Làm lạnh máu để cứu người

07/12/2008 22:52 GMT+7

Trong việc cấp cứu người bị thương nặng hoặc bị đột quỵ, thời gian là thứ vô cùng quý giá. Chỉ nhanh mấy phút là có thể cứu được người và ngược lại, chậm một khoảnh khắc nhiều khi cũng là quá muộn.

Đã từ lâu các bác sĩ thường dùng phương pháp giảm thân nhiệt  tối đa để cơ thể hoặc bộ phận nội tạng giảm nhu cầu oxy nhằm làm chậm lại quá trình hủy hoại tế bào. Để giảm thân nhiệt bệnh nhân, bác sĩ dùng áo làm lạnh, chăn băng, tắm đá lạnh hoặc các túi chườm đá, nhưng tốc độ làm lạnh đến tận nội tạng là rất chậm.
Để khắc phục nhược điểm của các phương pháp cũ, kỹ sư Ken Kasza và các đồng nghiệp tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Argonne (Mỹ) đã tìm ra phương pháp tiêm một loại băng lỏng (Ice Slurry) vào mạch máu bệnh nhân. Nhờ cách này có thể giảm nhu cầu oxy và làm lạnh rất nhanh những bộ phận cần thiết, kéo dài sự sống cho tế bào. 

Ice Slurry được Phòng Thí nghiệm Agonne tạo ra từ cuối những năm 1980 để sử dụng trong công nghiệp. Nhưng mãi đến năm 1999, Ken Kasza cùng một số người khác mới nghĩ đến việc ứng dụng Ice Slurry trong y học. Những tinh thể Ice Slurry hình cầu với đường kính chỉ bằng đường kính sợi tóc, di chuyển rất dễ dàng trong mạch máu và không làm hại tế bào.

 

Ở điều kiện thường, các tinh thể Ice Slurry dính với nhau nhưng trong cơ thể chúng có thể chảy theo dòng máu

Các nhà khoa học còn tìm ra phương pháp làm lạnh bộ não thật nhanh bằng cách đưa Ice Slurry vào phổi qua một ống thông khí quản. Trong lúc tim ngừng đập thì việc ép ngực vẫn khiến máu (được Ice Slurry làm lạnh) chảy lên não và khi não được làm lạnh thì có thể sống được lâu hơn trong tình trạng thiếu oxy (thông thường các tế bào não sẽ chết sau 10 phút nếu không được cung cấp máu). Các thí nghiệm trên động vật lớn cho thấy nếu đưa 2-4 lít Ice Slurry vào phổi thì sẽ làm nhiệt độ của não giảm đi 6 độ C (hoặc hơn) sau 10 phút.

Cũng thời gian đó, nếu dùng phương pháp làm lạnh từ bên ngoài thì nhiệt độ chỉ giảm được 0,3 độ C. Như vậy tốc độ làm lạnh của Ice Slurry nhanh gấp 20-30 lần so với phương pháp cũ.
Ngoài cách đưa Ice Slurry vào phổi qua khí quản, còn có thể đưa trực tiếp vào động mạch để dung dịch đi khắp cơ thể, hoặc có thể dùng dung dịch này làm lạnh một bộ phận cụ thể trong quá trình phẫu thuật.

Từ năm 2002 đến nay, rất nhiều thí nghiệm trên động vật đã được thực hiện và có thể thấy Ice Slurry thật sự kỳ diệu. Nhờ loại băng lỏng này, bệnh nhân có thể kéo dài sự sống được 10-15 cho đến 30-45 phút sau khi tim ngừng đập. Khoảng thời gian quý giá này đủ để các bác sĩ áp dụng những phương pháp chữa trị để cứu người.

Nếu nhân viên y tế có thể kịp thời đưa Ice Slurry vào máu hoặc phổi người bị  tim ngừng đập do tai nạn giao thông thì chỉ tại Mỹ, có thể đem lại sự sống cho 10 người mỗi ngày. Theo ông Kasza, y học hiện đại chỉ rõ nếu muốn bảo toàn bộ não cần hạ thân nhiệt xuống 4-5 độ C trong vòng 5-10 phút sau khi tim ngừng đập, và đây là lần đầu tiên chúng ta có được khả năng này.

Thanh Thanh (Theo Membrana.ru)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.