Vui buồn thất thường, không phải chuyện nhỏ!

05/12/2008 10:39 GMT+7

Những người dễ chuyển từ trạng thái yêu đời sang tuyệt vọng một cách nhanh chóng và không cảm thấy cân bằng thường là do rối loạn lưỡng cực

Anh N.T.B, 38 tuổi, đến gặp bác sĩ trong một tâm trạng hoang mang vì có lúc anh cảm thấy rất khỏe và yêu đời nhưng lúc thì cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Khi vui, anh cảm thấy sức lực trong cơ thể mình dường như không bao giờ cạn và có thể làm việc không ngủ trong nhiều ngày liên tục.

Trong đầu anh lúc này có rất nhiều ý tưởng, kế hoạch và anh cảm thấy giận dữ vì những người khác đã không thể theo kịp nhịp độ làm việc của mình. Nhưng sau đó có những lúc anh cảm thấy rất buồn. Cuộc sống dường như quá nặng nề và u ám. Không gì có thể làm anh vui lên được. Đôi khi anh cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi chỉ muốn chết đi cho khỏe. Khi gặp bác sĩ, anh muốn được giải đáp là tại sao anh luôn chuyển từ cực độ này sang cực độ đối nghịch mà không thể giữ được trạng thái thăng bằng.

Cảm xúc thay đổi nhanh chóng

Người đàn ông này đã mắc một loại bệnh gọi là rối loạn lưỡng cực nên cảm xúc chuyển nhanh chóng từ trạng thái trầm cảm sang hưng cảm hoặc ngược lại. Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực thường đan xen nhau, có thể xảy ra nhanh chóng trong thời gian ngắn hay kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Bệnh nhân thường tự ý ngưng điều trị

Việc điều trị bằng thuốc có một số tác dụng phụ như tăng cân, khát nước, run nhẹ tay, dị ứng da, rối loạn tiêu hóa... và việc sử dụng, duy trì và ngưng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa quyết định. Bệnh này đáp ứng rất tốt với các thuốc điều trị hiện có nhưng cần chú ý rằng bệnh nhân thường tự ý bỏ điều trị nhất là trong giai đoạn hưng cảm vì bệnh nhân thường cảm thấy rất khỏe khoắn trong giai đoạn này. Thời gian điều trị duy trì bằng các loại thuốc điều hòa khí sắc vào khoảng 2 năm nhưng có thể kéo dài tới khoảng 5 năm trong một số trường hợp sau: đã tái phát nhiều lần, có triệu chứng loạn thần, nghiện rượu hay ma túy, luôn bị stress ở nhà hay nơi làm việc. Cần chú ý rằng nếu đã bị cơn thứ hai thì có đến 80% nguy cơ bị cơn thứ ba.

Thường thấy là các biểu hiện trầm cảm, trạng thái quá khích, suy nghĩ phô trương, hưng phấn, nói nhanh, lãng trí, tăng hoạt động tình dục, sùng đạo, tiêu xài lãng phí, ảo giác, ảo tưởng. Khi ở giai đoạn vui vẻ quá mức, bệnh nhân thường không kiểm soát được nhịp độ suy nghĩ, nói chuyện, hay chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác rất nhanh nên đôi lúc làm người nghe không hiểu được.

Hoặc bệnh nhân ngủ rất ít nhưng vẫn không thấy mệt. Bệnh nhân cũng có cảm giác mình là vô địch, nghĩ rằng không có trở ngại nào có thể ngăn cản mình hoàn thành công việc hoặc dự kiến làm quá nhiều việc trong ngày mà không thể nghỉ ngơi hay ngồi yên và dễ nổi cơn giận dữ bất ngờ, nhất là khi các ý tưởng trong hoang tưởng tự cao bị người xung quanh phê bình hay cản trở.

Còn khi đã chuyển sang giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân luôn cảm thấy buồn hay lo lắng, cảm giác không còn sức lực, luôn luôn mệt mỏi... Ngoài ra, bệnh nhân cũng bị sụt cân hay tăng cân do ăn quá nhiều hoặc chán ăn mà không phải do theo một chế độ đặc biệt nào. Người bị rối loạn lưỡng cực còn cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị một tội lỗi gì ghê gớm và gặp khó khăn khi muốn tập trung chú ý hay khi phải ra một quyết định nào đó, cảm thấy bồn chồn, dễ tức giận, mất ngủ hay ngủ quá nhiều và thường xuyên nghĩ đến cái chết hay có hành động chuẩn bị tự tử.

Lây “tính khí thất thường” từ cha mẹ

Khoảng 100 người sẽ có 1 người có thể sẽ bị rối loạn này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Bệnh thường khởi phát trong hay sau giai đoạn tuổi thanh thiếu niên. Bệnh này có thể chẩn đoán xác định khi trẻ 10 tuổi. Trong 10 năm qua, số lượng mắc bệnh này đã tăng gấp đôi.

Tỉ lệ nam và nữ mắc bệnh này xấp xỉ nhau. Cha mẹ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực, có triệu chứng hay đã được chẩn đoán với những rối loạn hành vi, đặc điểm tính khí thất thường có thể là nguy cơ làm biểu hiện bệnh sớm ở trẻ. Ở trẻ em, có thể sẽ có thêm những biểu hiện như trẻ dễ cáu kỉnh, hoang tưởng, thích gây hấn, không yên, hành vi liều lĩnh, khiếm khuyết, rối loạn nhận thức... Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân không đi học được, quan hệ bạn bè kém, nguy cơ lạm dụng các hóa chất, chất gây nghiện ở tuổi vị thành niên. Ngoài những yếu tố do di truyền thì người ta nhận thấy môi trường chung quanh quá nhiều sang chấn (stress) có thể góp phần thúc đẩy sự xuất hiện rối loạn lưỡng cực.

Việc chẩn đoán sớm giúp cho phương pháp điều trị sẽ được bắt đầu sớm hơn, do đó làm giảm các biến chứng đi kèm do không được điều trị kéo dài. Mục tiêu của điều trị không những cải thiện hiệu quả điều trị mà còn đẩy mạnh giúp bệnh nhân gắn kết điều trị lâu dài, do đó ngăn ngừa sự tái phát và làm giảm sự hoành hành của bệnh cũng như nguy cơ tử vong. Còn liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân đối phó tốt hơn với các sang chấn trong cuộc sống và giúp gia đình bệnh nhân có cách cư xử thích hợp hơn với bệnh nhân.

Theo BS Lê Quốc Nam / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.