Thị trường Tết Kỷ Sửu - Hàng hóa sẽ dồi dào

06/12/2008 12:24 GMT+7

Chiều 5-12, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành chức năng, các tổng công ty về công tác chuẩn bị hàng hóa, chăm lo Tết Nguyên đán 2009; bàn công tác trọng tâm từ nay đến cuối năm 2008 và kế hoạch 2009.

Hàng nhập kho đạt hơn 90% kế hoạch

Như những năm trước, Tết Nguyên đán 2009, UBND TPHCM tiếp tục hỗ trợ vốn với lãi suất 0% cho 9 DN chủ lực của TP để chuẩn bị dự trữ hàng tết với tổng số vốn lên tới 409 tỷ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, hầu hết các DN cho biết, đến nay công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đã cơ bản ổn định, với mức tăng bình quân từ 25% - 30% so với năm ngoái, tương ứng với hơn 90% số tiền hỗ trợ đã được các DN giải ngân. Giá bán các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và chế biến sẽ ổn định và giảm từ 5% - 10% so với giá thị trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op, hiện DN đã đưa vào kho dự trữ, đồng thời đặt hàng các đối tác đối với 4 mặt hàng được thành phố giao là đường, gạo, thịt các loại và dầu ăn với tổng trị giá lên tới 53 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sài Gòn Co.op cũng chủ động để dự trữ khoảng 20 mặt hàng có mức tiêu dùng cao trong dịp tết như bia, giò chả, rau củ quả… với giá trị lên tới 700 tỷ đồng.

Theo dự tính của ông Hòa, doanh thu vào cao điểm tết năm nay tại hệ thống siêu thị Co.opMart sẽ tăng khoảng 50% so với  cùng kỳ năm ngoái (trong đó các siêu thị cũ sẽ tăng 35% và siêu thị mới tăng 15%), với doanh thu đạt khoảng 1.170 tỷ đồng.

Cơ cấu tiêu dùng trong dịp cao điểm mua sắm cũng sẽ thay đổi, đó là nhóm hàng tiêu dùng thường xuyên (như thực phẩm và công nghệ phẩm) sẽ tăng mạnh và nhóm hàng không thường xuyên (quần áo, đồ dùng gia đình) sẽ tiếp tục giảm. Năm ngoái, lượng bánh kẹo có nguồn gốc từ các nước như Indonesia, Malaysia, Đan Mạch… nhập khẩu tăng mạnh vào thời điểm này, nhưng năm nay rất nhiều đơn vị nhập khẩu còn chần chừ để thăm dò sức mua của người dân.

Theo dự báo của ông Hòa: “Nếu các DN trong nước chịu đầu tư để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, đồng thời thực hiện tốt các chương trình khuyến mại thì đây sẽ là cơ hội tốt để khuếch trương hàng nội, đặc biệt là mặt hàng bánh kẹo”.

Tính đến ngày 1-12, khối lượng hàng hóa nhập kho tại Công ty Vissan (đối với các loại thịt và thành phẩm) lên tới 268,8 tỷ đồng. Để chủ động nguồn hàng, Vissan đã hợp đồng và thỏa thuận với các trại chăn nuôi số lượng heo thịt sẽ mua để cung cấp trong đợt tết với 70.000 con.

Theo nhận định của ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Vissan, nguồn cung các mặt hàng thịt tươi sống như heo, trâu, bò tương đối dồi dào, có khả năng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp tết. Đây là cơ sở để Vissan cam kết sẽ đảm bảo nguồn hàng với mức giá thấp hơn thị trường từ 5% - 10%.

Tương tự, tại các DN khác như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, Công ty Phú An Sinh… việc dự trữ nguồn thịt heo và thịt gia cầm tươi sống đang theo đúng tiến độ.

Sẽ tăng cường giám sát giá

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, một trong những công tác trọng tâm của các sở, ngành, UBND các quận huyện từ nay đến Tết Nguyên đán là tăng cường việc giám sát giá nhằm bình ổn thị trường. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng đầu cơ hàng hóa để làm giá, tạo cơn sốt ảo và ngăn ngừa tác động tâm lý đẩy giá lên cao.

Khách mua hàng tại siêu thị Citimart. Ảnh: LÃ ANH

Đối với Sở Công thương, phải thường xuyên theo dõi, dự báo thị trường, chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân; đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…

Sở NN-PTNT và Sở Y tế tổ chức lực lượng kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sang chiết đóng gói có hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh ở mặt hàng rau củ quả tại 3 chợ đầu mối.

Chi cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào TP cũng như các quán ăn tập thể… Với các DN được thành phố hỗ trợ vốn để chuẩn bị nguồn hàng, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu phải sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích và chuẩn bị nguồn hàng đúng tiến độ, đảm bảo mức giá ổn định như đã cam kết. Sở Tài chính có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của các DN để báo cáo thường xuyên cho Thường trực UBND TP.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, kinh tế khó khăn buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, vì vậy các DN cần phải chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, nếu DN gặp vướng mắc phải thông báo ngay cho các sở, ngành chức năng và UBND TP nhằm chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP trước, trong và sau tết.

Theo Thúy Hải / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.