Báo động tình trạng trẻ bị bạo hành

01/12/2008 08:46 GMT+7

Đối với nhiều phụ huynh và thầy cô, bạo hành trẻ là hành vi bình thường để sửa dạy trẻ tuân theo kỷ luật Gần đây, tình trạng trẻ em bị người lớn bạo hành ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra ở cả gia đình và nhà trường, nơi mà trẻ cần được giáo dục bằng tình yêu thương. Bạo hành là một trong những tác nhân có thể dẫn đến hành vi bạo lực của trẻ sau này.

Nhiều hình thức bạo hành trẻ em

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, bạo hành đối với trẻ không chỉ là bằng roi vọt mà là mọi hình thức bạo hành thể chất và tinh thần, bỏ rơi, chểnh mảng trong chăm sóc, bạc đãi, khai thác, bao gồm cả lạm dụng tình dục...

Có những trẻ không bị đánh đập nhưng lại bị bỏ rơi và đây cũng được xem là một kiểu bạo hành. Trẻ bị cha mẹ chểnh mảng việc chăm sóc về ăn uống, vệ sinh, che chở và trông nom. Hiện nay, những lo toan về tài chính, nhiều phụ huynh bận bịu với công việc ngoài xã hội, nên thường gửi trẻ cho người vú nuôi tại nhà hay tại nhà trẻ tư nhân. Những người giữ trẻ chưa qua một lớp đào tạo về nuôi dạy trẻ, lại có một tuổi thơ được giáo dục bằng chửi mắng, roi vọt, nên họ lặp lại những hành vi đó như một cách giao tiếp không lành mạnh.

Ngoài ra, trẻ cũng bị tình trạng bạo lực tâm lý, bao gồm những hành vi gây xúc phạm, thử thách, loại bỏ, từ chối tình cảm, đòi hỏi quá mức so với tuổi và sự phát triển của trẻ, như áp lực học tập hay ăn uống. Ví dụ một trẻ mới lên ba, chưa nói rành tiếng Việt, nhưng đã bắt đầu học tiếng Anh. Một trẻ khác mới 5 tuổi bị bắt buộc tập đọc, viết và làm toán trong khi ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển tốt. Gần đây, nhiều trẻ bị người nuôi ép ăn, trẻ ói ra thì lại bị bắt buộc ăn lại chất ói, đây cũng là bạo hành tâm lý.

Ở bé gái thường kèm theo bị hành hạ tình dục: bao gồm loạn luân, hiếp dâm, xâm phạm tình dục, sử dụng trẻ em vào mại dâm hoặc phim ảnh đồi trụy. Sự lạm dụng tình dục thường xảy ra trong những người thân quen với trẻ và thường có những hậu quả trầm trọng về thể chất (chấn thương, có thai, bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục) và tâm lý, với một tỉ lệ cao về tự tử, trầm cảm và rối loạn tâm thần nặng ở trẻ bị lạm dụng.

Cần can thiệp sớm

Hầu hết nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành hiện nay đều được phát hiện quá muộn, được nhập viện khi tâm lý không ổn định hoặc mang thai do bị cưỡng hiếp... Nếu trẻ bị bạo lực thể chất thì đó là những hành vi bạo lực làm tổn hại thân thể trẻ bằng cách đánh đập, gây phỏng hoặc ngộ độc. Bạo lực thể chất được nhìn thấy trên cơ thể của trẻ. Thế nhưng nhiều phụ huynh trong gia đình và thầy cô lại xem đây là hành vi bình thường để sửa dạy trẻ tuân theo kỷ luật. Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh khuyến cáo, nếu cha mẹ hoặc người lớn quan tâm đến trẻ sẽ phát hiện sớm những dấu hiệu trẻ bị bạo hành. Nếu trẻ bị bạo hành về thể chất thường có các biểu hiện trên cơ thể như bầm tím, máu tụ, vết véo, vết cắn, vết phỏng, vết hói đầu (do bị bứt tóc), gãy xương, nhiều vết thương ngoài da... Còn về mặt tâm lý, trẻ sẽ có những dấu hiệu tâm lý và hành vi như chậm nói, chậm vận động, khó khăn hoặc sa sút học tập, hội chứng trầm cảm ở trẻ em thường khó được nhận biết: u buồn, cách ly, hung hăng, giảm sinh hoạt, lo âu, khiêu khích, trốn học, bỏ nhà đi và từ chối trở về nhà, từ chối tâm sự, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống (chán ăn tâm lý, háo ăn, ăn bậy). Ngoài ra, đái dầm cũng là một biểu hiện ở những trẻ bị bạo hành, thường là trẻ bị đái dầm lại sau khi đã hết đái dầm hoặc tiếp tục đái dầm từ nhỏ hoặc tiêu ra quần.

Bạo hành ở trẻ em tùy thuộc nhiều yếu tố liên quan đến gia đình và cộng đồng. Khi thấy trẻ có những biểu hiện bị bạo hành về thể chất và tâm lý, các bậc cha mẹ nên lắng nghe trẻ tâm sự, tin tưởng điều trẻ nói và làm cho trẻ hiểu điều trẻ nói rất quan trọng. Đặc biệt, cần phải trấn an trẻ, giải thích cho trẻ biết là người lớn sẽ bảo vệ trẻ theo luật pháp và giúp trẻ sống trong môi trường an toàn, không làm tăng thêm sang chấn tâm lý cho trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ không muốn tố giác tên người lạm dụng.

Những yếu tố từ gia đình

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, hiện nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội, những phương tiện truyền thông hiện đại, thanh thiếu niên có khá nhiều cơ hội tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực và kích dục, gia đình đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó trẻ em là những nạn nhân đầu tiên. Ở những gia đình nếu cha mẹ thiếu hiểu biết về nhu cầu và phát triển của trẻ, thiếu kỹ năng làm cha mẹ, cha mẹ có bệnh sử bị lạm dụng trong gia đình, nghiện rượu hay xì ke, cha mẹ bị stress hay đau khổ, bao gồm trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác thì trẻ sẽ có nguy cơ bị bạo hành nhiều hơn. Hoặc gia đình sống tách rời xã hội, khó khăn tài chính, thiếu giáo dục, gia đình tan vỡ, bạo hành giữa vợ chồng, mối quan hệ không tốt giữa cha mẹ và con cái cũng làm gia tăng nguy cơ bạo hành ở trẻ.

Theo Tịnh Minh / NLĐ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.