hợp ngực đầy tức, hen suyễn, khó thở. Cụ thể:

+ Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hồ, mỗi vị 2g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương.

+ Lá tía to giã nát, vắt lấy nước chia làm nhiều phần, mỗi lần uống một chén nhỏ, cứ khoảng 30 phút uống một lần. Lấy bã xát vào chỗ ngứa. Trong thời gian uống thuốc kiêng ra gió, dầm nước. Bài thuốc này chữa ngộ độc dị ứng do ăn cua, cá, sò hoặc tiếp xúc nước lạnh.

+ Một nắm lá tía tô, sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú để chữa vú sưng.

+ Dùng hạt tía tô, hạt cải bẹ, hai thứ bằng nhau, trộn lại, tán thành bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 8g. Nước uống thuốc dùng nước sắc lá táo chua 12g, dây tơ hồng 12g. Bài thuốc này chữa chứng ho nhiều đờm ở người già hiệu quả.

+ Cành tía tô 12g, củ sắn dây 12g sắc nước uống trong ngày để chữa động thai.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.