Di tích Cát Tiên sau hơn 20 năm phát lộ

13/12/2008 00:56 GMT+7

Được phát hiện từ năm 1984, và đã có 8 cuộc khai quật với hàng trăm hiện vật được tìm thấy nhưng đến nay việc xác định niên đại và chủ nhân của phế tích khảo cổ này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Tại cuộc hội thảo khoa học lần thứ nhất năm 2001, các nhà nghiên cứu tương đối thống nhất đây là một trung tâm tôn giáo lớn; là di tích của một nền văn hóa riêng biệt, mang tính chất độc lập, không thuộc nền văn hóa nào cùng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ trên cùng vùng đất lãnh thổ như văn hóa Chăm hay văn hóa Óc Eo...

Đến hội thảo khoa học lần 2 được tổ chức ngày 12.12.2008 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), các nhà nghiên cứu tiếp tục bàn thảo những vấn đề nguồn gốc của di tích,  niên đại và chủ nhân của di tích này là ai, bên cạnh đó là những ý kiến về biện pháp bảo tồn, bảo vệ và trùng tu di tích.

 
Bộ Linga – Yoni lớn nhất Đông Nam Á tại gò IA -Ảnh: G.B

Theo TS Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam: “Di tích Cát Tiên hình thành từ nguồn gốc văn hóa tín ngưỡng bản địa kết hợp với sự giao lưu ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo Ấn Độ tạo nên diện mạo di tích. Di tích này thuộc một nền văn hóa riêng biệt, có nét tương đồng với các nền văn hóa xung quanh, nhưng nét riêng vẫn mang tính nổi trội”. Về niên đại của di tích này, TS Phụng cho rằng, di tích có niên đại khoảng từ thế kỷ V – IX.

Một bộ phận nhóm người Môn-Khmer,  làm nên nền văn hóa Óc Eo cũng là chủ nhân khu di tích Cát Tiên. Do điều kiện lịch sử sau này, người Khmer tách ra hình thành nên đế chế Angkor, nền văn minh Angkor, thì bộ phận tộc người này dần chìm vào lạc hậu, các di tích trên vùng đất dần bị tàn lụi. Đó cũng chính là số phận của các di tích thuộc văn hóa Óc Eo; di tích Cát Tiên trong lịch sử.

Tuy nhiên, TS Đào Linh Côn,  Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ - Viện KHXH vùng Nam Bộ, lại đưa ra ý kiến khác: vấn đề chủ nhân của Cát Tiên, hiện nay và trong nhiều thời gian tới nữa vẫn không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Bởi cho đến nay, tuy các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều lần ở rất nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực này, vẫn chưa có thông tin nào về cốt sọ người cổ để các nhà khoa học xác định chủ nhân của di tích. Sẽ là quá sớm để nói chủ nhân của di tích là người Mạ với chỉ một yếu tố vì nó nằm trong địa bàn cư trú của dân tộc Mạ.

 
Tượng Ganesha được phát hiện tại gò IA
Đến nay vẫn chưa tìm thấy những bằng chứng mang tính mắt xích để có thể liên hệ Cát Tiên với các di tích được cho là của các tộc người hiện đang sinh sống trên vùng đất Lâm Đồng. Song trong di chỉ cư trú Cát Tiên đã tìm thấy gốm thô pha nhiều cát mịn giống với gốm thô thời tiền sử vùng Đồng Nai và gốm thô trong di tích Phù Mỹ (Cát Tiên, Lâm Đồng) đồng thời phát hiện được dấu vết xương cốt người trong vò hoặc chum chôn trong mộ gạch dạng Óc Eo...

Với những phát hiện trên bước đầu cho phép xác định, cư dân Cát Tiên có nguồn gốc bản địa, họ là hậu duệ của lớp người cổ sống ở vùng Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên từ khoảng 5.000 năm đến 6.000 năm cách ngày nay.

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, thánh địa Cát Tiên nằm trong không gian văn hóa – xã hội Mạ, có nghĩa là nó thuộc Vương quốc Mạ. Giáo sư Lương Ninh thì cẩn thận: “Chủ nhân Cát Tiên là dân bản địa vẫn tồn tại, sinh sống từ xa xưa đến nay ở thượng lưu sông Đồng Nai, một bộ phận nói ngôn ngữ Nam Á, bộ phận mà ngày nay được gọi là người Mạ, họ không thể là Khmer, là Chăm và cả là Phù Nam. Họ không có yếu tố Nam Đảo, yếu tố biển”...

Hội thảo có 14 báo cáo và 16 ý kiến thảo luận của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu trong toàn quốc nhưng vẫn chưa thống nhất được niên đại của di tích (nhiều ý kiến từ thế kỷ IX - XI) cũng như xác định ai là chủ nhân của di tích này. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cần lưu ý đến việc bảo tồn di tích hiện nay chỉ mang yếu tố tạm thời. Công tác khai quật, bảo tồn trùng tu chưa có thống nhất đồng bộ, chưa có định hướng kế hoạch cụ thể, rõ ràng  nên còn tiến hành lẻ tẻ, tự phát nên đôi lúc làm ảnh hưởng không tốt đến tình trạng của di tích.

Nhiều nhà khoa học còn có ý kiến tiếp tục khai quật để nghiên cứu. Giáo sư Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa để hy vọng trong thời gian tới có được sự thống nhất cao. Cần tìm ra các giải pháp cụ thể, một cách khoa học để hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là di sản văn hóa thế giới...

“Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của di tích này, nhưng niên đại thì cần phải xác định sớm. Không nên mở rộng khai quật quá vội vã, khai quật mà không bảo tồn sẽ làm hủy hoại di tích, khai quật tới đâu phải bảo tồn tới đó. Cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn những cái đã khai quật; phạm vi phân bố của di tích này rất lớn vì vậy nên mở rộng điều tra khảo cổ học để phát hiện thêm”.

GS Phan Huy Lê - Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam

Gia Bình

>> Lâm Đồng: Phát hiện khu lò gạch cổ tại di chỉ Cát Tiên
>> Khai quật mà không bảo vệ được tức là phá di tích! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.