Ung thư không tha vùng "nhạy cảm"

07/12/2008 14:56 GMT+7

Những tưởng “của quý” là nơi an toàn, nhưng một nghiên cứu mới đây của các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy: Ung thư dương vật đang chiếm 10-20% các ung thư ở nam giới và đang đứng ở hàng thứ 17 trong các loại ung thư hiện nay.

 Tuy nhiên, không ít bệnh nhân nhầm tưởng ung thư “của quý” là bệnh hoa liễu và đến điều trị quá muộn.

Hẹp bao quy đầu: Coi chừng!

Tổng kết 5 năm điều trị tại Bệnh viện U bướu Hà Nội qua 42 trường hợp, bác sĩ Vũ Kiên - Bệnh viện U bướu Hà Nội cho biết nguyên nhân dẫn đến ung thư “của quý” liên quan đến tật hẹp bao qui đầu chiếm gần 88% và 12% viêm loét sùi mào gà, vệ sinh kém.

Các bác sĩ cho rằng hầu hết các trường hợp hẹp bao qui đầu khi đi tiểu, nước tiểu đọng lại quy đầu dẫn đến viêm nhiễm và lâu ngày tế bào sẽ bị ung thư hóa dẫn đến ung thư. Đó là chưa kể một số trường hợp “dính” các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt với gái mại dâm. 

Theo bác sĩ Kiên, loại ung thư này thường gặp ở những nước phát triển, gắn với tật hẹp bao qui đầu bẩm sinh. “Ở một số nước có truyền thống cắt bao qui đầu vào ngày lễ rửa tội đầu tiên thì tỷ lệ mắc ung thư rất thấp như Israel chiếm 0,1/100.000 dân.

Ngược lại một số nước do chưa chú ý đến tật hẹp bao qui đầu và vấn đề vệ sinh còn kém thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 50 lần như Ấn Độ, các nước Mỹ La tinh” - Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng bệnh nhân ung thư dương vật cho biết.

Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc ung thư “của quý” theo tuổi là 2,1/100.000 dân, trong khi đó tại TPHCM, ung thư dương vật thường gặp hơn, chiếm 3,4%.

Tại khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2008, đã có 62 bệnh nhân ung thư dương vật nhập viện điều trị, hơn 80% hẹp bao qui đầu.

Bác sĩ Phạm Hùng Cường - Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết không ít nam giới thiếu vệ sinh sạch sẽ “của quý” cũng là một trong số nguyên nhân khiến cho chất bẩn và vi khuẩn bám ở đầu dương vật gây viêm mãn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Vì vậy, lúc còn nhỏ nên phát hiện hẹp bao qui đầu và tiến hành cắt để tránh hậu họa lúc về già.

 Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM năm 2008 cho thấy, có gần 90% bệnh nhân bị ung thư “của quý” nhờ sự can thiệp của bác sĩ khi đã quá muộn, ung thư đã di căn. Vì vậy, gần 80% bệnh nhân buộc phải cắt bỏ
Ngày càng trẻ hóa

Hơn 60 trường hợp ung thư dương vật nhập viện Ung bướu TPHCM có độ tuổi trung bình từ 34-73 tuổi. Trong khi đó, 42 trường hợp ở Bệnh viện U bướu Hà Nội nhóm tuổi thường gặp là 51-60 tuổi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ hiện đã xuất hiện những bệnh nhân có độ tuổi rất trẻ.

Mới đây, đi khám nam khoa tại Bệnh viện Bình Dân, Th. 25 tuổi, được các bác sĩ cho biết đã bị ung thư “cậu nhỏ” sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán liên quan. Trước khi đi khám vài ngày, Th. phát hiện “cậu nhỏ” chảy máu sau khi làm “chuyện ấy” với vợ, đồng thời tiểu khó và đau buốt.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như- Trưởng đơn vị Nam khoa Bệnh viện Bình Dân TPHCM, thông thường ung thư dương vật hay gặp ở độ tuổi 40-60, nhưng trong những năm gần đây, thanh niên từ 20-30 tuổi nhập viện vì ung thư “của quý” có xu hướng tăng lên. Đa số những trường hợp này là do vệ sinh kém, quan hệ với gái mại dâm.

Theo các bác sĩ, ở độ tuổi dưới 50, tỉ lệ mắc ung thư loại này chiếm khoảng 1/100.000. Ở độ tuổi 80, tỉ lệ này tăng gấp 9 lần. “Không ít trường hợp bị loét dương vật, bao quy đầu lại chỉ nghĩ đơn giản là bệnh hoa liễu thông thường nên không đi khám sớm khiến bệnh nhanh xấu đi”- Bác sĩ Như cho biết.

80% phải cắt bỏ

Nhóm nghiên cứu Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết: Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM năm 2008 cho thấy, có gần 90% bệnh nhân bị ung thư “của quý” nhờ sự can thiệp của bác sĩ khi đã quá muộn, ung thư đã di căn. Vì vậy, gần 80% bệnh nhân buộc phải cắt bỏ.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Khoa giải phẫu bệnh - bệnh viện Ung bướu TPHCM nếu như bệnh như phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90%. Một khi u đã di căn thì tỷ lệ bệnh sống trên 5 năm chỉ chiếm 30%.

Tại Bệnh viện K Hà Nội, đa số người bệnh đến viện khi đã muộn, khả năng bảo tồn “cậu nhỏ” rất khó. Gần 60% bệnh nhân đến bệnh viện sau khi dương vật đã xuất hiện thương tổn trên 6 tháng; gần 30% bệnh nhân để bệnh kéo dài trên 1 năm và 90% số bệnh nhân tự điều trị trước khi đến bệnh viện.

Theo bác sĩ Thành, nếu phát hiện u sớm thì việc điều trị có thể bằng hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, khi u đã lớn thì phải phẫu thuật cắt bỏ đầu dương vật hoặc điều trị bằng tia lazer để ngăn chặn sự lan tỏa.

Một khi đã phẫu thuật, đầu dương vật được đậy lại bằng vạt da thừa và tạo lỗ tiểu mới. Có trường hợp đi tiểu bình thường, vẫn xuất tinh. Tuy nhiên, “cậu nhỏ” bị ngắn lại, rất khó khăn trong “chuyện ấy”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, vẫn có trường hợp sinh con sau phẫu thuật cắt bỏ đầu dương vật trong vòng một năm. Song nếu muốn sinh hoạt bình thường, bệnh nhân cũng có thể đến các đơn vị Nam khoa để có thể kéo dài “của quý”.

Theo Lê Nguyễn / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.