Xuất thần như múa đương đại Nhật Bản

14/12/2008 23:46 GMT+7

Nằm ở một góc đường của thủ đô Tokyo, Nhà hát Session House khá nhỏ bé so với những hoạt động của mình, và để xem múa khán giả phải xuống cầu thang, vì sân khấu nằm ở tầng hầm. Session House có khoảng 40 buổi trình diễn múa đương đại mỗi năm.

Chiều chủ nhật và nhà hát chật cứng khán giả, hầu hết đều trẻ, ăn mặc rất mốt. Vở múa đương đại The Mysterious Place của biên đạo Ito Naoko (lấy cảm hứng từ sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989), rất được khen ngợi trong cuộc trình diễn ở 15th Sibiu International Theater Festival tại Romania - tháng 5.2008 và trong tour lưu diễn ở Đức tháng 10.2008...

Đúng như tên gọi của mình, The Mysterious Place "kể" về một nơi chốn nào đó của con người, có thể là ngôi nhà cụ thể, là chốn nương náu trong tưởng tượng: những ký ức đã qua hoặc những gì chưa đến, cũng có thể là chính bản thân con người: phần nội tâm thẳm sâu, những bức xúc chỉ riêng mình thấu tỏ...

Tám diễn viên nữ và một trang trí sân khấu có tính trừu tượng cộng với âm nhạc và ánh sáng, suốt 75 phút đã hút chặt đôi mắt và trái tim khán giả vào sàn diễn. Những chú cá bơi tung tăng. Những khối hình trong veo riêng rẽ hoặc xếp thành hàng dãy. Những hình ảnh gia đình êm ấm trên tivi và trên màn hình nền. Những bộ trang phục rất đời hoặc rất đặc dị. Những động tác bộc phát tối đa chất đương đại xuất thần...

Nếu múa đương đại được xem như nghệ thuật biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể thì những diễn viên toàn nữ của nhóm múa đương đại Mademoiselle Cinema (gồm nhiều thế hệ, được sinh ra và sống ở những nơi khác nhau) đã sử dụng cơ thể mình ở mức tận hiến, để thể hiện ý tưởng của vở múa. Những động tác rất khó và rất đẹp, làm chủ được không chỉ nhờ đào tạo bài bản mà còn ở sự khổ luyện công phu. Và không chỉ ngôn ngữ của cơ thể, họ đã bộc lộ cả ngôn ngữ của tâm hồn. Mỗi người, trong ý thức cá nhân nghệ sĩ và trong sự kết hợp hài hòa với tập thể đã tuôn đổ cả năng lượng lẫn mồ hôi trên sàn diễn.

Nơi chốn của tôi đâu? Tôi - của quá khứ, của hiện tại hay tương lai? Thời thơ ấu, gia đình, tình yêu, sự hòa trộn vào cộng đồng... hay không có gì? Sự đi tìm, bắt gặp, nụ cười hay sự ngộ nhận, đổ vỡ, mất mát, sự hẫng hụt tuyệt vọng...? Tìm thấy hay không tìm thấy, có được hay không có được? Mơ và thực, thực và mơ. Tôi là ai, nơi chốn của tôi đâu? Tôi là ai, giữa thế giới rộng lớn này?...

Có lúc diễn viên như bay trên sàn diễn, theo lực hút từ một chiều không gian khác. Có lúc họ  hóa thân thành một phiên bản khác, hay phần không thấy được của con người. Có lúc họ giống như tiếng cười reo vui, sự lan tỏa hạnh phúc, có lúc họ thu mình lại như đá tảng âm u...

Những tràng pháo tay không dứt của khán giả, lặp đi lặp lại đến hàng chục lần khiến các diễn viên rũ rượi mồ hôi nhưng tràn ngập nụ cười hạnh phúc cứ lui vào hậu trường rồi lại phải trở ra liên tục. Và không chỉ các diễn viên, ngay cả gương mặt khán giả cũng tràn đầy phấn khích.

Ảnh do nhân vật cung cấp
Khi ở tuổi 25, đang là một huấn luyện viên thể dục, Ito Naoko (ảnh) đã phải lòng múa hiện đại ngay lần đầu tiếp xúc, để sau đó trở thành một vũ công. Bà bắt đầu thăng tiến trong nghiệp múa khi là thành viên của Đoàn múa hiện đại Watanabe với vai trò diễn viên chính. Năm 1987, bà ra hoạt động tự do và thành lập đoàn riêng của mình, với nhiều chương trình biểu diễn kết hợp cùng những nghệ sĩ khác ở Nhật, Pháp, Mỹ, Đức...

Năm 1991, Ito Naoko cùng chồng thành lập Nhà hát Session House ở Tokyo, và năm 1993, bà thành lập Nhóm múa toàn nữ Mademoiselle Cinema, với những vũ công xuất thân từ các  trường đào tạo danh tiếng, trình diễn những vở múa do bà biên đạo. Ito Naoko là tác giả của khoảng 20 vở múa.

Biên đạo Ito Naoko là một phụ nữ mềm mại, bà dịu nhẹ ngay trong cách trò chuyện.

* Xin cho biết bà thường bắt đầu các vở múa đương đại từ đâu?

- Tôi thường có những ngẫu hứng tự nhiên. Có thể bắt nguồn từ một ý tưởng, một từ khóa... Sau khi truyền đạt ý tưởng ấy đến các diễn viên, tôi hỏi họ: "Em sẽ thể hiện điều ấy thế nào?".  Diễn viên sẽ trả lời và sau đó tự tìm cách thể hiện.

* Theo bà, múa đương đại của Nhật Bản có gì khác so với múa đương đại các nước?

- Cách sử dụng cơ thể của người Nhật Bản khác so với người châu u và các nước nên múa đương đại Nhật Bản cũng khác. Tôi vẫn kết hợp cả chất múa truyền thống Nhật Bản vào múa đương đại, và không sử dụng nhiều kỹ thuật.

* Session House có sống được nhờ khán giả múa đương đại?

- Hầu hết diễn viên múa đương đại đều có một nghề khác để sống. Và Session House thì sống nhờ nhiều hoạt động khác nữa: huấn luyện múa và biên đạo múa, tổ chức biểu diễn trong và ngoài nước, cả cho múa đương đại, ba lê, jazz, hip hop, kịch câm, múa dân gian...

* Điều gì đã khiến bà và chồng (ông Ito Takashi - Giám đốc Session House) tiếp tục đi cùng nghệ thuật múa đương đại khi nghệ thuật này không nuôi sống được mình?

- Bởi vì càng tìm tòi, sáng tạo, tôi càng thấy vui thích hơn.

* Bà cho rằng khán giả đến với múa đương đại vì lẽ gì?

- Có lẽ do phần lớn họ thấy rằng múa đương đại là một nghệ thuật hay, mới lạ, là nghệ thuật sử dụng cơ thể rất tương đồng với thời đại kỹ thuật số của chúng ta. Trong vở múa này, thông điệp của chúng tôi là "Nơi đây con người gặp gỡ nhau".

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.