Những sáng kiến từ mồ hôi người thợ

03/12/2008 10:35 GMT+7

Công nhân trực tiếp sản xuất hiểu rõ những điều chưa hoàn thiện của thiết bị nên có thể đưa ra các ý tưởng khắc phục, cải tiến phù hợp

“Cái máy này trông ngộ thiệt, nhìn gần trông giống như máy phát điện nhưng lại chạy êm ru”. Một người dân đi đường đã trầm trồ như vậy khi quan sát một nhóm công nhân (CN) Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM vận hành chiếc máy hút khí độc dưới lòng cống trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1- TPHCM. Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Thiện, Chủ tịch CĐ Công ty Thoát nước Đô thị, cho biết: “Từ hồi đưa chiếc máy này vào sử dụng, CN đỡ hít phải khí độc khi nạo vét các đường ống cống, sức khỏe cũng cải thiện hơn trước”.

Công nhân đỡ cực, công việc hiệu quả

Một buổi tối cách nay không lâu, khi ghé thăm trạm bơm của Công ty Thoát nước Đô thị tại khu vực cầu Văn Thánh, quận Bình Thạnh- TPHCM, tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh em CN trực đêm tụ tập ở trạm chứ không ra hiện trường. Hỏi ra mới biết, từ khi công ty lắp đặt phao báo mực nước triều có gắn chuông báo động, anh em CN đỡ vất vả canh chừng. Khi nước triều lên cao, chuông sẽ báo động. Chủ nhân của sáng kiến trên là anh Đào Công Hiếu, Xí nghiệp Thoát nước số 3.

Mấy năm trước, để hạn chế tình trạng ngập úng do triều cường gây ra, Sở GTVT cho lắp đặt nhiều trạm bơm có công suất lớn, tập trung tại các khu dân cư ven kênh rạch. Do mực nước triều lên xuống thất thường nên anh em CN vận hành các trạm bơm phải thức khuya để canh chừng, phí sức mà hiệu quả lại không cao. Anh Hiếu đã mày mò nghiên cứu, sáng chế thiết bị trên. Thủy triều lên sẽ đẩy phao đụng rờ le, kích thích chuông reo. Nghe chuông báo động, CN chỉ cần mở máy vận hành trạm bơm là việc tháo nước từ các đường ống cống sẽ nhanh hơn, tránh được tình trạng ngập úng. Điều đáng nói là giá thành của sáng kiến này chỉ có... 100.000 đồng. Mỗi năm, CN của công ty “cho ra lò” từ 5 đến 6 sáng kiến có giá trị, giúp cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất lao động.

Tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận

“Năm 2000, khi mới cổ phần hóa, công ty đứng trên bờ vực phá sản. Thu nhập của CN không đủ sống, tâm lý hoang mang. CĐ đã bàn bạc với giám đốc, kêu gọi CN phát huy sáng kiến cứu doanh nghiệp (DN). Trong hàng trăm sáng kiến gửi đến, đã có nhiều ý tưởng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất các giải pháp cải tiến kỹ thuật, phát huy tác dụng đến tận bây giờ”. Ông Phạm Như Bách, Chủ tịch CĐ Công ty CP Giấy Viễn Đông (quận Tân Bình- TPHCM), kể. Chính Tổng Giám đốc Bùi Quang Mẫn đi đầu phong trào này khi đưa ra đề tài “Thiết kế, chế tạo cụm in tăng số lượng màu cho máy in ống đồng”. Nếu mua thiết bị nước ngoài, phải mất 4,2 tỉ đồng trong khi thiết bị do ông và 3 CN nghiên cứu, thực hiện chỉ hơn 1 tỉ đồng. Đến nay, thiết bị này vẫn vận hành tốt.

Bộ ba Huỳnh Kim, Cao Văn Kiệt, Nguyễn Đức Nghĩa với sáng kiến “Thiết bị tự động cắt, xịt keo dán trên máy cuốn giấy vệ sinh” đã làm lợi cho công ty hơn 80 triệu đồng mỗi năm. “Với sáng kiến này, chúng tôi muốn tiết kiệm chi phí, mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty, cũng là mang đến lợi ích cho CN” - ông Cao Văn Kiệt nói. Hay đề tài xử lý cục bộ nước thải xeo giấy bằng phương pháp hóa sinh do CĐ “chủ xị” có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao động... Tùy hiệu quả đạt được, các công trình sáng kiến đã được công ty khen thưởng xứng đáng; có công trình được thưởng 100 triệu đồng.

DN và CN đều có lợi

Ở Công ty Nhựa Đạt Hòa (quận Bình Tân- TPHCM), CĐ lập một thùng thư sáng kiến tại nhà máy. Bất cứ sáng kiến lớn nhỏ nào cũng được xem xét cẩn thận. Hàng loạt sáng kiến đã ra đời như “Nâng cao chất lượng sản phẩm” của CN Nguyễn Đình Hậu; “Cải tiến hệ thống nước cho phân xưởng PVC” của CN Nguyễn Thành Tâm; “Cải tiến khuôn mẫu cũ” của anh Nguyễn Thành Đông... Ông Lý Đức Khánh, phó giám đốc, nhìn nhận: “Những sáng kiến này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Các sáng kiến khả thi được ứng dụng và khen thưởng ngay trong tháng; những sáng kiến nhỏ, mang lại hiệu quả chưa cao vẫn được công ty ghi nhận, khen thưởng”.

Nhờ các sáng kiến, cải tiến, sản phẩm của DNTN Nhựa Chợ Lớn như đồ chơi trẻ em, máy in lụa, máy tiếp mực... được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Để hài hòa lợi ích của DN và người lao động, CĐ đã đề xuất lập hội đồng xét duyệt sáng kiến. Những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật còn được DN cụ thể hóa trong chương trình làm việc của từng bộ phận, cá nhân. Ông Võ Văn Đức Bảy, Chủ tịch CĐ đơn vị, cho biết: “CĐ lập 2 thùng thư sáng kiến ngay trong xưởng. Mỗi tuần, các ý kiến được tổng hợp, gửi đến ban giám đốc. CN là người trực tiếp sản xuất hiểu rõ những điều chưa hoàn thiện, chưa phù hợp của thiết bị nên có thể đưa ra các ý tưởng khắc phục, cải tiến, phù hợp. Các sáng kiến có hiệu quả, CĐ đều đề xuất khen thưởng xứng đáng nên anh em rất phấn chấn, làm việc hăng hái”.

Theo Khánh Linh - Hồng Đào / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.