Chia sẻ cùng những ước mơ - Kỳ 4: Những tâm hồn không khuyết tật

03/12/2008 22:31 GMT+7

Cho đi chính là nhận lại và cũng là cách để hạnh phúc ngày càng được nhân rộng tới nhiều người.

Chúng tôi đến Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ sau cơn mưa lũ vừa đi qua. Nhà cứu trợ nằm sát chân đê cũng bị ảnh hưởng bởi nước ngập tràn qua đê. Cái nắng hanh hao của những ngày cuối thu đã trả lại sự quang đãng cho sinh hoạt của các em nhỏ trú tại nơi này.

Ấn tượng nhất là trường hợp bé Bùi Thị Dung, đã 9 tuổi nhưng Dung bé xíu như trẻ lên 5. Với Dung, thì nhà cứu trợ là ngôi nhà thứ hai của em bởi từ khi còn rất nhỏ em đã gắn bó với nơi này. Vốn là đứa trẻ sinh thiếu tháng, nơi trạm xá không có lồng ấp chăm sóc nên Dung trở thành èo uột, chân tay yếu ớt. Được biết nhà cứu trợ ở xã khám chữa bệnh miễn phí, bố mẹ Dung đưa con đến với sự phấp phỏng, không mong gì có thể vơi bớt sự thiệt thòi của con. Vậy mà hơn 4 năm, với sự kiên trì của các thầy thuốc nơi đây, Dung đã đứng dậy đi được, tay phải đã cầm được bút và đang là học sinh lớp 3 trường Tiểu học Vĩnh Chân.

Hoàn cảnh khiến mọi người cảm phục nhất là cậu bé Hà Văn Cần, 14 tuổi ở xã Hương Xạ, Hạ Hòa, Phú Thọ. Mới 2 tuổi, Cần đã bị u máu phải vào Viện K ở Hà Nội để xạ trị. Lên 3 - 4 tuổi, Cần yếu hẳn, chân bị khoèo, liệt nửa người không đi lại được. Được người giới thiệu, cha của Cần đã đưa con đến đây. 7 năm kiên trì chữa trị, giờ Cần đã đi lại được, tuy vẫn còn khó khăn. Vượt lên trên hoàn cảnh, Cần rất chăm học, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. Năm nay học lớp 8, mong ước lớn của Cần là chữa khỏi hẳn bệnh để có thể làm được mọi việc, học hành tốt để sau này tự lo liệu được cuộc sống của mình, và giúp đỡ bố mẹ.

Hai em nhỏ Dung và Cần chỉ là một trong số những cảnh đời mà Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Vĩnh Chân hỗ trợ. Ông Bùi Văn Thành - Chủ nhiệm Nhà cứu trợ kể cho chúng tôi hàng trăm cảnh đời của các em nhỏ đến đây chữa trị. "Chúng tôi đã chữa trị cho hơn 370 cháu, hơn 500 người lớn của 62 xã, thị trấn, thành phố trong tỉnh và 20 tỉnh bạn. Có người ở tỉnh rất xa cũng tìm đến như Lào Cai, Hà Giang, Hà Tĩnh...", ông Thành nhớ lại. Trong số các em đến, có những em bị khuyết tật vận động rất nặng. Hầu hết các em đều có gia cảnh khó khăn không có điều kiện chữa bệnh. Khi đến với trung tâm, các em đã được chữa trị bệnh tật, được nuôi dưỡng bằng nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, đồng thời được học chữ, học nghề. Có những em đã kiên trì chữa bệnh, học nghề, tự nuôi sống bản thân, hữu ích cho đời. Nhiều em đã có nghề may kiếm sống nuôi bản thân mình, riêng em Nguyễn Hữu Thắng khỏi hẳn bệnh liệt chân, học nghề sửa chữa điện thoại di động và được nhà cứu trợ giới thiệu cho việc làm ở Hà Nội.

Ông Thành và các thành viên Ban chủ nhiệm đều là những người có tấm lòng nhân ái, yêu trẻ, tâm huyết với công việc tại trung tâm. Ông tâm sự: "Điều chúng tôi canh cánh trong lòng là không chỉ chữa lành bệnh, giảm bệnh cho các cháu mà làm sao để các cháu có thể hòa nhập với cuộc sống, không phải phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác. Quan trọng hơn cả là giúp các cháu trở thành những con người hoàn thiện về nhân cách, với những tâm hồn không khuyết tật, hiểu được giá trị của sự chia sẻ mà các cháu đã được nhận từ mọi người, từ đó biết sống tốt và trở thành những người có ích, đóng góp lại cho đời".

Ra về trong nắng chiều chạng vạng, bé Dung líu ríu bước chân không vững theo các thầy lên đê để tiễn chúng tôi. Cố nói mãi không ra lời chào, ánh mắt bé vẫn vui lắm, cánh tay khó nhọc nâng lên để thay cho lời chào. Còn cậu bé Cần, tiễn chúng tôi với một lời hứa, em quyết tâm chiến thắng bệnh tật để trở thành thầy giáo, để dạy chữ, truyền tri thức cho các em nhỏ, nhất là những em có hoàn cảnh thiệt thòi...

Mai Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.